Bộ Quốc phòng Nga cho hay từ năm 2014 không quân nước này bắt đầu sử dụng sân bay Cam Ranh ở Việt Nam cho các phi vụ tầm xa.
Bản tin đăng trên trang mạng của bộ này hôm 4/1 nói vào năm ngoái, Nga lần đầu tiên sử dụng sân bay ở tỉnh Khánh Hòa miền Trung Việt Nam để hạ cánh máy bay vận tải Il-78 vốn dùng để tiếp dầu trên không cho chiến đấu cơ ném bom Tu-95MS.
Loại chiến đấu cơ mang theo tên lửa này có biến thể sử dụng để tuần tra biển.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga năm ngoái đã thực hiện phi vụ tầm xa qua các khu vực khí hậu khác nhau tới tận Philippines và quần đảo Mariana ở Thái Bình Dương.
Trong năm 2014, tổng cộng 50 chuyến bay tầm xa đã được không quân Nga tiến hành với các máy bay ném bom chiến lược như Tu-95MS và Tu-160. Loại Tu-160 bay ở khu vực biển Caribbean.
Để hỗ trợ các phi vụ bay tới Trung Đông và khu vực Hoa Nam, không quân Nga phải sử dụng các sân bay ở Bắc Phi và Đông Nam Á; và dường như sân bay Cam Ranh đã được lựa chọn cho công việc này.
Bộ Quốc phòng Nga nói Nga quay trở lại hiện diện quân sự tại các khu vực xa xôi từ năm 2007 sau một thời gian ngắt quãng. Do vậy, thỏa thuận cho phép Nga được dừng chân tại các điểm trung chuyển chiến lược như Cam Ranh được cho là rất quan trọng.
Đối trọng với Trung Quốc?
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thái độ hành xử hung hăng và chính sách độc chiếm Biển Đông, Việt Nam cũng tỏ ra cởi mở hơn trước các yêu cầu hợp tác của nước ngoài, nhất là các quốc gia có tiềm năng đối trọng với nước láng giềng khổng lồ.
Cuối năm 2014, có tin Việt Nam chấp thuận giản lược hóa thủ tục cho tàu chiến Nga cập cảng Cam Ranh.
Hải cảng Cam Ranh là nơi Liên Xô từng đặt căn cứ hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương từ năm 1979.
Đây từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô bên ngoài lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên hoạt động của hải quân Nga dần dần bị thu nhỏ cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và năm 2002, trước khi thỏa thuận thuê Cam Ranh hết hiệu lực, Nga đã rút hoàn toàn khỏi nơi đây.
Việt Nam sau đó tuyên bố sẽ không sử dụng Cam Ranh cho mục đích quân sự nữa.
Hồi tháng Tám 2013, trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, phía Nga đã yêu cầu Việt Nam làm đơn giản để họ có thể ‘vào cảng Cam Ranh để sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền và cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét