Pages

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

'Ghế ông lung lay' và mạng người rẻ thế!

Người dân vẫn mỗi ngày đu cáp qua sông. Ảnh minh họa.
Người dân vẫn mỗi ngày đu cáp qua sông. Ảnh minh họa.
Một quan chức bị Bộ trưởng đe dọa: “Ghế ông lung lay rồi đấy” nghe thì sướng tai nhưng cuối cùng chỉ có chiếc ghế lung lay mà thôi. 

Vụ tai nạn rơi thanh thép khi đang thi công tuyến đường sắt nội đô trên cao Hà Đông-Cát Linh làm 1 người đi đường chết, 3 người khác bị thương hôm 6-11 đến giờ vẫn còn gây choáng váng.

Khi tai nạn xảy ra, người ta mới thấy hết những hiểm nguy trên một tuyến đường huyết mạch của thủ đô hàng ngày có hàng chục ngàn lượt người qua lại, cái chết từ trên trời có thể rơi xuống đầu họ bất cứ lúc nào. Người chết thì thiệt thân.

Khi tai nạn xảy ra, ông Bộ trưởng Bộ GTVT gọi điện cho lãnh đạo Cienco 1 là ông Phạm Dũng xuống hiện trường để phối hợp với các cơ quan, đơn vị cùng xử lý. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết đang bận giao ban nên chỉ cử Chủ tịch Công đoàn của công ty xuống hiện trường.

tai nan duong sat hinh anh
Hiện trường vụ tai nạn tại Nhà ga Thanh Xuân III thuộc Dự án Đường sắt đô thị
Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông (Ảnh Báo Lao động)  
Sao mạng người sao lại bị coi rẻ thế?

Sáng 26-10, ông Nguyễn Chua đã tử nạn khi đu dây qua sông Krông Ana, đoạn chảy qua thôn 6, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Gần nửa tháng sau quay lại hiện trường điểm đu dây tử thần, báo chí phản ánh mọi chuyện vẫn thế, người dân vẫn tiếp tục đánh cược với sinh mạng của mình để qua sông.

Trước đó, trả lời báo chí về vụ ông Nguyễn Chua đu dây tử vong, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã tâm sự: “Bản thân tôi cũng sốt ruột lắm. Lẽ ra việc làm cầu dân sinh, đường tỉnh lộ thuôc về địa phương. Tuy nhiên, tôi cũng biết địa phương không có tiền”.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn nhanh chóng mau mắn đưa ra khuyến cáo: “người dân không nên dùng cáp treo tự chế để đu qua sông”.

Lẽ nào ở khúc sông này, cần phải có vài mạng người nữa phải hiến cho tử thần, thì khó khăn của dân mới được quan trên trông xuống? 

Sáng 8-11, hàng chục người dân xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, đã vây quanh Bộ trưởng Đinh La Thăng để kiến nghị làm hầm chui qua tuyến đường Võ Nguyên Giáp (còn gọi là Nhật Tân - Nội Bài). Tại đây, khi phát hiện công trình bị đình trệ nhưng lãnh đạo đơn vị thi công không tìm cách giải quyết mà chỉ đổ lỗi, ông Thăng đã cảnh cáo ông Nguyễn Thanh Vân - Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án: “Ghế của ông đang lung lay rồi đấy. Chỉ có hiệu quả công việc cao thì mới giữ được ông ở vị trí tổng giám đốc".

Bao nhiêu bài báo đã trích lại lời ông Thăng “Ghế ông lung lay rồi đấy” như một tín hiệu vui mừng. Nhưng ngoài chuyện lời ông Bộ trưởng nghe rất đã tai, thì thực chất dân có được nhìn điều đó xảy ra không?

Xin thưa là không. Vì chính ông Thăng đã cho biết trước sai phạm của cấp dưới, không thể cách chức ngay vì không đúng quy trình. Quãng thời gian từ khi phát hiện sai phạm đến khi xử lý sai phạm ấy đủ để người vi phạm chạy đi nhờ vả người này người kia can thiệp không thể cách chức được.

Ở một đất nước nào khác, chết một mạng người vì sự thiếu trách nhiệm của những người ăn lương nhà nước để chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó, sẽ là một việc tày trời ghê gớm. Sẽ có từ chức (do quan chức có lòng tự trọng), sẽ có cách chức, đưa ra tòa xét xử (do hệ thống pháp luật đủ mạnh và minh bạch), sẽ có một sự cải thiện đáng kể để những sai lầm không lặp lại.


Thế là rõ quá còn gì. Đến giờ thì chắc nhiều bạn đọc cũng như tôi đã hiểu vì sao khi tai nạn chết người xảy ra trên công trường thi công tuyến đường sắt trên cao, ông lãnh đạo vẫn điềm nhiên ngồi họp giao ban ở nhà, cử người khác đi thay.

Tại sao gần nửa tháng sau cái chết của ông Nguyễn Chua ở Đắk Lắk, dân vẫn tiếp tục lũ lượt đu cáp treo qua sông như thể ở đây chưa từng có cuộc chia ly.

Tại sao khi ông Bộ trưởng xuống công trình, dân phải vây lấy để cầu khẩn một con đường dân sinh, ông Bộ trưởng cũng chỉ dám dọa cấp dưới “ghế ông đang lung lay rồi đấy”.

Bởi vì chẳng ai bị gắn trách nhiệm cá nhân của mình vào với chiếc ghế quyền lực của họ cả. Bởi vì khi có sự vụ xảy ra, bằng cách này hay cách khác, họ sẽ giải quyết êm xuôi tất tần tật mọi sự.

Chỉ có người chết là thiệt thân mà thôi. Chỉ có mạng người là rẻ nhất.

Tôi cứ hình dung ở một đất nước nào khác, chết một mạng người vì sự thiếu trách nhiệm của những người ăn lương nhà nước để chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó, sẽ là một việc tày trời ghê gớm. Sẽ có từ chức (do quan chức có lòng tự trọng), sẽ có cách chức, đưa ra tòa xét xử (do hệ thống pháp luật đủ mạnh và minh bạch), sẽ có một sự cải thiện đáng kể để những sai lầm không lặp lại.

Đương nhiên thôi, vì mạng người quý giá lắm. Không ai có quyền tước đoạt mạng sống của người khác, không ai có quyền vì sự vô trách nhiệm của mình, gây nên cái chết oan uổng cho người dân mà vẫn được bình chân như vại.

Nhưng còn trong những trường hợp kể trên, sao mạng người rẻ thế? Chẳng ai phải trả giá cho sai lầm có nghĩa sai lầm vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, người dân vô tội vẫn sẽ tiếp tục chết.

Một vài quyết định kỷ luật, một số tiền đền bù được chi ra, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, thời gian sẽ xóa nhòa. Chỉ có nỗi đau gia đình nạn nhân phải gánh chịu thì sẽ theo họ mãi mãi. Những người vợ mất chồng, những đứa con mất cha vì những kiểu tai nạn trên trời rơi xuống ấy, họ biết trông cậy vào ai?

Khi mà chỉ có những chiếc ghế lung lay, thì sai lầm sẽ còn lặp lại.

Mi An

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào: