Deutsche Presse-Agentur GmbH (tiếng Đức của Thông tấn xã Đức, viết tắt DPA) là hãng thông tấn chính thức của Đức, được thành lập năm 1949, được phép hoạt động tại Việt Nam từ cuối năm 1990. Có trụ sở ở Hamburg, được phát triển để trở thành một phương tiện đại chúng có ảnh hưởng toàn cầu với các dịch vụ: báo chí, radio, tivi, điện thoại... Báo của hãng DPA có phiên bản tiếng Đức, Anh, Tây Ban Nha và Ả Rập. DPA là hãng thông tấn lớn nhất của Đức, ngoài trụ sở chính ở Hamburg, còn có trụ sở trung tâm báo chí ở Berlin. Văn phòng của DPA có ở hơn 100 quốc gia.
Tuy nhiên là về mặt luật pháp, dù lớn đến đâu thì DPA hoàn toàn bình đẳng với các tờ báo trong nước khi hoạt động tại Việt Nam. Vậy mà ngay trước đó, một tờ báo của Việt Nam là Đời Sống Pháp Luật đã suýt nữa bị rút giấy phép vì đăng tiểu sử của ông Phùng Quang Thanh, một bản tin có thể làm dư luận tưởng như ông Thanh đã chết. Họ bị phạt 30 triệu vì lỗi này và đã nghiêm chỉnh chấp hành.
Vậy tại sao DPA chưa bị xử lý?
Theo như thông tin DPA đã đưa thì bản tin ông Thanh chết bắt nguồn từ DPA Hà Nội, do ông Phạm Trung Bắc làm trưởng đại diện. Nội dung bản tin đầu tiên ghi rõ nguồn được lấy từ quân đội.
Sau khi có phản bác từ Trung tướng Võ Văn Tuấn, DPA đưa bản tin khác từ DPA Bangkok. Nội dung có viết là nguồn tin từ bệnh viện, nguyên văn như sau: "Một báo cáo trước đây của DPA nói rằng Bộ trưởng đã qua đời vào Chủ Nhật sau khi chữa trị tại bệnh viện trên, trích nguồn từ bệnh viện..."
DPA hoạt động tại Việt Nam dưới sự quản lý của Vụ Báo Chí bộ Ngoại Giao, mà đằng sau vụ này là cả một đội quân an ninh hùng hậu, những người vốn từ trước đến nay luôn cảnh giác tuyệt đối và coi báo chí nước ngoài là bọn gián điệp. Chắc chắn ông Bắc đã bị hỏi thăm, nhưng tại sao chưa bị xử lý? Ông Bắc có thể phủ nhận liên quan đến chuyện này. Ông Bắc có thể không hợp tác với cơ quan an ninh với lý do bảo vệ nguồn tin theo luật báo chí. Nhưng, rất tiếc, bản tin của DPA luôn được cấp liên tục qua internet cho các khách hàng khắp thế giới, và trong đó có đầy đủ tất cả thời gian, địa điểm, người viết tin, người hiệu đính rất rõ ràng.
Tất cả ai là khách hàng của DPA đều biết, rất nhiều nơi trên thế giới biết. Cơ quan an ninh có biết việc này không? Tôi không thể khẳng định là có hay không. Nhưng chỉ có thể có hai trường hợp xảy ra, một là họ quá kém và không đủ phẩm chất để đảm đương công việc này, hai là họ đồng loã trong một âm mưu chính trị nào đó, và nếu là trường hợp hai thì lại là chuyện khác tôi không bàn ở đây. Hàng ngày trên các báo Đảng, Quân đội, Công an... hàng loạt bài viết chống diễn biến hoà bình, chống luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá đất nước vẫn đều đều tuôn chảy.
Vậy tại sao một bài viết sai sự thật như của DPA bắt nguồn từ Hà Nội lại không bị xử lý?
Tại sao các tờ báo khác ở Việt Nam chỉ cần một lỗi nhỏ thôi đã bị xử lý quyết liệt?
Có âm mưu chính trị nào không nhằm nhục mạ vị đại tướng (dù có thể không ai thích) đang nắm trọng trách lãnh đạo quân đội bảo vệ chủ quyền quốc gia?
Những câu hỏi đó có lẽ ông bộ trưởng bộ Thông tin Truyền thông, ông bộ trưởng bộ Công an, ông trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều vị trong bộ chính trị cũng không thể trả lời được, chắc chỉ có những ông nào bày ra việc này mới biết được, và việc này thì phải hỏi ông Phạm Trung Bắc DPA Hanoi.
Xung quanh sự việc này còn vô vàn nguồn tin không chính thống vẫn tiếp tục đồn thổi, vẫn khẳng định người xuất hiện trên truyền hình là giả mạo, là đeo mặt nạ silicon... chứ không phải là ông Phùng Quang Thanh. Tôi chỉ muốn nói thêm với những người hoạt động xã hội ở Việt Nam rằng, chúng ta đang đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, một xã hội minh bạch. Vậy thì chúng ta cần phải tôn trọng sự thật, chấp nhận sự thật, dù sự thật đó có trái ý ta đến đâu. Sự thật sẽ giải thoát anh em.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét