Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Bệnh sốt rét bùng dậy tại châu Á

mediaMuỗi a-nô-phen, tác nhân chính truyền bệnh sốt rét cho người.James D. Gathany/wikimedia.org
    Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong khoảng thời gian từ 2000 tới 2012, tỉ lệ tử vong do sốt rét đã giảm bớt 42%. Tuy nhiên, năm 2010, vẫn có trên 1,2 triệu người chết. Con số này giảm xuống còn 627 000 vào năm 2012. Phần lớn số nạn nhân là trẻ em tại khu vực châu Phi miền nam sa mạc Sahara. Thế nhưng, mục « Khoa học » của báo Le Monde nhấn mạnh « Bệnh sốt rét rất nguy hiểm này đang nhanh chóng lan truyền tại châu Á ».






    Bài báo dựa trên nghiên cứu công bố tại Tổ chức Y tế Nhiệt đới và Vệ sinh của Mỹ ngày 03/11 vừa qua. Theo đó, bệnh sốt rét ngày càng lan truyền nhanh tại khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Lào. Malaysia là nước có tỉ lệ bệnh sốt rét cao nhất. Tại vùng Bornéo của nước này, một trong những vùng bị nặng nhất, 68% các ca lây nhiễm bắt nguồn từ một loại ký sinh có tên Plasmodium knowlesi, cho tới nay vẫn được coi chỉ lây lan giữa loài khỉ. Theo nhận định của một nhà nghiên cứu, có nhiều khả năng loại ký sinh này đã lây từ người sang người. Ông cho biết : « Cứ 24 giờ, loài ký sinh gây bệnh nhiễm trùng này tái sinh sản trong máu. Còn nhanh hơn cả những gì chúng tôi quan sát được từ những loài ký sinh khác gây bệnh sốt rét. Chính vì thế, nó là một trong những loại ký sinh nguy hiểm nhất ».
    Nguyên nhân khiến bệnh lây lan nhanh tại Malaysia là do tình trạng phá rừng. Trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2012, quốc gia này mất 14% diện tích rừng, nhường chỗ cho các khu trồng cọ dầu. Bệnh sốt rét còn lây truyền nhanh hơn tại các khu vực ven rừng hoặc rừng bị phá và nơi có loài khỉ macao đuôi dài hay đuôi heo sinh sống. 95% bệnh nhân là người lớn, một tỉ lệ rất lớn so với những loại ký sinh gây bệnh khác gây ra. Muỗi là vật trung gian gây bệnh này. Giải thích tại sao người lớn lại bị bệnh sốt rét nhiều hơn, bản nghiên cứu cho biết do loài muỗi không bay sâu vào khu vực dân cư. Chúng thường đốt những người đi làm đồng hoặc thợ săn.
    Bệnh sốt rét do loại ký sinh nguy hiểm Plasmodium knowlesi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1930 và ca đầu tiên tại Bornéo (Malaysia) vào năm 1965. Thế nhưng, ngay các nhà khoa học cũng còn có rất ít thông tin về loại ký sinh này, cũng như cách chúng lây lan. Chính vì thế, từ năm 2012, dự án « Monkey Bar » đã được triển khai để hiểu rõ hơn cách truyền bệnh tại hai nước Malaysia và Philippines. Mọi vận động của người và khỉ được theo dõi qua GPS. Còn tập tính của muỗi được nghiên cứu nhờ máy bay điều khiển từ xa ở độ cao từ 300 đến 400 mét. Nhờ đó mà các nhà nghiên cứu mới nhận ra được mức độ trầm trọng của tình trạng phá rừng.
    Với hơn 2.000 bệnh nhân nhập viện vào năm 2013 tại Malaysia, bệnh sốt rét do loại ký sinh Plasmodium knowlesi khiến ít người nhiễm bệnh hơn so với bệnh sốt xuất huyết và ít gây tử vong hơn. Hiện nay, dịch bệnh đã được khoanh vùng tại Đông Nam Á nơi loài muỗi trung gian sống nhiều. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đang lo lắng trước tình trạng phát triển nhanh của bệnh này.
    Nông dân làng đô thị Tây An cứng đầu chống đối
    Hình ảnh làng đô thị Tây An (tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc) sang trọng với những tòa nhà cao tầng, đối lập với một căn nhà nằm gọn lỏn bên trong là minh họa của bài phóng sự : « Nông dân làng Tây An cứng đầu chống đối » trên tờ Le Figaro. Tại vùng di dân cho đô thị hóa này, người dân vẫn từ chối rời bỏ nơi ở của mình dù đã bị cắt điện và nước.
    Từ 10 năm nay, người dân Tây An chống đối quyết liệt những nhà thầu bất động sản « tâm đầu ý hợp » với giới thẩm phán và lãnh đạo địa phương của Đảng Cộng sản. Không còn gì để mất, họ quyết tâm đánh đổ nhiều quan tham đầy thế lực tại khu vực phía Nam Trung Quốc. Trong số đó, một số người bỏ trốn ra nước ngoài, còn một số bị buộc từ chức.
    Người dân tố cáo mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà thầu và chính quyền địa phương. Họ bị tước quyền quyết định về số phận đất đai của chính mình. Cán bộ địa phương ăn rơ với thẩm phán để chèn ép và bịt miệng người phản đối bằng những biện pháp mạnh tay và nhỏ nhen, như : huy động cảnh sát bắt bớ, đánh đập và bỏ tù, hay cố tình gây mất điện tại lúc bào chữa tại tòa…
    Là một trong 130 làng đô thị của Quảng Châu, lá phổi kinh tế của Trung Quốc, Tây An thu hút hàng triệu người di cư trong những năm 1990. Quen trồng rau cỏ và sống trong những ngôi nhà bằng gạch đơn sơ, bỗng nhiên dân Tây An ngồi trên đống vàng. Tuy nhiên, chưa bao giờ họ được nhìn thấy màu sắc của nó. Năm 1986, những mảnh đất đầu tiên bị tịch thu để xây sân vận động. Năm 1995, đến lượt những mảnh đất khác để xây dựng nhà ở.
    Trên nguyên tắc, người dân sẽ được hưởng tiền bồi thường số đất thuộc sở hữu của họ bị trưng dụng. Song thực tế lại hoàn toàn khác. Không luật sư, không người bảo vệ, họ chưa từng được nhìn bản hợp đồng bán đất giữa chính quyền địa phương và nhà thầu xây dựng, thường cao gấp nhiều lần so với giá bồi thường. Mục đích đấu tranh của người dân là phải công bố những hợp đồng này. Mất đất canh tác, mất thu nhập, người dân Tây An buộc phải phá hay sửa nhà thành những căn hộ nhỏ cho thuê với giá thấp. Người lao động từ các nơi khác tới, sống chen chúc, tạo thành một mê cung như những khu ổ chuột. Đây cũng chính là nơi mà vấn đề nhân quyền hay quyền bầu cử được tranh luận gay gắt.
    Năm 2009, ngôi làng mất một nửa diện tích đất, giờ chỉ gói gọn tương đương với diện tích của tám sân bóng. Trong khi chờ đợi công lý được lập lại tại đây, người dân Tây An vui mừng trước những « tiến bộ » đã đạt được tại Hội nghị lần thứ 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần vừa qua. Họ đánh giá cao lời hứa hạn chế quyền lực của cán bộ địa phương của chủ tịch Tập Cận Bình. Vì theo họ, tại Tây An, không có chính sách kiểm tra dân chủ. Vì vậy, không nên trao quá nhiều quyền lực cho cán bộ địa phương và hạn chế tầm ảnh hưởng của họ tới thẩm phán.
    Khủng bố : Dữ liệu về du khách được nhắm tới
    Thời gian gần đây, nhiều sự kiện liên quan đến khủng bố đã diễn ra tại các nước phát triển. Trong đó, phải kể tới vụ khủng bố tại Nghị viện Canada, việc chính quyền Úc theo dõi một số công dân Hồi giáo cực đoan của nước này hay việc Pháp phá vỡ một số âm mưu khủng bố nhắm tới các thành phố lớn như Paris hay Nice.
    Cuộc họp tại Paris của các Bộ trưởng châu Âu, với sự tham gia của Bộ trưởng An ninh Canada, diễn ra ngày ngày 06/11, đã nhắm tới việc tạo điều kiện cho ngành cảnh sát truy cập dữ liệu về du khách của các hãng hàng không. Tờ Le Figaro phản ánh dưới tựa đề : « Khủng bố : Dữ liệu về du khách được nhắm tới ».
    Theo giải thích của một cảnh sát cao cấp, đây là hệ thống dữ liệu tin học chứa những thông tin mà các hãng hàng không lưu lại về hành khách của họ. Việc nối hai mạng tin học có thể giúp phát hiện, trong lúc làm thủ tục tại sân bay, những thành phần nằm trong danh sách nguy hiểm của cảnh sát để tránh các vụ đánh bom máy bay hay giúp một kẻ khủng bố quá cảnh. Những thông tin cơ bản nhất, cung cấp trong lúc đặt vé máy bay hay các dịch vụ theo yêu cầu, cũng sẽ giúp phía cảnh sát theo dõi sát sao kẻ tình nghi. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp nhiều ý kiến phản đối. Họ cho rằng đây là một cách ăn cắp đời tư hay xâm hại tự do cá nhân.
    Trong khi nội bộ châu Âu đang gặp khó khăn để thông qua dự án này, thì họ đã đồng ý cung cấp cho Mỹ từ sau vụ khủng bố Tòa tháp đôi tại New York. Cơ quan an ninh Mỹ có mọi thông tin liên quan tới hành khách từ lúc họ đặt vé, hoặc thông tin các chuyến bay vào lãnh thổ Mỹ ở thời điểm thực tế.
    Chất vấn Tổng thống Pháp François Hollande
    Nội dung và phân tích của buổi trả lời phỏng vấn truyền hình của Tổng thống Pháp tối hôm qua chiếm trọn trang nhất của nhiều nhật báo Pháp.
    Do ra từ chiều hôm trước, tờ Le Monde đăng bài phân tích những nghị sĩ Xã hội vẫn thầm lặng ủng hộ Tổng thống, trong đó có rất nhiều « cây cổ thụ » của Đảng.
    Những lời giải thích, biện luận của Tổng  thống dường như không thuyết phục được khán giả, cũng như giới báo chí. Le Figaro thở dài trên trang nhất : « Lại thất bại ! ». Tờ báo đánh giá buổi truyền hình tối hôm qua là nghèo nàn về công bố. Tổng thống Pháp, dù tỏ ra lạc quan về cách điều hành, đã tự đưa mình vào việc tự biện minh. Các trang 2 và 3 của tờ báo lần lượt phân tích buổi trả lời phỏng vấn dưới hai khía cạnh : chấm dứt việc tăng thuế và trợ cấp, hợp đồng chống thất nghiệp.
    Trang nhất của Libération trích dẫn một phát biểu của Tổng thống : « Tôi đã quyết định tất »để giải trình về toàn bộ chính sách của ông. Tờ báo nhận định Tổng thống bị kẹt trong cuộc chất vấn trực diện với bốn công dân Pháp khách mời. Ngoài ra, tờ báo cũng chỉ trích người đứng đầu nhà nước tự nhận là một Tổng  thống hiện đại hóa, nhưng lại bị cách làm việc thỏa hiệp của ông hãm lại.
    Tại Thụy Điển, có thể lái xe không cần giữ vô-lăng
    Mục « Mỗi ngày một chuyện » của Le Figaro thích thú với việc tại Thụy Điển, có thể lái xe không cần giữ vô-lăng.
    Dự án « Drive Me » của Volvo vừa đưa ra thử nghiệm cho phép người lái xe không cần điều khiển mà hoàn toàn có thể đọc báo, nghe điện thoại, làm việc. Năm xe tự động đã được đưa ra thử nghiệm tại thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển, Goteborg, và khoảng 100 xe sẽ được đưa vào lưu thông năm 2017.
    Ngoài lý do thuận tiện, Volvo còn nhắm tới an toàn giao thông. Theo đó, xe tự động được bảo hành « không tai nạn » nhờ các bộ phận nhận diện được gắn khắp nơi trên xe để nhận dạng được chướng ngại vật, bám đường và phân tích địa hình… Ngoài ra, các xe thuộc dạng này còn kết nối với nhau.
    Bên cạnh dự án trên, Volvo còn có một số dự án khác nhằm giúp đỡ người lái xe, ví dụ như dự án giao hàng trong cốp. Xe sẽ được kết nối và định vị trên trang của người bán hàng. Người giao hàng sẽ nhận được một mật mã để mở cốp xe và chuyển hàng vào đó.

    Không có nhận xét nào: