Chừng nào Trung Quốc còn duy trì vị thế của mình là một đối tác thương mại then chốt và là nguồn cung cấp các khoản đầu tư quy mô lớn thì Bắc Kinh sẽ còn duy trì ảnh hưởng đáng kể đối với các nước láng giềng của mình
Một vài tháng vừa qua là một “chuyến tàu lượn cảm giác mạnh” về chiến lược đối với châu Á. Đầu năm 2015, Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh mẽ vào quyền lãnh đạo của Mỹ trong khu vực này khi tìm cách đưa các nền kinh tế hàng đầu châu Âu, cũng như các đồng minh của Mỹ ở châu Á trở thành thành viên sáng lập của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) sẽ đặt trụ sở tại Bắc Kinh. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summer đã đi xa đến mức tuyên bố rằng sự kiện AIIB có khả năng đánh dấu “thời điểm Mỹ đánh mất vai trò của mình là người đảm bảo cho hệ thống kinh tế toàn cầu”.
Chính quyền Obama, chính quyền đã vận động mạnh mẽ chống lại AIIB, bị cô lập và chịu cay đắng. Tuy nhiên, điều đó không kéo dài cho đến trước khi Trung Quốc tương tự nhận thấy mình bị cô lập và chịu cay đắng, khi phần lớn khu vực này, bao gồm cả các nước trung lập từ lâu như Singapore, chỉ trích – trực tiếp hoặc gián tiếp – các hoạt động xây dựng mở rộng của Bắc Kinh ở Biển Đông trong suốt Đối thoại Shangri-La. Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố rằng nước này đang trong giai đoạn cuối của dự án xây dựng đảo nhân tạo ồ ạt trên quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, gần đây hơn, Mỹ ngày càng chịu nhiều sự chỉ trích vì đã đấu tranh nhằm đưa ra một chiến lược cố kết về thỏa thuận thương mại tự do Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi Chính quyền Obama phải tranh giành sự ủng hộ lập pháp nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra có liên quan đến các đối tác châu Á quan trọng như Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia và Singapore. Lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K.Shanmugam đã cảnh báo rằng “uy tín của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu TPP không được thông qua”, nhấn mạnh những hậu quả của các cuộc tranh cãi chính trị tiếp tục xung quanh TPP ở Washington.
Nhằm làm rõ luận điểm của mình, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại đối với quyền lãnh đạo khu vực ở châu Á: “Trong nhận thức về lịch sử Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương đang được viết lại thông qua các thỏa thuận thương mại… Liệu với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương, một cường quốc thế giới, bạn có thể chịu được việc hoàn toàn không can dự vào khu vực này?”. Bài học chiến lược về những cuộc đấu tranh giành bá quyền trở đi trở lại liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc là rõ ràng: Quyền lãnh đạo ở châu Á có liên quan đến việc làm chiếc mỏ neo cho sự ổn định – như Washington đã tìm cách làm vậy trong suốt 7 thập kỷ qua – nhiều như việc củng cố trật tự kinh tế trong khu vực bằng cách đem lại những sự khích lệ bằng thương mại và đầu tư, như Trung Quốc trên thực tế đã và đang làm trong suốt thập kỷ qua.
Nếu Mỹ muốn tiếp tục là nhà lãnh đạo khu vực không tranh chấp, điều về cơ bản là lôgích đằng sau chính sách xoay trục sang châu Á (P2A), thì nước này không chỉ phải ngăn chặn những hành động khiêu khích hơn nữa của Trung Quốc tại các vùng biển liền kề, đặc biệt là ở Biển Đông, mà còn phải tăng cường sự hiện diện về kinh tế ở châu Á bằng những cách thức nhất quán với các yêu cầu phát triển của các nhà nước trong khu vực.
Sức tàn phá của Trung Quốc
Có truyền thống lâu đời – đặc biệt là trong số những nhà Hán học – trong việc thảo luận về sự cáo già và linh hoạt chiến lược của Trung Quốc trái ngược với sự ngây thơ và thờ ơ chiến lược được cho là của Mỹ/phương Tây. Theo nhiều cách, cuốn Cuộc chạy đua trăm năm của Pillbury là biến thể mới nhất của một trường phái tư tưởng lâu đời, trường phái mô tả Trung Quốc là một cường quốc vô cùng thủ đoạn có được sự khôn ngoan từ thời cổ đại và lập kế hoạch chiến lược dài hạn rất tinh vi nhằm tạo dựng lại “Vương quốc Trung Nguyên” gây tổn hại đến một phương Tây đang suy tàn.
Tuy nhiên, xem xét kỹ lưỡng hơn hành vi của Trung Quốc trong các vùng biển liền kề, đặc biệt là ở Biển Đông, sẽ thấy hành vi của Bắc Kinh ngày càng liều lĩnh và tự chuốc lấy thất bại trong khu vực lân cận trực tiếp của nước này. “Chính sách ngoại giao ngoại vi” của ông Tập Cận Bình chính là câu trả lời cho sự thừa nhận ngày một nhiều rằng Bắc Kinh đã rất “ngược đãi” các mối quan hệ với những nước láng giềng của mình, dần khơi dậy hành động kết thành liên minh để chống lại mà bề ngoài được dẫn dắt bởi Mỹ và được tiếp thêm sinh lực bởi sự tái trỗi dậy của Nhật Bản. Năm 2014, sau sự gián đoạn kéo dài gần một thập kỷ, Tập Cận Bình triệu tập Tiểu ban công tác lãnh đạo đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc để thảo luận những biện pháp có thể có nhằm tránh sự xa rời hoàn toàn với các nước láng giềng trên biển.
Trong cuốn Sự trỗi dậy của Trung Quốc chống lại tính lôgích của chiến lược, chiến lược gia Edward Luttwak đi xa đến mức miêu tả tổn hại mà Trung Quốc gây ra trên các đảo và bãi đá tranh chấp ở Tây Thái Bình Dương là biểu hiện cho “bệnh tự kỷ nước lớn” và “hội chứng suy giảm chiến lược.” Là một quan sát viên vô cùng am hiểu, Luttwak chỉ ra ngay rằng Trung Quốc đơn giản là không thể có được tất cả: nếu nước này chuyển sức mạnh tài chính mới có được thành mở rộng lãnh thổ một cách cưỡng ép, thì đơn giản là sẽ đẩy các nước láng giềng của mình vào vòng tay của Mỹ.
Quay trở lại những năm 2000, ông Joshua Kurlantzick đã nhấn mạnh thành công to lớn của chính sách tấn công quyến rũ của Trung Quốc trên khắp châu Á và xa hơn nữa, tới mức mà người Úc vô cùng hạnh phúc chào đón Hồ Cẩm Đào nhưng lại phẫn nộ sâu sắc với bất kỳ chuyến thăm nào của George W. Bush. Quay trở lại khi đó, Trung Quốc phần lớn được coi là một siêu cường trỗi dậy hòa bình, trong khi Mỹ bị coi là một đế quốc ngạo mạn đang suy tàn. Giờ đây, Trung Quốc bị đông đảo coi là mối đe dọa an ninh quốc gia ở các nước như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, trong khi ở các nước khác như Malaysia, Singapore và Indonesia, những nơi có nhận thức tích cực hơn về Trung Quốc, giới chức cầm quyền đã và đang có thái độ nước đôi bằng cách củng cố những mối quan hệ chiến lược với Washington.
Tuy nhiên, có một lý do giải thích tại sao Trung Quốc tìm cách đạt được các mục tiêu tác chiến trong những vùng biển liền kề – cụ thể là, chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành đảo và thiết lập bộ khung cho một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, đồng thời bộc lộ một cách cưỡng ép bản chất tranh chấp của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông (Nhật Bản không thừa nhận việc quân đảo này thậm chí có tranh chấp) – mà hoàn toàn không tự đẩy mình ra xa khỏi các nước láng giềng. Và điều này có liên quan đến việc Trung Quốc triển khai một cách hệ thống và đầy tham vọng các nguồn tài chính rất lớn của mình, sử dụng như một biện pháp kiểm soát tinh vi đối với các nền kinh tế ở khu vực ngoại vi ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các nhà phân tích kinh tế như Joshua Cooper-Ramo, người đặt ra thuật ngữ “Sự Đồng thuận Bắc Kinh”, phần lớn coi sự hiện diện kinh tế toàn cầu đang mở rộng của Trung Quốc là một sự biến đổi đầy chấn động – một sản phẩm phụ tự nhiên của quy mô đồ xộ và tăng trưởng nhanh chóng của đất nước châu Á này – mà phần lớn là vô hại, nếu không nói là có lợi. Đối với những người ủng hộ Đồng thuận Bắc Kinh, Trung Quốc đã và đang mở ra một thế giới hậu Mỹ, nơi mà các động cơ kinh tế và quyền tiếp cận vốn không bị gắn chặt với những phương thuốc chính sách cụ thể, như trường hợp dưới sự bảo trợ của các thể chế Bretton Woods. Tất cả đều là những thỏa thuận “cùng thắng”.
Công bằng mà nói, giả thuyết này đã đúng trong suốt phần lớn những năm 2000, nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi nhanh chóng sau cuộc Đại khủng hoảng năm 2008, cuộc khủng hoảng đã làm lung lay nền tảng của các nền kinh tế phương Tây nhưng không gây tổn hại (ít nhất là cho tới gần đây) đến mức tăng trưởng hai con số của Trung Quốc. Chìm đắm trong khoảnh khắc hân hoan chiến thắng, Bắc Kinh bắt đầu tỏ ra hống hách, khai thác một cách cơ hội những dấu hiệu về khả năng dễ bị tổn thương có tính hệ thống, nếu không nói là điểm yếu chiến lược, trong các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Các cuộc chiến thương mại
Nhưng những hành động thiếu suy nghĩ và bốc đồng của Bắc Kinh đã cho phép Washington hoàn toàn thoát khỏi tình trạng không được ưa thích trong kỷ nguyên Bush và được chào đón như là một lực lượng đem lại sự ổn định ở châu Á. Kể từ năm 2010, ngày càng nhiều nước trở nên công khai đòi hỏi cam kết chiến lược lớn hơn của Mỹ đối với châu Á, với những nước như Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, và Philippines “nâng cấp” mối quan hệ an ninh của họ với Washington.
Tuy nhiên, ưu thế vượt trội của Trung Quốc về kinh tế ở châu Á đã đem lại cho nước này ảnh hưởng đòn bẩy đáng kể để kiểm soát hầu hết các nước láng giềng. Một bức điện tín ngoại giao năm 2007 cho thấy người cha đẻ huyền thoại của Singapore, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, lo lắng như thế nào về những ảnh hưởng chiến lược của bóng đen kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc bao phủ khắp khu vực này, nghe nói đã thúc giục Mỹ “theo đuổi nhiều Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) hơn nữa với ASEAN, hay ít nhất là các thành viên quan trọng của ASEAN, điều sẽ đem lại cho khu vực này nhiều lựa chọn hơn [ngoài Trung Quốc]”.
Theo bức điện tín này, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã mô tả chiến lược của Trung Quốc là khá rõ ràng và độc đoán: “Trung Quốc nói với khu vực này rằng ‘Hãy lớn mạnh cùng tôi’”. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn truyền đi thông điệp rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi và rằng các nước sẽ cần phải quyết định xem họ muốn trở thành bạn hay thù với Trung Quốc khi nước này ‘xuất hiện’. Trung Quốc cũng sẵn sàng điều chỉnh cam kết của mình để đạt được điều họ muốn hoặc thể hiện sự không hài lòng của họ [nhấn mạnh của chính tác giả]”. Chẳng hạn, Trung Quốc trên thực tế đã đóng băng khoản đầu tư cho Philippines, nước dám khởi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế về các tranh chấp trên Biển Đông, trong khi đó vẫn đưa ra các khoản đầu tư quy mô lớn cho các nước Đông Nam Á khác, những nước chưa công khai chống lại Trung Quốc.
Từ năm 2001 đến năm 2011, Trung Quốc cam kết đem lại cho các nước đang phát triển trên khắp thế giới hơn 600 tỷ USD dưới hình thức hoạt động đầu tư được chính phủ bảo trợ và viện trợ nước ngoài (FAGIA). Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường chính sách gây cảm tình bằng cách hậu thuẫn cho các thể chế tài chính quốc tế thay thế, từ Ngân hàng phát triển Mới của Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đến AIIB và sáng kiến Con đường tơ lụa mới “Một vành đai, một con đường”. Trong khi trước đây FAGIA của Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào châu Phi và Mỹ Latinh giàu tài nguyên, thì Chính quyền ông Tập Cận Bình thay vào đó lại quan tâm nhiều hơn tới việc tranh thủ thiện chí của những nước láng giềng gần gũi hơn.
Như một học giả xuất chúng của Trung Quốc đã thẳng thắn đề cập, Trung Quốc muốn “mua” bạn bè đúng như cách mà nước này nuốt chửng các đảo tranh chấp ở Tây Thái Bình Dương. Nói tóm lại, về lý thuyết , trái ngược với lập luận của Luttwak, Trung Quốc có thể tránh được một phản ứng ngoại giao đầy đủ chừng nào nước này còn chi phối khía cạnh kinh tế - lợi ích cốt lõi của các nhà nước và dân tộc trên khắp châu Á. Chừng nào Trung Quốc còn giữ vị thế là đối tác thương mại then chốt và là nguồn đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược như dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng, thì Bắc Kinh sẽ còn duy trì được ảnh hưởng đáng kể với các nước láng giềng của mình.
Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải đưa ra những lựa chọn thay thế cho khu vực này như nhà lãnh đạo quá cố của Singapore đã nhận ra. Với tư cách là động cơ truyền thống cho công nghiệp hóa ở châu Á, Nhật Bản, dưới thời Chính quyền Abe, đã tìm cách thách thức bá quyền kinh tế của Trung Quốc bằng cách tăng cường các khoản đầu tư của Tokyo trên khắp châu Á, cam kết đem lại tới 20 tỷ USD dưới hình thức cho vay và viện trợ cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tới 35 tỷ USD cho Ấn Độ, và tới 110 tỷ USD cho việc phát triển cơ sở hạ tầng của châu Á. Nhưng còn Mỹ thì sao?
Trọng tâm của chính sách xoay trục sang châu Á của Chính quyền Obama là thỏa thuận TPP, thỏa thuận không bao gồm Trung Quốc nhưng lại bao gồm một số nền kinh tế lớn nhất và hứa hẹn nhất trên khắp Vành đai Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán xung quanh TPP đã gặp trục trặc do những trở ngại và bất đồng ở trong nước, cũng như trong số các đối tác thương mại. Ở trong nước, khá mỉa mai là ông Obama được “cứu vớt” vào phút chót bởi những lá phiếu của đảng Cộng hòa, trao cho ông Quyền xúc tiến thương mại (TPA) nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán. Nhiều đảng viên đảng Dân chủ đã phản đối gay gắt TPP với lý do rằng nó sẽ gây tổn hại đến lực lượng lao động trong nước.
Tuy nhiên, thách thức lớn hơn là mối quan ngại trong số nhiều đối tác đàm phán, đặc biệt là các nước đang phát triển ở châu Á, về các điều khoản mà dường như ủng hộ những lợi ích doanh nghiệp (của Mỹ) nhưng gây tổn hại đến chính sách công nghiệp trong nước và phúc lợi chung của người tiêu dùng. Vì vậy, quan trọng là Chính quyền Obama phải có những điều chỉnh cần thiết để giành được sự ủng hộ của các quốc gia khác tham gia đàm phán.
Không chỉ là thương mại tự do, điều này có liên quan đến việc định hình nền tảng cho trật tự châu Á. Việc Washington xử lý các cuộc đàm phán TPP như thế nào sẽ là trọng tâm cho thành công của chính sách xoay trục sang châu Á và những nỗ lực đang diễn ra nhằm kiềm chế ưu thế vượt trội của Trung Quốc về kinh tế ở châu Á. Nếu Mỹ vẫn muốn là chiếc mỏ neo đem đến sự ổn định ở châu Á, thì nước này cũng sẽ phải (một lần nữa) trở thành bên tham gia có sức ảnh hưởng lớn về kinh tế./.
Theo “National Interest”
Mỹ Anh (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét