Anh Phi – Trương Nhi
… Chúng tôi nhận được nhiều và bị tước đoạt đi cũng nhiều. Nếu sự phồn thịnh về kinh tế, sự nở rộ về văn hóa, sự phồn thực của tư tưởng là những thứ chúng tôi nhận được thì sự tước đoạt sức đề kháng trước những mảng tối của từng vấn đề cũng là một sự tước đoạt nhẫn tâm và lạnh lùng.
Tôi sinh năm 1990.
Trong báo chí hiện đại, tôi hiện ra với khái niệm 9X, với rất nhiều ưu ái của xã hội mới mở cửa đồng thời cũng tai tiếng với những văn hóa nhập khẩu ồ ạt không chọn lọc.
Vậy, chúng ta là định nghĩa nào trong số những định nghĩa bên trên của khái niệm “lost generation”?(1) Hay ngược lại, chính chúng ta, với tất cả những thành công và thất bại, ưu điểm và khuyết điểm, đang định hình cho khái niệm “lost generation” tại Việt Nam?
Theo như lời kể của bố mẹ tôi, những người trong làn sóng kinh doanh tự do khi Việt Nam xóa bỏ chế độ bao cấp khổ sở và bắt đầu mở cửa thị trường vào năm 1986 thì đó là thời gian kinh tế bùng nổ, gặp thời gặp vận con người từ tay trắng hoàn toàn có thể trở nên giàu có. Một thời điểm hỗn độn để làm giàu, làm kinh tế. Nói tóm lại, vào thời điểm tôi ra đời, con người nơi này sau chiến tranh đột nhiên trở thành những nông dân làm kinh tế, chỉ có lợi nhuận và lợi nhuận là hàng đầu.
Hãy thử tưởng tượng việc trước đó một thời gian, nếu ăn một con gà, cả nhà phải đóng cửa, lông gà làm xong phải lén lút chờ tới nửa đêm đem đi thật xa để vứt, giờ mọi thứ đột nhiên trở nên thật dễ dàng. Cuộc sống của tôi, bởi vậy, chưa từng một ngày phải biết tới những thứ như tem phiếu, đặt gạch xếp hàng, xuất phần, cái xe đạp chia ra từ cái săm tới cái pedal (bàn đạp). Tôi sinh ra trong thời kỳ mà ở thành phố những người cha người mẹ đã bắt đầu có thể cho con ăn ngon, mặc đẹp. Và bố tôi thường nói: “Những quán café theo phong cách bao cấp bây giờ chỉ để giúp thế hệ của bố nhớ lại và cảm khái, không phải nhớ lại mà tiếc nuối. Đó không phải thứ đáng để tiếc nuối.”
Và chúng tôi, nhờ vậy, sinh ra trong sự đầy đủ. Vậy mà nghịch lý thay, thế hệ này đang dần trở thành thế hệ mất mát kiểu mới trong xã hội Việt Nam hiện đại. Một thế hệ có quá nhiều nhưng cũng không có gì. Một thế hệ chuẩn bị có cả đất nước hoặc sẽ không có gì cả.
Vì sao lại nói thế hệ này là thế hệ mất mát? Vì nó hội tụ gần như đầy đủ tất cả những đặc điểm của khái niệm “lost generation” trong các hoàn cảnh và văn hóa khác nhau nêu trên. Thế hệ 9X Việt Nam được nhận nhiều và bị tước đoạt đi cũng nhiều. Một thế hệ không thể định nghĩa nổi rằng “họ đã được đầu tư thành công” hay “họ đã bị đầu tư hỏng”.
Việc chính phủ Việt Nam thực hiện kế hoạch hóa gia đình với quy định “Mỗi gia đình chỉ được có một hoặc hai con” (thay vì khẩu hiệu hiện nay là “Mỗi gia đình nên có hai con” khi Việt Nam có dấu hiệu giảm sinh như những nước có dân số già trên thế giới), áp dụng đồng thời với những biện pháp trừng phạt khi vi phạm, gia đình hạt nhân tại Việt Nam thu nhỏ hẳn lại so với trước đây, do đó, điều kiện chăm sóc cho những đứa trẻ 9X tốt hơn hẳn so với thời kỳ ngay trước đó. Chúng tôi trở thành lứa đầu tiên của những đứa trẻ lồng kính, được bao bọc quá kỹ lưỡng khỏi xã hội xung quanh. Điển hình là tôi tới năm lớp 11 mới biết bơi chỉ vì bố mẹ cho rằng ra bể bơi bơi sợ bị chết đuối. Hình thức bao bọc này sinh ra một thế hệ được giáo dục kiểu bảo gì nghe nấy và câu thường xuyên được nghe đó là “Không cần con làm, con đi học bài đi”. Đây cũng là thế hệ mà theo tôi, khoảng cách giữa bố mẹ và con cái rất xa, khi những thứ văn hóa ồ ạt ập vào trong tuổi trưởng thành của chúng tôi gần như không có bất cứ mối liên hệ nào với thế hệ của bố mẹ chúng tôi. Không có một sự chuyển tiếp hay sàng lọc nào, lũ 9X chúng tôi được đem vứt ra để thử nghiệm mọi hình thức văn hóa/phi văn hóa, đạo đức/vô đạo đức, nghệ thuật/phản nghệ thuật mà được nhập khẩu về Việt Nam qua mọi nẻo đường chính thống/phi chính thống. Chúng tôi khổ sở ngụp lặn và chúng tôi dần lạc lối.
Giáo dục - Chúng tôi vẫn được giáo dục theo kiểu cũ nhưng với những kiến thức mới. Vẫn là thầy dạy trò chép, tư duy thụ động trong khi những kiến thức mới rõ ràng yêu cầu chúng tôi động não. Và ý của tôi ở đây là thực sự động não với tương tác ngược lại với thầy và bạn. Nhưng không, chúng tôi không có được đặc quyền như vậy. Chúng tôi tiếp nhận cái mới bằng phương pháp cũ và do đó, không thể tiếp nhận hoàn toàn. Nó giống như việc tôi hỏi anh ý kiến về chiếc váy mới của tôi nhưng nằng nặc khăng khăng rằng anh phải nói nó đẹp vậy. Về phương cách giáo dục là vậy, nói tới phương châm giáo dục thì còn buồn thảm hơn. Chúng tôi đi học và trưởng thành trong hoang mang với suy nghĩ “Vậy thầy giáo là cha hay thầy giáo cũng chỉ là người bán chữ?” Chúng tôi được dạy dỗ để tôn kính nhưng xã hội sinh ra một loạt những kẻ bán chữ không đáng gọi là thầy. Một nền giáo dục bị thương mại hóa nhưng lại tuyệt vọng cố níu kéo những tư tưởng Nho giáo lạc hậu mà không dựa trên nền tảng tôn kính thực sự thì rất không bền. Sự không bền dẫn tới những bài báo, những thước phim, những ghi âm và những tranh cãi xung quanh “9X hỗn láo, mất dạy, thiếu tôn sư trọng đạo”. Thời điểm của chúng tôi không phải thời điểm như ngày xưa khi thầy giáo nọc cổ học sinh ra đánh mà học sinh vẫn thương thầy hay như bây giờ, thầy giáo nọc cổ học sinh ra đánh thì hôm sau bố mẹ học sinh lên nọc thầy ra cho một trận. Thời của chúng tôi, đó là sự giao thoa giữa tình và tiền. Và chúng tôi, dứt ra không được, vương lại không xong chỉ vì sự nửa nạc nửa mỡ ấy.
Tinh thần - Đó là sự lạc lõng của những giá trị truyền thống và sự nhố nhăng của những giá trị cách tân. Bộ lọc của xã hội lúc này hình như đã bị đánh cắp hoặc bỏ quên ở đâu đó, mỗi 9X là một chiến binh nghiệp dư non nớt, tự mình phải tạo cho bản thân một bộ lọc hoặc chẳng có cái bộ lọc nào cả. Nếu may mắn thì sẽ có một bộ lọc tốt và trưởng thành từ giữa đống hoang tàn đổ nát của rất nhiều những giá trị bị đảo lộn còn không, sẽ mặc nhiên trở thành một trong số đông những kẻ bầy đàn. Tôi nghĩ chúng tôi đã bị bỏ rơi và bỏ đói trước những giá trị thật sự đúng đắn của những nền văn hóa khác nhau đang du nhập ngày một nhanh chóng vào đất nước. Hoặc cũng có thể, chúng tôi là bước đệm thử nghiệm để phát triển cho lứa tiếp theo hoàn hảo hơn. Cho dù nói thế nào thế hệ F1 này đang mất phương hướng và chịu đựng nhiều áp lực hơn hẳn trước những kỳ vọng phồn thịnh của cha mẹ và xã hội. Và từ những áp lực đó, hệ quả là tạo ra một loạt những phiên bản lỗi trầm trọng trong hệ tư tưởng cũng như nhân sinh quan. Chủ nghĩa cá nhân lên ngôi ngay lập tức khi chủ nghĩa đoàn thể chưa kịp chắc chân hình thành. Nếu Nhật Bản là đất nước nổi tiếng với chủ nghĩa hòa hợp cộng đồng, cái tôi của cá nhân phải đặt dưới tập thể để tạo ra tập thể vững mạnh đưa tập thể đi lên nhưng đồng thời tạo ra bi kịch rằng những cá nhân đặc biệt không thể hòa hợp xã hội như hikikomori(2) thì tại Việt Nam, cái tôi cá nhân đang được đề cao tới mức đáng sợ, khiến con người không phân biệt được giữa sự độc đáo của một cá nhân và sự lố bịch của việc bài xích những gì khác biệt với mình. Chúng ta đã hình thành một cơ chế bài trừ trước khi chúng ta kịp học chấp nhận, tôn trọng và dung hòa những khác biệt. Đó có lẽ là bước cản lớn nhất để bất kỳ cá nhân hay tập thể nào tiến lên phía trước.
