∇ Nghe Bài Này
|
Đã gần 9 tháng nay, 16 công nhân tàu Phan Khánh tại Melaka, Malaysia không được chủ trả lương đầy đủ và cũng không trở về được Việt Nam theo như yêu cầu.
Không có việc làm, chủ nợ lương
Tàu Phan Khánh với số hiệu SG5722 là một xà lan chở cát. Ngày 12 tháng 2 đầu năm nay, tàu khởi hành từ Biên Hoà với 15 công nhân và 1 tài công ( đa số là người dân tỉnh Kiên Giang) đến bang Johor thuộc Malaysia được một thời gian ngắn, sau đó tàu được chuyển đến Melaka, một thành phố biển thuộc miền Nam Malaysia và nằm yên đó gần 8 tháng nay vì không ký được hợp đồng vận chuyển cát với công ty xây dựng hãng du lịch của Mã Lai ở đây nên công nhân không có việc làm, tàu hết dầu, chủ không trả lương, 12 công nhân trên tàu muốn về lại Việt Nam, còn 4 người khác thì không muốn về. Một công nhân trong nhóm 12 công nhân muốn về cho biết sự việc :
«Chủ kêu tụi em qua đây mần, qua đây mần đi tàu. Ổng nói lương bổng ổng trả mỗi tháng 8 triệu. Tụi em đi 9 tháng nay rồi mà ổng trả tổng cộng là chỉ có 3 tháng mấy thôi. Bây giờ tụi em muốn đòi về nhưng ổng không giải quyết cho tụi em về.»
Do không ký được hợp đồng công trình mới, tàu đậu ở cảng Malaka càng lâu thì đóng thuế hải quan càng nhiều. Theo công nhân , người chủ đã thiếu 8 tháng thuế hải quan gần 40.000 Ringgit (đơn vị tiền Malaysia). Nợ chồng chất, công việc không có nên chủ cũng không có tiền trả lương. Một công nhân khác nói :
«Từ lúc em qua đến giờ cũng chưa có làm việc gì hết. Lúc em mới qua, ổng nói qua đây đi thì có công trình làm liền , đừng lo, nhưng qua tới giờ cũng không có công trình gì để làm. Ổng làm ăn thất bại ổng không có hợp đồng công trình được , ổng không có tiền trả tụi em, ổng thiếu nợ hải quan, ổng muốn bỏ mấy em. Ổng nói dối tụi em, nói có…có…mà đâu có gì đâu ! Ổng hẹn lần, hẹn lượt, ổng bỏ tụi em chơ vơ, vất vưởng vậy đó !»
Theo công nhân, người chủ này không ký hợp đồng làm việc, mọi việc đặt căn bản trên sự quen biết và tin tưởng lẫn nhau. Nay tiền lương không trả, tiền ăn cũng không đầy đủ nên công nhân phải tự đi kiếm ăn. Nhưng do không có hộ chiếu trong tay nên khi lên bờ mua thức ăn, công nhân cũng rất sợ bị cảnh sát Mã Lai bắt giữ.
Chủ kêu tụi em qua đây mần, qua đây mần đi tàu. Ổng nói lương bổng ổng trả mỗi tháng 8 triệu. Tụi em đi 9 tháng nay rồi mà ổng trả tổng cộng là chỉ có 3 tháng mấy thôi.
- Một công nhân
«Tụi em qua lần đầu tiên là tháng 2, ổng trả 8 triệu, thuyền trưởng là 14 triệu. nhưng ổng chỉ trả có 5 triệu một người thôi, rồi 2 tháng sau ổng mới trả nữa. Lúc đầu qua, ổng nói ăn uống ổng quy định là 12 Ringgit(RG) một người, nhưng bây giờ thì ổng chỉ trả tiền ăn 5 RG một người, tụi em phải đi kiếm ăn, đói thì tụi em bắt buộc phải đi mua đồ ăn thôi, nói chung tụi em cũng sợ police (công an ) chứ không phải là không sợ.»
Sau gần 9 tháng nằm ụ tại Mã lai không có công việc, nguyện vọng duy nhất của các công nhân nhân này là :
"Nguyện vọng của tụi em là muốn về Việt Nam, tụi em muốn ổng trả lương để về lo cuộc sống gia đình. Bây giờ ổng hứa lần, hứa lửa hoài mà ổng không chịu trả. Bây giờ tụi em muốn về Việt Nam để nuôi cuộc sống gia đình. Tụi em nói là hoàn cảnh gia đình của tụi em rất khổ, anh làm cách nào anh phải qua đây đưa tụi em về để tụi em lo cuộc sống gia đình. Ổng cứ hứa hoài, hứa ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, bây giờ tụi em cũng không có lòng tin về ổng nữa. »
Nhưng sau một thời gian thì người chủ lẫn tránh, không bắt điện thoại nữa, một công nhân nói :
«Tụi em điện ổng không bắt máy nữa, điện hoài hoài ổng không bắt máy, gia đình điện ổng cũng không bắt máy nữa… »
Tuy nhiên, vì không biết tiếng, không biết luật Mã Lai, không giấy tờ tuỳ thân, không cả hợp đồng nên các công nhân cũng không dám lên tiếng mạnh với 2 người đại diện của hãng tàu Phan Khánh tại Mã Lai là ông Bảo và ông Thanh. Họ sợ bị cảnh sát Mã Lai bắt nên im lặng từ tháng 2 cho đến nay :
«Mấy người kia sợ không dám đi, nếu em lên em nói với ông chủ rồi lỡ ổng kêu pô-lít (cảnh sát) Mã lai bắt tụi em. Vì thằng chủ mua chuộc pô-lít, sợ pô-lít bắt tụi em, tụi em cũng không biết tiếng nên sợ…. »
Cơ quan chức năng nói gì?
Gần đây, 9 trong tổng số 16 công nhân quyết định viết thư lên toà đại sứ Việt Nam ở Mã Lai để trình bày sự việc và nhờ đại sứ quán can thiệp để được chủ trả lương và trở về Việt Nam. Nhưng cho tới hôm nay vẫn chưa có kết quả. Sau đó, qua sự giới thiệu của các công nhân khác, các công nhân xà lan Phan Khánh liên lạc với đại diện của Lao Động Việt ở Mã Lai để nhờ giúp đỡ. Một trong những công nhân này cho biết :
«Đợt rồi có 2 người kia được Lao Động Việt giúp được về Việt Nam rồi. Qua quen biết với 1 người của Lao Động Việt bên Mã Lai nên mới biết đến Lao Động Việt, nhờ Lao Động Việt giúp đỡ cho tụi em»
Liên lạc với ông Nguyễn Đình Hùng, phó chủ tịch của Lao Động Việt (LĐV)tại Úc, ông Nguyễn Đình Hùng cho biết :
«Chúng tôi được đại diện của Lao Động Việt tại Mã Lai cho biết là 16 công nhân của tàu Phan Khánh cầu cứu đến LĐV nhờ giúp đỡ và chính cá nhân tôi đã liên lạc với ông chủ của tàu Phan Khánh tên là Phương và ổng ta đã hứa cuối tuần này sẽ qua bên Mã Lai để thanh toán những số tiền lương còn thiếu của 16 công nhân này, chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với 16 công nhân này để xem sự việc diễn tiến như thế nào.»
Tại sao anh không đưa hộ chiếu cho người ta ? Theo luật của Mã Lai, anh không được quyền giữ hộ chiếu của công nhân, hộ chiếu là tài sản của nước CHXHCN Việt Nam.
- Ông Hùng, PCT Lao Động Việt
Sau đây là trích đoạn cuộc điện đàm giữa ông Nguyễn Đình Hùng và ông Lê Bằng Phương, chủ hãng tàu Phan Khánh SG 5722. Sau khi ông Hùng hỏi về trường hợp của 16 công nhân thì ông Phương nói:
«Công trình mình đang chạy, bên kia chưa trả tiền thì em…Ý em muốn nói là nó trả tiền thì em mới chạy nữa…anh hiểu ý em nói không ?...Trong đó có 3 thằng nó 1,2 đòi phát lương thì em có giải thích, anh em mình sống với nhau, có công trình thì làm, từ xưa đến giờ đâu có thiếu anh em đồng nào ?! Thì chỉ mới giam lại có 1-2 tháng lương chứ đâu có thiếu 6 tháng lương".
Ông Nguyễn Đình Hùng : Công nhân nói với tôi là anh không trả họ 6 tháng lương, chỉ phát mỗi vài đồng tiền ăn thôi.
Ông Phương : Mấy anh em đó nói là không đúng, từ xưa đến giờ không bỏ đói anh em, không để anh em thiếu thốn…
Ông Hùng : Anh còn thiếu bao nhiêu tháng lương nữa ?
Ông Phương : Chỉ còn thiếu 2-3 tháng lương chứ không thiếu nhiều. Tháng nào thanh toán tháng đó, tại nó ngừng công trình, người ta chưa trả tiền cho mình thôi !
Ông Hùng : Tại sao anh không đưa hộ chiếu cho người ta ? Theo luật của Mã Lai, anh không được quyền giữ hộ chiếu của công nhân, hộ chiếu là tài sản của nước CHXHCN Việt Nam . Không ai được quyền giữ hộ chiếu, ngay cả hải quan cũng không được quyền giữ hộ chiếu.
Ông Phương : Hồi xưa đến giờ là bên công ty giữ hộ chiếu trên văn phòng chứ không phải là mình giữ, anh hiểu không ?....
Ông Hùng : Bây giờ theo nguyện vọng của người ta là anh phải trả lương trước, trả lương trước đi vì anh đã hứa quá nhiều lần rồi người ta mất niềm tin. Bây giờ ngày nào anh sẽ qua Mã Lai ?
Ông Phương : Tuần sau là em đi rồi !
Ông Hùng : Thứ mấy anh có mặt ?
Ông Phương : Để em gọi lại…gọi lại…..
Sau đó, ông Phương cúp điện thoại, ông Hùng có gọi lại nhiều lần, nhưng ông Phương không bắt máy nữa.
Liên lạc trở lại với công nhân hãng tàu Phan Khánh, khi được hỏi : ông chủ Phương nói đã trả lương đầy đủ, chỉ còn thiếu 2-3 tháng lương, một công nhân nói :
«Dạ đâu có đâu, tụi em đi qua hồi Tết tới giờ đã gần 9 tháng mà ổng chỉ trả có 2 tháng lương, mấy triệu thôi, như là thiếu tụi em là 4 tháng, ổng nói dóc…mà ổng hứa vậy thôi chứ không có chắc ăn.
Đó là trường hợp của 16 công nhân hãng tàu Phan Khánh cũng như phần nhiều những công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động thấp cổ bé miệng khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình của các công nhân này và sẽ cập nhật thông tin đến với quý thính giả
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét