Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin
|
Nga, Trung đang tìm đến với nhau
Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được đánh giá là chưa bao giờ thân thiết như thời điểm này trong thời gian mấy thấp kỷ trở lại đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ quan điểm chung với nhau về rất nhiều vấn đề, từ nhân quyền đến Mikhail Gorbachev. Cùng với quan hệ hai nước đang đi lên, hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình cũng trở nên gắn bó hơn. Tất cả đều vì lợi ích của Nga và Trung Quốc đang hội tụ với nhau.
Mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Nga và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh lợi ích thương mại, đầu tư và địa chính trị giữa hai nước đang song trùng với nhau.
Nếu không có cuộc khủng hoảng ở Ukraine thì có lẽ mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow vẫn còn dè chừng, hoài nghi lẫn nhau dù hai nước có lập trường chung trong nhiều vấn đề quốc tế.
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine bùng phát đã kéo theo một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh đến giờ. Đang là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Châu Âu, Nga bỗng dưng phải hứng một loạt đòn trừng phạt mạnh mẽ từ phương Tây do Mỹ dẫn đầu vì cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine.
Những đòn trừng phạt của phương Tây đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga, buộc Tổng thống Putin phải quay sang hướng đông, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc để làm đối trọng với một phương Tây đang ra sức gây sức ép với họ. Ông chủ điện Kremlin cũng muốn dựa vào tiềm lực kinh tế to lớn của Trung Quốc, thị trường to lớn của Trung Quốc để bù đắp cho những tổn thất mà Nga phải hứng chịu từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Đương nhiên là Bắc Kinh không thể bỏ qua một cơ hội quý giá như vậy.
Về phần mình, Bắc Kinh cũng đang đối mặt với quan hệ hết sức căng thẳng với Mỹ vì chính sách hướng trọng tâm sang Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng như các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng ở khu vực. Đặc biệt, sự kiện các cuộc biểu tình bùng phát ở Hồng Kông cũng là lý do khiến Trung Quốc thực sự bất mãn và khó chịu với Mỹ và phương Tây. Không ít lần giới chức Trung Quốc chỉ trích Mỹ đã kích động làn sóng biểu tình ở Hồng Kông.
Diễn biến tình hình như trên đã đẩy Nga và Trung Quốc ngày một đến gần nhau hơn, cả hai đều đang phải đối mặt với sức ép lớn từ Mỹ và phương Tây, Nga thì ở Ukraine còn Trung Quốc thì ở Hồng Kông.
Bắc Kinh và Moscow đều muốn dựa vào nhau, thành lập một liên minh làm đối trọng với Mỹ và phương Tây.
Ngoài vấn đề địa chính trị hết sức quan trọng trên, Nga và Trung Quốc còn gắn bó với nhau về lợi ích kinh tế. Với việc mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Nga rõ ràng đã bù đắp được phần nào cho những mất mát, tổn thất mà nước này phải hứng chịu khi mối quan hệ kinh tế với Châu Âu bị hạn chế. Về phần Trung Quốc, cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới rõ ràng đã “vớ bẫm” từ mối quan hệ đầu tư, thương mại với Nga. Bắc Kinh khát khao năng lượng và họ đã ký được một hợp đồng khí đốt có trị giá lên tới 400 tỉ USD với Moscow. Hai nước này đã đàm phán với nhau về hợp đồng trên trong thời gian khoảng một thập kỷ và chỉ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, hợp đồng này mới nhanh chóng được ký kết.
Ngoài ra, hàng chục hợp đồng kinh tế khác đã được ký kết giữa Nga và Trung Quốc trong thời gian qua. Tổng thống Putin dự đoán, giá trị thương mại giữa Nga và Trung Quốc sẽ vọt lên con số 100 tỉ USD vào năm 2015 và 200 tỉ USD vào năm 2020.
“Đã đến lúc phương Tây phải xem xét nghiêm túc liên minh Nga-Trung”
Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia, các nhà phân tích chia sẻ. Những người này tin rằng, liên minh Nga-Trung đang ngày một mạnh lên và giới lập chính sách ở Mỹ và EU cần phải xem xét một cách nghiêm túc đối trọng này của họ.
Một liên minh ổn định và bền lâu giữa Nga và Trung Quốc chắc chặn sẽ tạo nên một lực lượng đáng sợ trên trường quốc tế. Cả hai nước này đều là những người chơi lớn trên mặt trận ngoại giao quốc tế với tư cách là những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bắc Kinh và Moscow cũng đóng vai trò quan trọng trong những tiến trình ngoại giao đặc biệt như các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran hay đàm phán 6 bên với Triều Tiên. Trong một thế giới được cho là đang hướng tới thời kỳ Mỹ sẽ mất vị trí bá chủ thế giới và chưa nước nào đủ sức ngồi vào vị trí này thì một liên minh Nga-Trung Quốc sẽ nổi lên là một “thế lực” hùng mạnh đáng để phương Tây phải thực sự lo ngại. /Kiệt Linh
1 nhận xét:
Mạnh dạn đề xuất thay đổi cơ cấu thường trực HĐBA LHQ từ 5 thành viên lên 9 thành viên qua triệu tập đại hội đồng nhằm đề cử 6 và bầu 4 .Nguyên tắc nghị quyết từ nay là có 3/4 của 9 thường trực là trở thành Nghị Quyết của HĐBA LHQ và có hiệu lực thi hành .May ra thế giới hòa bình và ổn định hơn chăng ?Lúc đó Pu-Tập cũng không thể tung tác được .
Đăng nhận xét