Tình dục - Là một khía cạnh đặc sắc khác. 9X chúng tôi được coi là một thế hệ hư hỏng. Điều đó đã khiến tôi trong thời gian dậy thì, trở nên đặc biệt chán ghét năm sinh của mình khi mỗi lần nhìn thấy một tiêu đề báo nói về những sự kiện “kinh thiên động địa” mà 9X nào đó đã làm liên quan tới vấn đề tình dục. Nếu thế hệ cha mẹ chúng tôi không được phép nói về tình dục công khai thì với sự phát triển của truyền thông, 9X là lứa đầu tiên bắt đầu khai phá mảnh đất màu mỡ này theo một cách hết sức… mò mẫm. Tôi còn nhớ như in bài học Giáo dục giới tính vào năm lớp 9. Chúng tôi được chia ra làm hai lớp riêng biệt, nam riêng nữ riêng và học về cấu tạo cơ thể người và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, mang thai và sinh con. Cái quan trọng, vô cùng quan trọng về tình dục đó là quan hệ tình dục, tình dục an toàn, vì sao con người ta quan hệ tình dục và giáo dục pháp luật về tình dục thì không có. Vậy là như thể họ mở hờ một cánh cửa đầy tính khiêu gợi, chúng tôi tò mò buộc phải tự mở nó. Và sai lầm là điều không thể tránh khỏi trong số hàng triệu những đứa thanh thiếu niên 9X đang trong giai đoạn nứng tình đến kinh khủng đó. Tôi không ưa giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của mình lắm nhưng có một câu tôi nghĩ rằng thầy nói đúng về vấn đề này: “Thà vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn là để nó chạy lung tung.” Mẹ tôi chưa bao giờ nói chuyện với con gái về tình yêu. Những trải nghiệm tự có, đương nhiên bao giờ cũng đầy va vấp và đau đớn.
Biếm họa của Gary Varvel. Nguồn www.indystar.com.
Nếu đã hết về vấn đề tâm sinh lý, chúng ta có thể nói về đời sống, công việc, chính trị và những mối quan tâm hiện hữu ngày nay đối với thế hệ lạc lối, mất phương hướng này. 9X Việt Nam có quan tâm tới chính trị không? Trong khi những ngày qua, Hồng Kông sục sôi trong phong trào biểu tình đòi dân chủ, những gì chúng ta thấy hiện trên newsfeed FB là gì? Kenny Sang và Quân Kun. Những vụ giật chồng. Thánh quẩy, v.v. Tôi không cho rằng loại bỏ những thứ như vậy ra khỏi cuộc sống cập nhật tin tức của người trẻ là đúng. Những thứ như vậy luôn luôn có trong đời sống cho dù ở trong bất cứ xã hội nào và bạn cần có những thứ đó để nhìn ra những thứ tốt hơn nhưng có vẻ người trẻ đang dần trở thành những con người hết sức vô vị. Thông tin đến chỉ mang nhu cầu buôn chuyện thuần túy. Để phục vụ mục đích đào sâu và tư duy, chúng quả rất nghèo nàn. Tuy nhiên, dù đó là phần đông, đó vẫn không phải là tất cả. Và tôi biết những người vẫn đang trau dồi hết sức để tiến hóa mình theo một cách nhân bản và văn minh hơn. Những con người đó thì đang nằm trong diện “chảy máu chất xám”. Những con người có đủ khả năng và không ở lại để phải bị mất phương hướng như số đông.
9X Việt Nam, trong đó có tôi, đang mất phương hướng và lạc loài trong một xã hội lấy chúng tôi ra làm điển hình cho phần lớn những cái xấu. Nhưng khi ngồi đây và gõ những dòng chữ này, tôi tự hào tôi là một 9X, những kẻ khai phá. Nếu có thể hãy đọc nhiều hơn là nói, quan sát nhiều hơn là nhìn và xây dựng một bộ lọc cho chính mình.
Như đã nói bên trên, chúng tôi nhận được nhiều và bị tước đoạt đi cũng nhiều. Nếu sự phồn thịnh về kinh tế, sự nở rộ về văn hóa, sự phồn thực của tư tưởng là những thứ chúng tôi nhận được thì sự tước đoạt sức đề kháng trước những mảng tối của từng vấn đề cũng là một sự tước đoạt nhẫn tâm và lạnh lùng.
Bởi vậy, chúng tôi không cần nhiều, chỉ cần được nhìn nhận đúng đắn vì chúng tôi đã và đang trải qua một thời kỳ giông bão hơn hẳn những gì xã hội có thể nhìn thấy.
Nguồn: LOST GENERATION – THẾ HỆ THẤT LẠC. Anh Phi. Facebook 1/11/2014.
DCVOnline hiệu đính, minh họa và chú thích.
(1) Thế hệ đã mất hay còn gọi là thế hệ bỏ đi (tiếng Anh: “Lost Generation”) là một thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ những người trưởng thành trong suốt thời gian xảy ra cuộc thế chiến thứ nhất. Thuật ngữ này đã được phổ biến rộng rãi nhờ Ernest Hemingway, ông đã dùng nó làm một trong hai từ tương phản giới thiệu cho tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc (“The Sun Also Rises”) của mình. Trong tác phẩm này, Hemingway đã cho rằng thuật ngữ này là của Gertrude Stein, người sau này đã dìu dắt và bảo trợ cho ông.
Hemingway cho rằng Stein nghe đến cụm từ thế hệ bỏ đi từ một ông chủ nhà sửa xe cho Stein. Một chú thợ trẻ sửa chiếc xe quá chậm bị ông chủ garage hét vào mặt, “Tụi bay tất cả là mộtthế hệ bỏ đi” (“génération perdue”). Khi kể lại câu chyện cho Hemingway, Stein nói thêm, “Đó chính là bạn. Đó là những gì tất cả các bạn là … tất cả các bạn những người trẻ, những người phục vụ trong chiến tranh. Các bạn là một thế hệ đã mất.” Thế hệ này bao gồm các nghệ sĩ nổi tiếng như F. Scott Fitzgerald, TS Eliot, John Dos Passos, Waldo Peirce, Isadora Duncan, Abraham Walkowitz, Alan Seeger, và Erich Maria Remarque. (Nguồn: Wikipedia)
(2) Hikikomori (ひきこもり or 引き籠もり) là hiện tượng những người tự giam mình trong phòng, từ chối tham gia vào đời sống xã hội.
DCVOnline hiệu đính, minh họa và chú thích.
(1) Thế hệ đã mất hay còn gọi là thế hệ bỏ đi (tiếng Anh: “Lost Generation”) là một thuật ngữ dùng để chỉ thế hệ những người trưởng thành trong suốt thời gian xảy ra cuộc thế chiến thứ nhất. Thuật ngữ này đã được phổ biến rộng rãi nhờ Ernest Hemingway, ông đã dùng nó làm một trong hai từ tương phản giới thiệu cho tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc (“The Sun Also Rises”) của mình. Trong tác phẩm này, Hemingway đã cho rằng thuật ngữ này là của Gertrude Stein, người sau này đã dìu dắt và bảo trợ cho ông.
Hemingway cho rằng Stein nghe đến cụm từ thế hệ bỏ đi từ một ông chủ nhà sửa xe cho Stein. Một chú thợ trẻ sửa chiếc xe quá chậm bị ông chủ garage hét vào mặt, “Tụi bay tất cả là mộtthế hệ bỏ đi” (“génération perdue”). Khi kể lại câu chyện cho Hemingway, Stein nói thêm, “Đó chính là bạn. Đó là những gì tất cả các bạn là … tất cả các bạn những người trẻ, những người phục vụ trong chiến tranh. Các bạn là một thế hệ đã mất.” Thế hệ này bao gồm các nghệ sĩ nổi tiếng như F. Scott Fitzgerald, TS Eliot, John Dos Passos, Waldo Peirce, Isadora Duncan, Abraham Walkowitz, Alan Seeger, và Erich Maria Remarque. (Nguồn: Wikipedia)
(2) Hikikomori (ひきこもり or 引き籠もり) là hiện tượng những người tự giam mình trong phòng, từ chối tham gia vào đời sống xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét