Pages

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Hòa Cầm – Ai còn tin nếu chính quyền phủ nhận tin ‘Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc’?


2Nếu ngay cả ngày ông Nguyễn Bá Thanh về còn ậm ờ, thì liệu, ai sẽ còn tin những điều khác những vị đó nói. Ví dụ: Phủ nhận tin ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc?
Ông Nguyễn Bá Thanh trở về đúng ngày hay không vẫn là một câu hỏi lớn thu hút nhiều sự quan tâm. Nhưng trước sự quan tâm ngày một lớn đó, thay vì “xác nhận thông tin nhanh chóng, chính xác, thống nhất”, thì người ta (chính quyền Đà Nẵng) lại “trả lời” theo hướng chung nhất có thể… khiến thông tin ngày càng không kiểm soát được, và “các thế lực thù địch” tiếp tục bị đổ lỗi…

Truyền thông phủ nhận chung chung
Không có bất kỳ luật nào quy định phải buộc công bố sức khỏe, lịch trình khám chữa bệnh của lãnh đạo một tỉnh thành, TƯ bất kỳ… Nhưng điều đó không có nghĩa là đưa tất cả mọi thứ vào sự mập mờ, không đáng tin cậy trong những trường hợp không cần thiết phải giữ bí mật. Nhất là trong ngày giờ trở về nước của lãnh đạo, đặt trong môi trường dư luận xã hội đang ngày hoài nghi.
Đáng tiếc, cách thức đáp trả thông tin của chính quyền Đà Nẵng trước vụ ông Nguyễn Bá Thanh gần như thiếu sự tích cực và chủ động, ngay cả khi báo giới tìm đến hỏi, thì nguyên tắc gần như bất di, bất dịch là phủ bỏ…thông tin, với những nhận định chung chung.
Điều này càng kích thích sự tìm hiểu của những người quan tâm, và chỉ với một lần chạy quảng cáo trên mạng xã hội facebook với tiêu đề và nội dung đưa ra thông tin sức khỏe, ngày trở về của ông Nguyễn Bá Thanh, đã lôi cuốn hàng trăm ngàn người đọc, phản hồi.  Bởi nó đánh trúng cái nhu cầu, tâm lý tìm kiếm thông tin của con người, khi bản thân họ không tìm thấy ở những phát ngôn… chính thức.
Khi mọi người nhận ra được một số thông tin hiếm hoi, có tính mới mẻ (news) và cập nhật liên tục (update) thì một số trang báo, blog thuộc phía nhà nước vẫn nhanh nhảu trong sự mải miết phủ nhận thông tin, và coi đó là một “tin xuyên tạc” của các thế lực phản động, thù địch.
Nhưng tất cả rơi vào trạng thái phải im lặng, trước sự xác nhận sát ngày, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
Rõ ràng, truyền thông Việt Nam ngoài sự định hướng, còn mang thêm một nỗi đau, đó là việc buộc phải giữ im lặng những việc không đáng im lặng… Nhưng truyền thông và các vị quan chức càng kín bao nhiêu, thì “các thế lực thù địch”, bằng cách này hay cách khác, lại càng lên cao bấy nhiêu về mặt nhạy thông tin và sự tin cậy.
Nhiều trang blog mang cái tên mĩ miều: “Đơn vị tác chiến điện tử”, lại tìm cách chữa cháy bằng việc đưa ra một bức ảnh, so sánh đó không phải là ông Nguyễn Bá Thanh. Nhiều trang khác cho rằng, thông tin ông Nguyễn Bá Thanh đi Mỹ là đã có từ trước. Nhưng chẳng trang nào lại có thể trả lời được câu: Vì sao blog kia lại có được thông tin chính xác về ngày ông Nguyễn Bá Thanh về nhà, trong khi ngay cả các vị quan chức còn chưa thể “khẳng định chắc chắn”.
Nó cho thấy cái lối tư duy “ban phát thông tin” kiểu báo giấy thời bao cấp, chứ không phải là lối tư duy của thời đại internet. Khi mà sự nhiễu loạn cần được dập tắt bởi sự minh bạch, thì “các vị” lại tìm cách đối phó bằng cái quan điểm chung chung, đại khái…
Đây không phải là lần đầu tiên, mà năm 2008, khi cố thủ tướng Võ Văn Kiệt chữa bệnh tại Singapore và mất, các giới chức và truyền thông trong nước cũng chậm chạp trong các hành xử thông tin, trong khi báo đài, blog bên ngoài đã đưa thông tin nát bét, nhiều nhà lãnh đạo quốc tế đã gởi lời chia buồn, thì trong nước mới bắt đầu phát tin.
Như vậy, cách xử lý truyền thông không ổn đã tạo ra những di hại lâu dài về sau, điều đó là chắc chắn.
Trang blog kia được lợi gì? – Đó là lượng người tin vào nó tăng vọt, và từ nay, sẽ mở đầu các thông tin hay ho khác, với lượng cảm tình viên mở rộng kèm theo.
Các quan chức mất gì? – Đó là lời nói không còn chuẩn xác, là sự kém nhạy trong dập tắt luồng dư luận đang hoang mang trong xã hội. Nếu ngay cả ngày ông Nguyễn Bá Thanh về còn ậm ờ, thì liệu, ai sẽ còn tin những điều khác những vị đó nói. Ví dụ: Phủ nhận tin ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc?
Lần này, câu chuyện truyền thông không còn là bài học ở các báo đài trong nước, mà là bài học của các vị quan chức ở Đà Nẵng, những blogger hay comment “đồ phản động”, những blog “chống phản động”…
Báo giới đuối hơi
Cách hành xử truyền thông về phía nhà nước ngày một già nua, trước sự nhanh nhạy của truyền thông xã hội (socia media). Điều đó cho thấy rằng, tâm trạng xã hội Việt Nam vẫn chưa được các cán bộ đếm xỉa đến, do đó, thay vì tạo môi trường thông tin minh bạch và phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông thì sự kín miệng không đáng có lúc đầu và bất nhất về sau của chính quyền Đà Nẵng khiến cho truyền thông Việt Nam trở nên đuối hơi. Dù rằng, họ nỗ lực tìm kiếm thông tin ở báo giới nhà nước là không dứt, thậm chí báo điện tử Infonet còn nhiều lần truy hỏi thông tin trước sức ép độc giả, nhưng đổi lại, vẫn là thói quen “chưa biết, chưa xác định, không có”…
Đến sáng ngày 5/1, báo Tuổi Trẻ khẳng định, thì ngay sau đó, thông tin trên Một Thế giới dẫn lời ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng Ban Nội chính TƯ cho biết, Ban Nội chính TƯ chưa có thông tin chính thức nào về việc ông Nguyễn Bá Thanh về nước chữa bệnh. Dư luận xã hội lại thêm một phen xôn xao, đến 18h00 (5/1), báo Infonet lại “bồi” thêm một tin nữa, khiến cho những người có sự kiên nhẫn trong chọn lọc thông tin gần như phải thấm mệt, vì thông tin từ ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lại cho rằng, hiện gia đình ông Nguyễn Bá Thanh vẫn chưa chốt lịch bay mà không đưa ra bất kỳ giải thích nào thêm.
Nhưng trong đoàn tháp tùng ông Nguyễn Bá Thanh về nước, còn có ông Nguyễn Bá Cảnh, là một thành viên của chính quyền Đà Nẵng. Lẽ nào những người đứng đầu cơ quan Ban Nội chính TƯ và những vị đứng đầu chính quyền Đà Nẵng lại không thể nắm chính xác về mặt thông tin, khiến cho thông tin rơi vào trạng thái ngày một nhiễu loạn, “loạn cào cào”, để cho các thế lực thù địch tác oai, tác quái với các thông tin “bịa đặt”? Đến nỗi, nhiều người còn đẩy nhận định đi xa hơn, phải chăng đây là cách “sửa sai” (dịch chuyển ngày về để tránh khớp với ngày tháng blog kia đưa ra), nhằm đối phó lại với thông tin chính xác về thời điểm trở về của blog kia?
Đến 22:44 phút tối 5/1, trên báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin riêng cho biết “vì lý do thời tiết xấu nên lịch trình từ Mỹ về Đà Nẵng của ông Nguyễn Bá Thanh cùng đoàn đã phải thay đổi.”
Và một lần nữa, là do “nguồn tin riêng” báo giới chứ không phải đến từ sự chủ động của chính quyền Đà Nẵng. Có lẽ, nắm thông tin “người con của Đà Nẵng” của chính quyền Đà Nẵng là quá khó chăng?
Ngăn chặn hay minh bạch thông tin?
Vào những ngày cuối năm, ông Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khẳng định năm 2015, sẽ tập trung đấu tranh loại bỏ các thông tin xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ nội bộ trên mạng Internet. Ông kiến nghị các địa phương cần chủ động kiểm soát chặt chẽ việc truy cập, khai thác thông tin qua mạng internet nhằm hạn chế các thông tin sai trái, gây chia rẽ nội bộ, làm lộ bí mật nội bộ.
Nhưng từ giảm thiểu, ngăn chặn các “thông tin xuyên tạc trên internet” ngoài giải pháp đồng bộ, thì cần có sự kịp thời và chủ động, trong đó tạo sự minh bạch trong thông tin, thay vì tìm mọi cách, phương tiện để “ngăn chặn” sự tiếp cận. Vì như thế, vô tình đẩy không gian thông tin, với đầy rẫy những ý đồ “xuyên tạc” lãnh đạo thoát dần ra khỏi tính mờ ảo, mà đi về sự xác thực, nghĩa nôm na là “tạo những điều kiện cơ bản nhất” khiến cho các luồng thông tin không chính thức trở nên có vai vế hơn, so với các luồng thông tin chính thức.
Dân mất niềm tin bởi “tin xuyên tạc” vì chính lãnh đạo đã tạo điều kiện cho tin xuyên tạc đó ghi điểm trong ý thức người dân.
Và cách thức “trấn an dư luận” của chính quyền Đà Nẵng qua vụ việc ông Nguyễn Bá Thanh là một trong những lần mất điểm như thế…

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nếu kg bệnh nặng ngu hiểm sao phải vô bviện Hkỳ (bộ phận phóg xạ ) Kg đi Tàu cộng , Nga hoặc Cu ba cu bố .ĐCs vnam dấu đầu lòi đuôi .Lời ô.Thiệu qúa đúng .Tin CS là phải chết như bá thanh thôi.