Pages

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Đồng Rúp lại lao dốc theo giá dầu

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần bước sang năm 2015, đồng Rúp đã mất giá khoảng 8% so với đồng USD...

Đồng Rúp lại lao dốc theo giá dầu
Nền kinh tế Nga có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu lửa, nên đồng Rúp của nước này rất nhạy cảm trước các diễn biến giá dầu - Ảnh: Reuters.
Đồng Rúp Nga mất giá hơn 5% trong phiên giao dịch hôm qua (6/1), khi cú giảm chóng mặt của giá dầu thế giới trong hai ngày đầu tuần gây áp lực mất giá mạnh cho đồng tiền này.

Tờ RT của Nga cho biết, vào giữa ngày giao dịch, tỷ giá đồng Rúp giảm còn 64 Rúp đổi 1 USD, mất hơn 5% so với phiên trước đó. Vào cuối ngày theo giờ Moscow, tỷ giá đồng Rúp phục hồi nhẹ từ mức đáy của phiên, còn dưới 62,9 Rúp “ăn” 1 USD. 

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần bước sang năm 2015, đồng Rúp đã mất giá khoảng 8% so với đồng USD.

Cũng trong ngày hôm qua, giá trị đồng Rúp so với đồng Euro giảm hơn 5%, còn 76,32 Rúp tương đương 1 USD vào đầu giờ chiều theo giờ Moscow.

Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Nga hôm qua diễn biến trái chiều. Trong đó, chỉ số Micex tính theo đồng Rúp tăng 2,4%, trong khi chỉ số RTS tính bằng đồng USD mất 4,3%.

Phiên hôm qua, giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường New York giảm sâu dưới ngưỡng 50 USD/thùng. Hôm thứ Hai, giá dầu lần đầu tiên mất mốc 50 USD/thùng trong gần 6 năm.

Trong hai phiên giao dịch vừa qua, giá dầu Brent tại thị trường London mất 5,32 USD/thùng, tương đương mức giảm khoảng 10%. 

Nền kinh tế Nga có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu lửa, nên đồng Rúp của nước này rất nhạy cảm trước các diễn biến giá dầu. Trong năm 2014, dầu thô và Rúp Nga cùng mất giá khoảng 50%. 

Bộ Tài chính Nga mới đây đã cắt giảm dự báo giá dầu trung bình của năm 2015 xuống còn 80 USD/thùng từ mức 100 USD/thùng trước đó. Còn theo kịch bản xấu nhất mà Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra, nền kinh tế nước này có thể suy giảm 4,5% trong năm 2015.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản lên 17% nhằm ngăn đà lao dốc của đồng Rúp. Trong năm ngoái, cơ quan này cũng đã tung hơn 80 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

Những nỗ lực này đã phần nào xoa dịu lo ngại của giới đầu tư về căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng chưa thể giúp đồng Rúp khởi sắc. Trong năm 2014, giới đầu tư đã rút 120 tỷ USD tiền vốn khỏi Nga vì lo ngại tác động của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp lên Nga.

Ảnh hưởng từ sự mất giá của đồng Rúp đã vượt ra ngoài biên giới nước Nga, đặc biệt tới các quốc gia láng giềng có quan hệ kinh tế chặt chẽ với nước này. Hôm thứ Hai, cả Belarus và Turkmenistan đã đồng loạt phải giảm giá đồng nội tệ.


Diệp Vũ

(VnEconomy)

Không có nhận xét nào: