Về quan hệ Mỹ-Việt trong năm 2015, giới quan sát đều xem khả năng Tổng thống Mỹ công du Việt Nam là một trong những điểm cần quan tâm. Bên cạnh đó, còn có các vấn đề hệ trọng khác, đặc biệt là các chuyển biến trong hồ sơ vũ khí vừa được tháo gỡ vào cuối năm ngoái 2014, vai trò của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, triển vọng ký kết được Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP.
Năm 2014 được nhiều chuyên gia đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong bang giao Việt-Mỹ, với tàn tích sau cùng thời hai bên xung khắc bắt đầu được xóa bỏ sau gần 40 năm tồn tại : Cấm vận vũ khí sát thương do Mỹ áp đặt trên Việt Nam. Quyết định giảm nhẹ cấm vận vũ khí được lồng trong khuôn khổ quan hệ song phương tiến bộ rõ nét, đặc biệt trong lãnh vực quan hệ quốc phòng, với Washington không ngần ngại đả kích Trung Quốc khi nổ ra các sự cố ngoài Biển Đông liên quan đến Việt Nam như vụ giàn khoan HD-981.
Bên cạnh đó, còn một điểm có thể coi là chưa trọn vẹn : Tổng thống Mỹ Obama vẫn chưa thăm Hà Nội, trái với mong muốn từng được các lãnh đạo Việt Nam nhiều lần bày tỏ.
2015 : Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt
Do đó, nhìn về quan hệ Mỹ-Việt trong năm 2015 vừa bắt đầu, các nhà quan sát đều xem khả năng đương kim Tổng thống Mỹ công du Việt Nam là một trong những điểm cần quan tâm. Lý do rất dễ hiểu : Năm nay là năm hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995-2015).
Giới lãnh đạo Việt Nam, từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tháng 11 vừa qua đều đã tranh thủ cuộc gặp song phương với ông Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC và Đông Á để chính thức nhắc lại lời mời Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam trong năm nay và được ông Obama hứa là sẽ đến thăm « vào thời điểm thích hợp ».
Bên cạnh đó, cũng có nhiều các vấn đề hệ trọng khác, đặc biệt là các chuyển biến trong hồ sơ vũ khí vừa được tháo gỡ vào cuối năm ngoái 2014, vai trò của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, triển vọng ký kết được Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership) do Mỹ thúc đẩy và có Việt Nam tham gia…
Mỹ bị phân tâm nên sẽ lơ là châu Á ?
Điểm cần ghi nhận đầu tiên là giới chuyên gia phân tích vẫn vấn vương với một câu hỏi cố hữu : Liệu Mỹ có thể tiếp tục chiến lược xoay trục qua Châu Á trong bối cảnh họ phải đối phó với một loạt những diễn biến đáng ngại trên thế giới trong năm qua hay không ? Từ dịch Ebola bùng lên tại châu Phi, khủng hoảng Ukraina gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với Phương Tây, cho đến cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria, hay hồ sơ hạt nhân Iran chưa thấy giải pháp…, tất cả đều là những vấn đề thiết thân cho an ninh nước Mỹ mà Washington không thể lơ là.
Đấy cũng chính là các mối lo ngại được chuyên gia Michael Green thuộc Trung tâm nghiên cứu CSIS tại Washington nêu bật trong bài nhận định hôm 23/12/2014 về vai trò của Mỹ tại các vùng biển châu Á trong năm 2015 (The United States and Maritime Asia in 2015).
« Cho dù các chuyên gia ngày càng quan ngại về an ninh hàng hải trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, một câu hỏi ngỏ vẫn là chính quyền Obama sẽ tập trung đối phó như thế nào trước các thách thức đặt ra trong khu vực đó vào năm 2015. Người ta có thể hoài nghi là vấn đề an ninh của các hòn đảo ngoài Thái Bình Dương nằm trong năm vấn đề hàng đầu đối với Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice hay Ngoại trưởng John Kerry.
Khủng hoảng do dịch Ebola sẽ huy động nhiều công sức trong lãnh vực an ninh truyền thống trong một thời gian - do những nguyên nhân có thể là rất đúng đắn. Cùng lúc, ngày càng có thêm các dấu hiệu cho thấy là Tổng thống Nga Vladmir Putin sẽ gia tăng áp lực trên Ukraina, Đông Âu và các nước Baltic để gỡ bí cho tình hình kinh tế tuyệt vọng của Nga. Hoa Kỳ cũng đang bị kéo sâu hơn vào Irak một lần nữa với mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Thời hạn cho một thỏa thuận hạt nhân với Iran đã trôi qua mà không thấy kết quả gì hoặc bất kỳ triển vọng mới nào về một giải pháp ngoại giao.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng sẽ phải đau đầu với một loạt cân nhắc giữa việc bảo đảm số lượng tàu chiến cam kết cho vùng Thái Bình Dương và đầu tư vào công nghệ mới để chống lại các phương tiện chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (anti-access/area-denial) do Trung Quốc phát triển và triển khai - chưa kể đến khả năng tái triển khai chiến dịch ở vùng Tây Nam Á. Bộ trưởng Quốc phòng được đề cử Ash Carter là một chuyên gia về các loại công nghệ này, nhưng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn trong việc cân nhắc nếu ngân sách quốc phòng tiếp tục phải chịu áp lực cắt giảm. »
Tiền đề tốt tại Nhật, Philippines và Việt Nam sẽ được phát huy
Tuy nhiên, Giáo sư Green vẫn có một số suy nghĩ lạc quan cho rằng Hoa Kỳ trong năm 2014 đã tạo ra được một số tiền đề vững chắc đặc biệt là tại ba nước Nhật Bản, Philippines và Việt Nam để bảo đảm an ninh cho vùng biển châu Á.
« Tại Nhật Bản, được củng cố thêm sau chiến thắng trong cuộc bầu cử, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ ở tư thế thuận lợi để cho thông qua luật lệ liên quan đến quyền tự vệ tập thể, và đặc biệt là việc cho phép Nhật Bản tham gia nhiều chiến dịch hỗn hợp hơn với quân đội Mỹ. Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines (EDCA), cũng như quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, sẽ giúp cho hai nước này tăng cường năng lực giám sát vùng biển, được hỗ trợ thêm bằng các tàu tuần tra cũng như các giúp đỡ khác từ Nhật Bản ».
Đối với chuyên gia Michael Green, tình hình chung cho phép duy trì một thái độ « lạc quan khiêm tốn » về sự ổn định trong vùng biển châu Á trong năm 2015. Vấn đề là chính quyền Mỹ phải nhận thức rõ rằng mọi biểu hiện về sự lơ là của Mỹ đối với châu Á, có thể khiến cho kẻ khác – hàm ý chỉ Trung Quốc - xem năm 2015 là cơ hội để lấn lướt.
Triển vọng quan hệ của Mỹ với khu vực là như vây, còn riêng với Việt Nam thì ra sao. Để tìm hiểu vấn đề này RFI đã phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
Lợi ích của Mỹ là Việt Nam chống được áp lực từ Trung Quốc
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng là tác giả chương Quan hệ Mỹ-Việt : Những chuyển biến trong nhận thức và lợi ích (Evolving Perceptions and Interests) trong tập biên khảo Chiến lược châu Á 2014-15: Quan hệ giữa Mỹ với Đồng minh ở vùng trung tâm của quyền lực toàn cầu (Strategic Asia 2014–15: U.S. Alliances and Partnerships at the Center of Global Power), do Trung tâm nghiên cứu về châu Á NBR (The National Bureau of Asian Research) tại Hoa Kỳ phát hành vào thượng tuần tháng 12/2014.
Bài khảo cứu của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng điểm lại sự phát triển của quan hệ Mỹ-Việt trong thời gian qua, và phân tích xem những thay đổi trong cán cân lực lượng khu vực, cũng như những thay đổi trong hệ thống chính trị nội bộ Việt Nam, kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, đã thúc đẩy cả Washington lẫn Hà Nội theo đuổi một quan hệ gần gũi nhau hơn và có nhiều ý nghĩa chiến lược hơn.
Phân tích của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng có thể được tóm tắt như sau : Quan hệ Mỹ-Việt đã được cải thiện đáng kể, từ thế đối địch chuyển sang đối tác, nhờ hai chuyển biến địa chính trị chủ chốt đã tạo nên một sự tương đồng lợi ích chiến lược giữa hai bên : Việt Nam bắt đầu vượt qua được thái độ nghi kỵ ý định và các cam kết của Mỹ, trong lúc sự trỗi dậy của Trung Quốc và hành vi quyết đoán của nước này ở Biển Đông đã làm cho cả cả Washington lẫn Hà Nội lo lắng.
Trong tình hình đó, lợi ích của Mỹ là phải làm sao có được một Việt Nam mạnh mẽ, ổn định, độc lập và có năng lực cũng như quyết tâm chống lại sức ép từ Trung Quốc. Hoa Kỳ do vậy phải có biện pháp để vừa cải thiện năng lực quân sự của Việt Nam và giảm thiểu tình trạng thiếu lòng tin giữa hai nước, vừa không quên chú ý đến nhu cầu thúc đẩy hơn nữa tiến trình dân chủ hóa của Việt Nam.
Chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cần quan tâm đến ba yếu tố chính :
1/ Trong bối cảnh Mỹ tìm cách đối phó với đà trỗi dậy của Trung Quốc trong tư cách thế lực thống trị ở châu Á, Việt Nam có thể trở thành một đối tác quan trọng của Mỹ trong việc xây dựng một cấu trúc an ninh đa cực để duy trì hòa bình và bảo tồn ảnh hưởng của Washington trong khu vực.
2/ Việc tăng cường hợp tác an ninh phụ thuộc vào việc xây dựng lòng tin lẫn nhau và thuyết phục được Việt Nam rằng Hoa Kỳ không hề có lợi ích chiến lược nào trong việc phá hoại chế độ hiện hành. Đồng thời, Việt Nam cũng phải hiểu rằng sự thiếu tiến bộ về nhân quyền là một trở ngại lớn cho quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước.
3/ Mỹ nên tìm ra phương cách hội nhập Việt Nam vào Hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và cung cấp tư vấn kỹ thuật để giúp Việt Nam thực hiện các cải cách kinh tế, luật pháp và chính trị cần thiết nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi giúp tăng cao lượng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Vũ khí, TPP và Obama : Ba điểm cần theo dõi trong năm 2015
Trả lời phỏng vấn của RFI, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng có ba diễn biến quan trọng liên quan đến quan hệ Mỹ-Việt cần theo dõi trong năm 2015. Đó là các hồ sơ vũ khí và quan hệ quân sự quốc phòng, triển vọng ký kết Hiệp định TPP và khả năng Tổng thống Obama đi thăm Việt Nam.
Theo Giáo sư Hùng, việc đảng Cộng hòa Mỹ nắm quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ có thể có lợi cho việc phát triển quan hệ với Việt Nam, và thúc đẩy hai hồ sơ vũ khí và hiệp định TPP. Riêng về vấn đề Biển Đông, sự can dự của Mỹ sẽ tiếp tục vì Washington không thể chấp nhận việc Bắc Kinh biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.
Tốc độ phát triển quan hệ Mỹ-Việt tuy nhiên tùy thuộc vào thái độ của Việt Nam, cần cải thiện hồ sơ nhân quyền, tin tưởng hơn vào đối tác, và nhất là bỏ đi tâm lý lo ngại « diễn biến hòa bình. »
Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng 05/01/2015
05/01/2015 Nghe
RFI : Về quan hệ Việt Mỹ trong năm 2015, đâu là những điểm cần theo dõi ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Tôi nghĩ là có 3 điểm cần theo dõi : (1) Cấm vận đã mở, nhưng vấn đề là Mỹ có bán vũ khí cho Việt Nam hay không ? (2) Có ký được Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay không ? (3) Điều kiện có đủ tốt để Tổng thống Obama đi thăm Việt Nam hay không ?
Ba điều này đều có thể trở thành hiện thực, nếu hội đủ được một số điều kiện.
Về Hiệp định TPP, có hai vấn đề : Một là Quốc hội Mỹ có cho Tổng thống quyền điều đình thương ước nhanh chóng (fast track legislation) hay không, và hai là Việt Nam và Mỹ có thỏa thuận được với nhau hay không. Đó là chưa kể đến việc Hoa Kỳ phải đạt được thỏa thuận với các nước khác.
Còn về vấn đề bán vũ khí, Mỹ đã nói là điều đó tùy thuộc vào nhu cầu của Việt Nam, cũng như là vấn đề nhân quyền (tại Việt Nam).
Riêng vấn đề thứ ba, việc ông Obama đi thăm Việt Nam hay không tùy thuộc vào việc hợp tác hai bên tăng đến mức độ nào, và từ giờ đến đó, hai bên có điều gì không bằng lòng với nhau không ?
RFI : Việc Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện có thể có tác động ra sao đến chính sách Việt Nam của Mỹ ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Trước hết, hai đảng không có khác biệt gì nhiều về chính sách đối với Việt Nam. Họ đều muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, cả về phương diện quốc phòng, thương mại lẫn giáo dục. Họ đều muốn Việt Nam tiến bộ về nhân quyền. Đó là những điểm chung trong chính sách của Mỹ.
Riêng hai đảng Dân chủ và Cộng hòa khác nhau ở điểm đảng Cộng hòa có khuynh hướng ủng hộ Bộ Quốc phòng, ủng hộ một đường lối ngoại giao cứng rắn hơn, ủng hộ quyền lợi của giới tư bản...
Như vậy, đảng Cộng hòa có thể - và họ đã làm rồi - không cắt giảm nhiều trong ngân sách quốc phòng. Họ muốn có một chính sách ngoại giao cứng rắn, gọi là ‘muscular’, và vì họ để ý đến quyền lợi của giới tư bản, họ tương đối sẵn sàng trao cho Tổng thống quyền điều đình thương ước nhanh chóng.
Nhưng cũng chính vì muốn bảo vệ quyền lợi thương mại của Mỹ, mà vấn đề phê chuẩn UNCLOS có khó khăn...
RFI : Chiều hướng phát triển quan hệ quân sự quốc phòng ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Tùy thuộc vào Việt Nam và cũng tùy thuộc vào hành động của Trung Quốc.
Việt Nam có nhu cầu mua vũ khí là để chứng tỏ với Trung Quốc rằng mình cũng có quan hệ khác, chứ không phải hoàn toàn sợ Trung Quốc. Như vậy nếu Trung Quốc đấu dịu thì Việt Nam không cần (mua) nữa. Nhưng nếu Trung Quốc tiến lên, thì Việt Nam phải chứng tỏ bằng hành động của mình, và như vậy, chứng tỏ có quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Nhưng vấn đề cũng tùy Việt Nam, tức là việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam thì cũng tùy thuộc vào nhiều vấn đề, thứ nhất là vấn đề nhân quyền, mà nhiều người đã từng nhấn mạnh.
RFI : Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông năm 2015 ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Trước hết cần phải biết tại sao Mỹ phản đối ngày càng mạnh. Sở dĩ Mỹ phản đối ngày càng mạnh là vì Trung Quốc có hành động càng ngày càng lấn lướt, tạo ra rất nhiều chuyện gọi là « sự đã rồi », làm thay đổi cán cân lực lượng, và ảnh hưởng đến sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Lý do là như vậy.
Cho nên nhìn vào quá khứ mình có thể đoán được tương lai, bởi vì phản ứng của Mỹ sẽ tùy thuộc vào chính sách và hành động của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc lấn lướt thì tình hình sẽ phải căng thẳng hơn, nếu Trung Quốc đấu dịu thì tình hình sẽ dịu bớt đi. Thành ra yếu tố căn bản là thái độ của Trung Quốc. Bởi vì Mỹ không thể nào chấp nhận Biển Đông trở thành cái hồ của Trung Quốc, nghĩa là một cái chủ thuyết Monroe của Trung Quốc là điều không thể chấp nhận đối với Mỹ được…
Ỏ Biển Đông, Trung Quốc nói vấn đề là vấn đề các nước ở Biển Đông, thì các anh ở ngoài đừng can thiệp vào. Trung Quốc đặt vấn đề này nhiều lần rồi. Vấn đề là khi họ thi hành cái chủ thuyết Monroe thì Mỹ không chấp nhận chuyện đó.
RFI : Trở ngại trong phát triển quan hệ Việt Mỹ năm 2015 ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Có một số điểm : Thứ nhất là vấn đề nhân quyền còn rắc rối. Vấn đề nhân quyền lại dính với chuyện khác : Việt Nam nghi ngờ ý định của Mỹ là khuyến khích chiến dịch diễn biếến hòa bình, lật đổ chính quyền Việt Nam.
Và thứ 3, tôi nghĩ là quan trọng nhất, là khác biệt về thể chế giữa Mỹ với Việt Nam, khiến cho một liên minh gọi là lâu dài, thoải mái, tin cậy lẫn nhau, tương đối khó thực hiện, mà chỉ có thể có liên minh tạm thời mà thôi, bởi vì những cái gọi là quyền lợi chiến lược chỉ tương đồng một cách tạm thời.
Đấy là những vấn đề lớn thôi. Chi tiết thì còn có nhiều vấn đề.
(RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét