Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Vì sao du khách nước ngoài chỉ đến VN một lần?

Hải Ninh, phóng viên RFA

000_Hkg3888304-305

Hai khách du lịch nước ngoài đi ngang một Công ty du lịch ở Hà Nội hôm 04/8/2010. Ảnh minh họa.
AFP photo

Nghe Bài Này

Dự án về nâng cao năng lực du lịch trách nhiệm ở Việt Nam vừa đưa ra một báo cáo, theo đó, nói rằng chỉ 6% du khách nước ngoài quay trở lại Việt Nam lần hai. Cơ quan này đã đính chính thông tin trên tuy nhiên nó vẫn khiến câu chuyện về du lịch Việt Nam trở lại nóng hổi.

Một đi không trở lại

Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ vừa đưa ra một báo cáo gây sốc. Theo báo cáo của họ, chỉ 6% du khách nước ngoài cho biết sẽ quay trở lại Việt Nam lần hai. Dự án này thực hiện trưng cầu ý kiến của 3.000 du khách nước ngoài ở 5 điểm du lịch chính là Sa Pa, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng và Hội An.
Con số 6% quá thấp này khiến nhiều người Việt Nam và những người quan tâm tới ngành du lịch phải nóng mặt. Chẳng phải Việt Nam vẫn được coi là nơi được ban phát danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp hay sao? Trên mạng xã hội và các blog cũng bàn luận sôi nổi về báo cáo trên. Nhiều người bắt đầu đổ lỗi cho những thiếu sót vẫn chưa tìm được cách giải quyết như cơ sở hạ tầng, nạn chặt chém, trộm cướp đến mức công an một thành phố lớn phải rải truyền đơn cảnh báo, vân vân.
Cũng có người bênh vực giới làm du lịch Việt Nam và chỉ ra lỗ hổng của cuộc thăm dò trên, rằng nó thực hiện tại 5 điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Họ nói rằng tất nhiên khi được hỏi có quay trở lại những nơi này nữa hay không, họ sẽ nói không vì đã biết rồi. Hơn nữa, khách phương Tây cũng muốn đi du lịch nhiều nơi khác nhau.
Đối tượng khách châu Á này có nhu cầu về mua sắm, vui chơi giải trí rất cao. Trong khi đó, ở Việt Nam những dịch vụ đó vẫn còn yếu so với Malaysia, Singapore và Thái Lan.
-Chị Phạm Kim
Những người làm du lịch Việt Nam thì khẳng định không có chuyện đa số khách phương Tây không có thiện cảm với Việt Nam tới mức một đi không trở lại như vậy. Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc công ty du lịch Discovery Indochina, cho hay khách Tây của công ty nếu không quay lại thì cũng giới thiệu cho người thân, bạn bè về Việt Nam. Nhiều khách Tây của công ty ông đến Việt Nam là do được giới thiệu truyền miệng như vậy.
Chị Phạm Kim, hoạt động trong ngành du lịch đến 10 năm nay, cho biết khách hàng của chị có người quay trở lại đến 4-5 lần, có người yêu Việt Nam quá còn quay trở lại cả 9-10 lần. Chị nói:
“Số lượng khách quay lại Việt Nam là nhiều chứ không phải ít. Có những khách không quay lại thì họ giới thiệu cho bạn bè họ.”

Thiếu đủ thứ

Theo số liệu của tổng cục du lịch Việt Nam, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay là gần 6 triệu lượt. Năm ngoái, con số này là khoảng 7,5 triệu lượt khách. Trong số khách du lịch này, phần nửa là khách đến từ các nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan... Những khách này phần lớn là một đi không trở lại.
000_Hkg8121501-250.jpg
Một nhóm du khách nước ngoài đi bộ ở khu phố cổ của Hà Nội vào ngày 21 Tháng 12 năm 2012. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Chị Phạm Kim cho hay:
“Đối tượng khách châu Á này có nhu cầu về mua sắm, vui chơi giải trí rất cao. Trong khi đó, ở Việt Nam những dịch vụ đó vẫn còn yếu so với Malaysia, Singapore và Thái Lan. Vì thế, những du khách này chỉ đến một lần thôi và không quay trở lại. Họ đến Việt Nam để xem có những danh lam thắng cảnh. Nếu để đi mua sắm, đi chơi thì họ trở lại những nước khác.”
Trái lại, khách phương Tây rất yêu thích danh lam thắng cảnh Việt Nam thì gặp khó khăn về đi lại. Chị Kim cho biết:
“Chúng ta không có đường bay thẳng sang Việt Nam. Thường thì họ sẽ phải quá cảnh qua Bangkok hay Singapore, Hong Kong. Vậy nên, với họ như vậy là rất không tiện lợi và lại ảnh hưởng tới chi phí cho chuyến đi đến Việt Nam của họ.”
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam không có chính sách cởi mở cho du khách. Điển hình là việc cấp thị thực du lịch khá rắc rối và đắt đỏ. Du khách phải trả gần 50 đôla cho một lần vào Việt Nam, cao hơn rất nhiều lần so với các nước láng giềng như Thái Lan hay Singapore. Những người này thường chỉ yêu cầu khách nước ngoài trả từ 20-25 đôla cho một lần vào nước họ. Chị Kim nói:
Các nước như Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore miễn thị thực cho rất nhiều khách của nhiều quốc gia khác nhau nhưng Việt Nam thì rất hạn chế.
-Chị Phạm Kim
“Các nước như Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore miễn thị thực cho rất nhiều khách của nhiều quốc gia khác nhau nhưng Việt Nam thì rất hạn chế. Vì thế họ đã không tạo được điều kiện thuận lợi cho những khách muốn quay lại.”
Ngoài ra, du khách cũng than phiền rằng Việt Nam có nhiều danh thắng mà không biết giữ gìn và khai thác hợp lý. Chị Kim nói:
“Ví dụ như các bãi biển, mình lại cho xây các khu nghỉ dưỡng, khách sạn một cách ồ ạt, dẫn tới việc các bãi biển không còn nguyên sơ nữa. Chẳng hạn như bãi biển Múi Né, cách đây hơn chục năm nó rất đẹp với những hàng dừa xanh trải dài, khách nhìn rất thích. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển thì bãi biển Mũi Né chỉ còn các khu nghỉ dưỡng và khách sạn mà thôi. Các công trình xây dựng nó cũng làm mất đi hồ nước tự nhiên ở trên dải đất khô ở Mũi Né.

Các điểm du lịch mới

Chị Phạm Kim cho biết khi trở lại Việt Nam lần hai, các du khách cũng muốn tới những nơi vẫn còn đậm chất văn hoá như vùng núi phía bắc thay vì các thắng cảnh nổi tiếng thế giới. Chị Kim nói:
“Những năm gần đây, Sa Pa bị thương mại hoá nhiều rồi thì du khách lại có xu hướng tìm về những vùng núi cao ở Đông Bắc, Tây Bắc như Hà Giang. Bây giờ điểm thu hút khách mới là Hà Giang.”
Loại hình du lịch cộng đồng, hay tên tiếng Anh là homestay, cũng vì thế cũng phát triển nhanh. Chẳng hạn như ở huyện Nậm Đằm, Hà Giang, nhiều gia đình người dân tộc Dao mở cửa tư gia của họ để đón khách tới thăm thú. Những vị khách này được phụ vụ ăn ngủ. Nếu thích, họ có thể cùng làm việc với gia chủ.
Một người nước ngoài trên mạng Facebook cũng bình luận rằng chỉ cần ra khỏi các đô thị lớn thôi, họ được tiếp xúc với những người dân Việt chân chất, tốt bụng. Chị Kim cho biết đây cũng là một hình thức mới, khiến nhiều du khách thích thú đón nhận
.

Không có nhận xét nào: