Cuộc thương thuyết giữa các Bộ trưởng Thương mại của 12 nước TPP đang diễn ra tại quần đảo Hawaii (Mỹ) trong 4 ngày, bắt đầu từ 28/7 được nhận định là vòng “chốt hạ” các vấn đề còn tồn đọng trong đàm phán TPP.
Trong bản tuyên bố chung mà VCCI cùng các Phòng Thương mại 12 nước TPP gồm: Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru, và Mỹ đã ghi rõ: “Chúng tôi mong muốn có được bản thỏa thuận cuối cùng, hy vọng và mong đợi các nhà đàm phán đảm bảo thỏa thuận sẽ có tiêu chuẩn cao và toàn diện. Sau khi đạt được mục tiêu này, các Phòng Thương mại của chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ để đảm bảo thỏa thuận cuối cùng được chấp thuận và thực hiện đầy đủ”.
“Thiên thời, địa lợi”
Như vậy, rõ ràng việc đàm phán ở Hawaii để sớm đi đến việc ký kết TPP gần như chỉ còn là thủ tục cho dù nó vẫn được giới chức các nước cho rằng các vấn đề cuối cùng cũng không hề dễ dàng. Thế nhưng, chính sự ủng hộ của các bên trong đó có các Phòng Thương mại đại diện cho cộng đồng DN 12 nước TPP, những người được xem là có quyền lợi và nghĩa vụ trực tiếp tới nội dung các cuộc đàm phán đã cho thấy gần như không còn bất kỳ rào cản nào để dẫn đến kết thúc đàm phán TPP lần này và việc các Bộ trưởng sẽ nâng ly chúc mừng thành công đang đến rất gần.
Mặt khác, vòng đàm phán mới này diễn ra trong bối cảnh lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ sau khi “nâng lên, đặt xuống” cân nhắc cuối cùng đã quyết định trao quyền đàm phán nhanh TPA cho Tổng thống Barack Obama hồi tháng 6. Và như vậy, những khúc mắc chỉ còn ở trên bàn đàm phán, đây là một yếu tố rất thuận lợi.
Tất nhiên, để đi đến việc ký kết TPP vẫn còn một số thủ tục khác, trong đó có việc sau khi các Bộ trưởng thông qua việc kết thúc các cuộc thương thuyết, nó vẫn sẽ phải đi qua quá trình phê chuẩn ở mỗi nước, bao gồm cả ở Thượng viện Mỹ. Nhưng nên nhớ rằng, đó chỉ là vấn đề thủ tục.
Ngay trước cuộc thương thuyết được đánh giá là sẽ “chốt” lại các vấn đề, lãnh đạo các nước TPP đều hối thúc các nhà đàm phán cần nỗ lự vượt qua các trở ngại để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, tối đa hóa các lợi ích quốc gia. Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã gọi vòng đàm phán này là “không hề dễ dàng” và khẳng định, TPP không chỉ mang lại sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà còn đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược Abe Economics của ông.
Sự linh hoạt là yếu tố quyết định
Các Phòng Thương mại quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng ra tuyên bố chung hoan nghênh nỗ lực của các bên nhằm kết thúc đàm phán TPP tại Kỳ họp của các Bộ trưởng lần này.
Mặc dù đánh giá TPP là một “cuộc thương thuyết phức tạp” nhưng ông Morrison, chủ tịch của Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, nói rằng có “rất nhiều ý chí chính trị” ở nhiều quốc gia đang thúc đẩy một thỏa thuận. Điều này cũng được giới phân tích nhận định, TPP không chỉ mở rộng hoạt động thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực Thái Bình Dương, mà còn nhắm vào mục đích chính trị, cụ thể ở đây là hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong giao thương thương mại toàn cầu.
Giới phân tích cũng cảnh báo một số quốc gia đàm phán TPP quá cứng nhắc và không vì lợi ích chung có thể sẽ dẫn đến việc kéo dài thời gian đàm phán TPP. Thậm chí có thể TPP sẽ phải để một số nước ra ngoài. Chẳng hạn, các nhà lập pháp Malaysia chưa hoàn toàn nhất trí với các điều khoản TPP, hay như câu chuyện Canada bằng mọi cách để bảo hộ thị trường nông sản, chăn nuôi bò sữa, gia cầm… của mình.
Thậm chí có tin giới lập pháp Mỹ có vẻ như đã không còn kiên nhẫn khi gây sức ép để chính quyền Mỹ bỏ Canada lại phía sau các cuộc đàm phán… Ngay bản thân Washington và Tokyo vẫn còn những khúc mắc về vấn đề phụ tùng ô tô và gạo… Hay việc một số nhà tranh đấu bảo vệ môi trường và công đoàn ở Mỹ vẫn chỉ trích TPP với lý do TPP làm được quá ít để bảo vệ quyền con người, môi trường cũng như vấn đề việc làm ở Mỹ cũng được xem là những “rào cản” khiến tiến trình đàm phán TPP bị chậm lại.
Tuy rằng vẫn còn một số vấn đề mang tính kỹ thuật giữa một số nước trong TPP, nhưng rõ ràng đây chỉ là số ít bởi đa số các nước đàm phán TPP đều đã tìm được tiếng nói chung. Cần nhắc lại là trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào, nếu không biết “cho đi” thì sẽ không thể “nhận lại”. Vì vậy, một sự mềm dẻo và “biết người, biết ta” của các Bộ trưởng trong vòng đàm phán sẽ là nhân tố quyết định cho sự thành công của vòng đàm phán quyết định này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét