Tàu chống ngầm Đô đốc Pantelev, thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga, đã cập cảng Đà Nẵng sáng 31/7 để bắt đầu chuyến thăm ba ngày, theo truyền thông trong nước.
Đội tàu bao gồm 482 sỹ quan và thủy thủ, dưới sự chỉ hủy của Đại tá A.V Potapov, báo Thanh Niên đưa tin.
Đây là tàu chiến hiện đại của hải quân Nga, hạng Udaloy, có chức năng săn tàu ngầm, trang bị nhiều vũ khí hạng nặng như ngư lôi, tên lửa, trực thăng.
Chiến hạm này được sản xuất vào năm 1987 và hoạt động trong phiên chế hạm đội Thái Bình Dương từ năm 1999.
Cùng đi với tàu Đô đốc Pantelev còn có tàu kéo SB-522 và tàu chở dầu Penchega, báo này cho biết thêm.
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, trong thời gian giao lưu tại Đà Nẵng từ 31/7 đến 2/8, chỉ huy đội tàu sẽ đến chào xã giao lãnh đạo UBND TP, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
Các sỹ quan, thủy thủ của đội tàu cũng đặt vòng hoa tại một đài tưởng niệm ở TP Đà Nẵng và tham quan danh lam thắng cảnh tại đây, Tuổi Trẻ cho biết thêm.
Tàu Đô đốc Pantelev cũng đã từng đến thăm Đà Nẵng trong các năm 2009 và 2011.
Hợp đồng vũ khí
Các hoạt động giao lưu với tàu hải quân Nga là một phần trong quan hệ về quân sự giữa hai nhà nước Việt Nam và Nga.
Hồi đầu tháng này, tàu ngầm HQ-185 Khánh Hòa, tàu ngầm lớp Kilo thứ tư trong số 6 chiếc mà Việt Nam đặt Nga đóng theo hợp đồng ký cuối năm 2009, đã được giao cho phía Việt Nam.
Trước đó, ba tàu ngầm HQ-182 Hà Nội và HQ-183 TP.HCM và HQ-184 Hải Phòng cũng đã được bàn giao từ năm 2013 đến năm 2014.
Hai tàu còn lại sẽ mang tên Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Các tàu ngầm Việt Nam mua từ Nga là các tàu ngầm Dự án 636 lớp Varshavyanka, được xây dựng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi ở St Petersburg.
Hồi tháng Tư, hãng thông tấn Reuters dẫn thông tin trên trang web của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Việt Nam đã đặt mua phiên bản dùng để tấn công đất liền của loại tên lửa Klub (Klub-S), do Nga chế tạo.
Theo trang Strategy Page, Nga đã cung cấp cho Việt Nam 50 tổ hợp tên lửa Klub để trang bị cho 6 tàu ngầm Kilo.
Dù tên lửa đối hạm có thể được sử dụng để tấn công bất cứ chiến hạm hay tàu ngầm nào của Trung Quốc ở Biển Đông, các vũ khí tấn công đất liền có khả năng nhắm chính xác vào các mục tiêu trong cự ly 300km.
Điều này sẽ khiến nhiều thành phố ven biển của Trung Quốc trở thành mục tiêu tiềm năng trong bất cứ xung đột nào.
Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên trang bị tên lửa tấn công đất liền cho tàu ngầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét