Pages

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Mike Ives - Khi doanh nhân công nghệ sinh sôi ở Việt Nam, luật lệ cũng tăng theo

Mike Ives
Athena chuyển ngữ
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam – Đi lang thang trong văn phòng công ty Glass Egg Digital Media, Phil Trần dừng chân lại bên ô làm việc của một nhà thiết kế trò chơi và chỉ vào màn hình máy tính của anh ta.
Một nhân vật đang chạy cực nhanh trong khung cảnh kỹ thuật số, đây là một sản phẩm mới nhất do công ty của ông Trần cung cấp. Công ty ông chuyên nội địa hóa các trò chơi video quốc tế để dân chơi Việt Nam chơi qua mạng, và thiết kế các mẫu 3D cho Sony, Microsoft và Electronic Arts.

“Bạn chỉ cần điều khiển nhân vật của mình chạy, chạy và chạy cho đến khi va phải thứ gì đó,” ông Trần nói. Ông Trần là người đã sáng lập nên Glass Egg năm 1999 chỉ sau một thời gian cực ngắn làm việc tại một công ty khởi nghiệp chuyên về game ở San Francisco.
Ông Trần và các doanh nghiệp chuyên về công nghệ khác ở Việt Nam đang vận dụng cùng một phương cách để gây dựng công ty của họ: phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt, tuân theo các quy định của nhà nước – mà theo góc nhìn của giới doanh nhân, thường là cực kỳ mơ hồ - nếu chẳng may gặp phải nó.
Nhưng khi chính phủ Việt Nam điều chỉnh toàn bộ các chính sách về công nghệ thông tin của mình, thì cuộc đua trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Có cả một danh sách ngày càng dài các quy định chỉ rõ rằng những doanh nghiệp này phải hoạt động như thế nào, bao gồm cả việc họ có thể làm gì với những nội dung họ tạo ra, và thậm chí là yêu cầu bằng đại học của người đứng đầu công ty phải ra sao.
Một số người lo lắng rằng nếu như thế này thì sự sáng tạo và vốn đầu tư vào ngành kinh tế đang bùng bổ này có thể sẽ bị bóp chết vì những quy định mới quá nặng nề.
Các doanh nghiệp chuyên về công nghệ cao ở Việt Nam chính là những điểm sáng trong nền kinh tế quốc gia bên cạnh các ngành khác, mà phần lớn trong số chi phối bởi doanh nghiệp nhà nước. Trong một thang đo về sự tăng trưởng, việc các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến đến người tiêu dùng ở Việt Nam ước tính lên đến 2.2 tỉ USD trong năm 2013, và con số này còn được kỳ vọng sẽ chạm ngưỡng 4 tỉ USD trong năm 2015, theo bản báo cáo năm 2013 của bộ Công Thương Việt Nam.
Công nghệ bùng nổ ở Việt Nam là do cơ sở hạ tầng Internet mạnh mẽ, thị trường smartphone và mua bán qua mạng diễn ra sôi động, đội ngũ nhân viên thiết kế và viết phần mềm có đầy đủ kỹ năng và sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn những người khác trong khu vực.
Sự phát triển mạnh mẽ này bắt đầu khoảng một thập niên trước, và sau đó các tập đoàn Intel, Samsung và Microsoft đã đến xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Những công ty outsourcing quốc tế đã tìm đến đây vì chính sách thuế ưu đã và những hỗ trợ khác từ chính phủ.
Hiện tại Việt Nam đang là thị trường hứa hẹn nhất về sự tăng trưởng công nghệ cao trong số các nước Đông Nam Á, ông Dũng Nguyễn cho biết. Hiện ông đang là giám đốc CyberAgent Ventures, một công ty có trụ sở tại Tokyo đã đầu tư vào 15 công ty khởi nghiệp ở Việt Nam kể từ năm 2009. Ông cũng nói thêm rằng thương mại điện tử, các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến và trò chơi trên điện thoại thông minh đang là lĩnh vực có mức tăng trưởng cực nóng.
Nhưng một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam và các tập đoàn công nghệ đa quốc gia nói rằng các quy định mới và dự thảo luật cho thấy các điều khoản để truy cập Internet của Việt Nam đang chệch hướng so với bối cảnh bùng nổ công nghệ hiện tại.
Mùa hè năm ngoái, một số admin chuyên quản lý về nội dung của các trang mạng xã hội và trang tin điện tử bị nhắc nhở rằng họ phải có bằng đại học, xin được giấy phép và đạt được chức vụ nào đó trong ít nhất hai năm. Một quy định khác, tất nhiên vẫn là dự thảo, sẽ kiểm soát cuộc gọi qua Internet và dịch vụ tin nhắn bằng cách yêu cầu người dùng phải ký hợp đồng với các công ty viễn thông của Việt Nam. Và một điều luật khác đã được thông qua, và sẽ có hiệu lực vào thứ Năm này (12/2), trong đó yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ game online phải có hệ thống thanh toán ở Việt Nam và tuân thủ các quy định khác, theo một phân tích của Tilleke và Gibbins, một công ty luật có trụ sở tại Bangkok.
Một dự thảo khác cũng quy định các công ty công nghệ nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam phải có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Điều này sẽ được áp dụng cho các công ty như Google vốn đang hoạt động tại thị trường Việt Nam nhưng không hề có trụ sở ở Việt Nam. Asia Internet Coalition – đại diện cho Google, Apple, Facebook, eBay, LinkedIn và Salesfore.com cho biết vào mùa xuân năm ngoái công ty này đã “cực kỳ lo lắng” nếu dự thảo này có hiệu lực.
Sự lạnh lẽo đã có thể cảm nhận được trên một số các trang mạng xã hội mới thành lập ở Việt Nam. Hồi tháng Mười năm ngoái, kênh truyền thông Haivl.com nổi tiếng của Việt Nam đã bất ngờ bị đóng cửa sau khi đăng tải nội dung cho rằng bộ trưởng Thông tin và Truyền thông dường như đã có hành động xúc phạm nhân vật lịch sử. Một số doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cho biết có rất nhiều trang thông tin điện tử đã bị phạt hoặc buộc ngừng hoạt động online vì những lý do rất giống nhau.
Họ bí mật chia sẻ rằng làn sóng các quy định mới và dự thảo chính là một nỗ lực của đảng Cộng sản trong việc kiểm soát tự do ngôn luận vì sợ thế cầm quyền của mình bị đe dọa.
Chính phủ Việt Nam đã bỏ tù rất nhiều các bloggers trong vài năm trở lại đây. Luật pháp Việt Nam hiện hành cấm hoàn toàn truyền thông tư nhân, một số chuyên gia trong ngành cho biết chính phủ đang muốn đóng cửa các trang tin tức mạng xã hội vì những trang này, ở một mức độ nào đó, đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền.
Hans Vriens, một đối tác quản lý tại Vriens & Partners, một công ty tư vấn có trụ sở tại Singapore chuyên phục vụ khách hàng là các công ty công nghệ lớn, cho biết “Khi họ nhìn vào chính sách phát triển của hai năm gần đây nhất, một số công ty lo ngại rằng chính phủ xem truyền thông xã hội và các doanh nghiệp hoạt động dựa trên Internet như là một mối đe dọa đến việc cầm quyền, hơn là các cơ hội mới để biến giấc mơ thành sự thực.”
Năm 2013, chính phủ ban hành một điều luật chưa từng có, nghị định 72, nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận trên mạng. Một nhóm những nhà hoạt động nhân quyền và đại sứ quán Mỹ đã cảnh báo rằng hạn chế này đã vi phạm các cam kết về nhân quyền và ngăn cản sự đổi mới cũng như đầu tư vào Việt Nam.
Đến nay tranh cãi xung quanh nghị định này đã lắng xuống. Vào tháng Một vừa qua, Thanh Niên, một tờ báo quốc doanh, đã dẫn lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông nói rằng chính phủ Việt Nam “không thể” chặn Facebook và các trang thông tin khác.
Nguyễn Thị Hạnh, người đại diện bộ Công Thương về các vấn đề thương mại điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết chính sách liên quan đến Internet của chính phủ có hai mục đích là vừa kiểm soát vừa trợ giúp các công ty công nghệ. Bà trả lời thêm rằng bộ Công Thương cực kỳ ủng hộ thương mại điện tử và nhấn mạnh bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bằng hơn với các trang thông tin điện tử.
Nhiều giám đốc điều hành nhận định rằng, chính phủ chỉ đang cố gắng bảo vệ các lợi ích kinh tế cố hữu của nhà nước, trong đó chủ yếu chi phối lĩnh vực viễn thông của Việt Nam, bởi các chủ sở hữu doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD đang bị đe dọa bởi sự nổi lên của công nghệ Internet.
Tờ báo quốc doanh Vietnam News báo cáo hồi tháng Mười Một có khoảng 26 triệu người Việt Nam, gần một phần ba dân số cả nước, đang sử dụng các ứng dụng cho điện thoại thông minh như Viber, Line và một đối thủ khác, Zalo, để gọi điện và gửi tin nhắn để tránh việc phải trả cước phí cao.
Trung Quốc, nước láng giềng của Việt Nam, đã dùng cách hạn chế các công ty công nghệ nước ngoài kết nối với ngành công nghệ thông tin trong nước, nhằm bảo vệ Baidu - một công cụ tìm kiếm phổ biến của Trung Quốc, Khoa Pham, giám đốc chịu trách nhiệm các vấn đề pháp lý và liên doanh của Microsoft tại Việt Nam cho biết. Nhưng hiện tại thì vẫn chưa biết được liệu Việt Nam có thể theo kịp phương thức đấy hay không bởi ngành công nghệ thông tin của Việt Nam không phát triển như Trung Quốc.
Ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nơi các thành viên toàn là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhà nước, cho biết môi trường pháp lý đối với các doanh nghiệp Internet đã thoáng hơn rất nhiều, và Đảng Cộng sản đã có những “hỗ trợ tiên phong” cho ngành công nghệ thông tin.
Một vài doanh nghiệp Việt Nam, hiện đang trên đà đóng cửa giống như Haivl.com hồi mùa thu năm ngoái đang xem xét việc đăng ký công ty của họ tại Singapore, nơi có môi trường pháp lý ổn định hơn, Hung Dinh cho biết. Hung Dinh là một cựu binh trong vấn đề khởi nghiệp ở Việt Nam, và là giám đốc điều hành của JoomlArt.com, một tập đoàn quốc tế chuyên tạo lập hệ thống quản lý nội dung cho các trang web.
Ông Trần của công ty Glass Egg cho biết dương như xuất hiện sự “cảnh giác cao độ về an ninh” xung quanh các nội dung trên Internet trong vài tháng gần đây.
“Tôi không cho rằng nó sẽ trở thành một rào cản,” ông vừa nói vừa nhìn ra bầu trời của thành phố Hồ Chí Minh bên ngoài cửa sổ phòng làm việc từ tầng 17. Nhưng đối với những doanh nghiệp Việt Nam mới thành lập thì “nó không khác gì đòn đánh phủ đầu.”

Không có nhận xét nào: