Pages

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Bàn về việc “Hòa giải với người chết”

Nguyễn Đình Cống
22-07-2015
Ngày 16 tháng 7 Bauxite đăng bài “Hòa giải với người chết…” của GS Lê Xuân Khoa. Bài đó đã gây cho tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Theo khoa học và duy vật thì chết là hết, thân xác con người từ cát bụi lại trở về cát bụi. Theo tâm linh và tôn giáo thì sau khi chết vẫn còn “linh hồn”. Nó có thể được siêu thoát, được đầu thai thành kiếp khác hoặc thành ma quỉ. Linh hồn thuộc một thế giới khác nhưng có thể có ảnh hưởng qua lại với thế giới người sống theo hai chiều. Người sống ảnh hưởng đến linh hồn thông qua sự cầu nguyện, sự quan tâm đến hài cốt, sự thờ phụng và tưởng nhớ. Linh hồn ảnh hưởng đến người sống thông qua sự phù trì, bảo hộ hoặc sự quấy phá. Về khoa học và tâm linh tôi đã có trình bày một số hiểu biết trong 2 bài đăng trước đây (Nguyên nhân gốc của các vụ oan sai; Lời nguyền xuyên thế kỷ). Tôi xin trích lại lời của nhà khoa học thiên văn Trịnh Xuân Thuận: “Khoa học, để phát triển không cần đến tâm linh. Tâm linh, để phát triển không cần đến khoa học, nhưng một con người, để phát triển toàn diện nên hiểu biết cả hai.” . Tôi đang đi theo hướng đó và nhân bài viết của GS Lê Xuân Khoa xin góp vài ý kiến.

Theo quan điểm của nhiều trường phái tâm linh thì những linh hồn chưa siêu thoát được sẽ tồn tại ở tầng thấp, thành ma quỉ. Đó là linh hồn của những người khi còn sống đã phạm tội lỗi, dối trá, làm hại đến nhiều người, là linh hồn bị oan khuất còn mang nặng hận thù, là linh hồn còn quá luyến tiếc cuộc sống trần thế. Những linh hồn này một số ít thuộc loại còn luyến tiếc cuộc sống có thể giúp đỡ gì đó cho người thân, một phần khác thường gây ra tác hại cho loài người. Ở các nước mà chính quyền và nhân dân đều chú trọng đến tâm linh thì người ta sẽ tổ chức các lễ cầu siêu, lập đàn giải oan nhằm giác ngộ những linh hồn ma quỉ để họ chọn đường giải thoát và nhờ đó không gây ra tai họa cho xã hội.
Ở ta, trong hơn một thế kỷ qua những linh hồn oan khuất tích lũy lại càng ngày càng nhiều. Họ từ hàng chục vạn người bị thực dân Pháp tàn sát trong các cuộc đấu tranh, là hàng triệu người này chết đói, hàng triệu người khác chết oan trong cách mạng, trong chiến tranh, trong cải cách ruộng đất, trong làn sóng vượt biên, trong các nhà tù và trại cải tạo, trong tai nạn giao thông và trong nhiều thảm họa khác. Chỉ một ít trong số họ đã được giải oan, được siêu thoát nhờ sự cầu cúng của các tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện và của gia đình. Chính quyền, đoàn thể tuy cũng lập những nghĩa trang liệt sĩ, cũng tổ chức các lễ tưởng niệm, cũng dùng nhiều hương hoa và lễ vật, nhưng việc đó chỉ mới dành cho những người có công với CM và phần lớn chỉ làm theo hình thức, theo khoa học duy vật mà thiếu gốc rễ tâm linh nên tác dụng rất hạn chế. Số oan hồn chưa được giải thoát còn rất nhiều. Tôi ước tính, nếu lấy số đó chia cho số người sống thì Việt nam chiếm thứ hạng rất cao trên thế giới, có khả năng đứng hàng đầu. Vì sao vậy? Vì rằng do công cuộc đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp mà số oan hồn rất nhiều, trong khi đó chính quyền và đa số nhân dân theo chủ thuyết duy vật, theo ý thức hệ cộng sản, chống lại tâm linh, không cầu siêu, không giải oan, hơn nữa vẫn phân biệt đối xử phe ta, phe nó đối với các linh hồn oan khuất.
Xin đừng coi thường số oan hồn đang tồn tại trên mặt đất này, đang lẩn quất quanh ta. Họ không có sức mạnh vật chất nhưng có năng lượng tâm linh. Năng lượng đó có thể tác động vào tâm lý của người sống và tạo ra các hành động bất thường. Dân gian gọi những người bị các tác động ấy là “bị ma bắt, bị ma ám”. Trong xã hội VN hiện nay, ngày càng có nhiều những hành động không có tính người, ngày càng nhiều những tội ác và tai nạn. Có thể tìm và qui nguyên nhân của những việc đó cho nhiều thứ theo khoa học, theo duy vật, nhưng tôi cho rằng còn có một nguyên nhân quan trọng là sự tác động quấy phá của những oan hồn, là bị ma ám. Không phải ở VN ngày nay mới có người bị ma ám mà tại nhiều lúc, nhiều nơi trên thế giới vẫn có, chỉ là tỷ lệ người bị ma ám ở VN hiện nay là rất cao và gây ra tác dụng xấu cho xã hội rất đáng kể.
Không phải ai cũng có thể bị ma ám. Dân gian có câu: “Ma bắt trông mặt người ta”. Ma thường chỉ có thể ám vào những người mà ngày thường có những suy nghĩ tiêu cực, có những mong muốn xấu xa. Những người này thường là sản phẩm của một nền chính trị độc đoán, của một nền giáo dục kém về nhân bản. Với những người có đạo đức cao, có lòng bao dung và nhân hậu thì ma rất khó thâm nhập, không thể thâm nhập.
Trong bài viết “Hòa giải với người chết…” GS Lê Xuân Khoa đưa ra sự kiện nghĩa trang Biên Hòa của quân đội VNCH bị bỏ thành phế tích, sự kiện hàng ngàn hàng vạn ngội mộ vô danh ở các nhà tù và trại cải tạo bị quên lãng làm cho những người có lương tri thật sự xúc động và đau lòng. Trong lúc từ lãnh đạo cao nhất đến nhiều người dân bình thường rất quan tâm đến việc tìm từng mẫu xương của lính Mỹ mất tích, trong lúc Đảng và Nhà nước nói nhiều đến việc xóa bỏ hận thù và hòa hợp dân tộc thì những điều mà bài viết của GS Khoa nêu ra là những dẫn chứng về mặt trái của sự tuyên truyền. Tôi đang tiếp tục suy nghĩ và cũng mong mọi người suy nghĩ và lý giải tại sao lại như vậy.
Tôi nghĩ, để một xã hội phát triển hài hòa thì ngoài các giá trị vật chất và hữu hình còn rất cần quan tâm đến các giá trị tâm linh, vô hình, ngoài việc quan tâm đến người sống còn cần quan tâm đến linh hồn người chết, hòa giải với người chết. Để làm việc này Nhà nước và Đảng lãnh đạo cần từ bỏ chủ nghĩa vô thần, đề cao đức tin tôn giáo. Nhà nước cần có những việc làm thiết thực theo đề nghị của GS Lê Xuân Khoa, ngoài ra cần tổ chức xem xét và giải quyết mọi vụ oan sai, làm đại lễ giải oan trong toàn quốc, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo và từ thiện làm lễ giải oan và cầu siêu cho mọi đối tượng bị oan sai, không phân biệt chính kiến lúc còn sống. Có làm được như thế mới thể hiện trọn vẹn tấm lòng muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Nhân đây xin có vài ý kiến về ngày 27 tháng 7. Gia đình tôi có 5 liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ (cha tôi và 4 người con cháu của ông). Ngày này vẫn được xem là ngày “Uống nước nhớ nguồn”, ngày tri ân các thương binh, liệt sĩ, ngày đề cao các chiến công của thương binh liệt sĩ. Làm như vậy không có gì sai nhưng trong lúc muốn đề cao việc hòa giải và hòa hợp dân tộc mà tuyên truyền quá nhiều về chiến công thì có cái gì đó làm xót xa cho những người, những gia đình là nạn nhân của các chiến công đó. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta đã nói khá nhiều về chiến công. Để thúc đẩy hòa hợp và hòa giải dân tộc nên nói bớt đi chiến công của một bên, và sẽ là tốt cho sự hòa giải nếu có một ngày toàn dân tưởng nhớ đến, làm lễ cầu siêu cho tất cả những ai đã thiệt mạng trong chiến tranh, là “tử sĩ” của cả hai bên. Gọi đó là “Ngày tưởng niệm chiến tranh”, ngày đó là biểu tượng của sự hòa giải, hòa hợp. Nên chăng biến ngày 27 tháng 7 thành ngày như vậy.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào: