Pages

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Có phải sự sụp đổ của Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã được sắp đặt? (Phần 1)

Một nhà đầu tư quan sát thị trường chứng khoán vào ngày 7/7/2015 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh: ChinaFotoPress/ Getty Images)
Một nhà đầu tư quan sát thị trường chứng khoán vào ngày 7/7/2015 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh: ChinaFotoPress/ Getty Images)

Ngày 1/7, khi hơn 200 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Dịch vụ Mỏ Dầu Sinopec bị bán tháo trên thị trường, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh tới biên độ tối đa 10% trong phiên ngày hôm đó, ông Zhu, một nhà đầu tư ở Toronto, đã cảm thấy có điều gì đó khả nghi.

 Diễn biến thị trường lặp lại vào ngày hôm sau: một lượng lớn cổ phiếu của một Tổng công ty nhà nước bị bán ra (bản thân Sinopec là một trong các tập đoàn nhà nước lớn nhất Trung Quốc), khiến thị trường giảm với biên độ 10%, mức tối đa mà cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cho phép.

Đáng lưu ý là mô hình giảm điểm này là đảo ngược chiều với tuần trước khi giá cổ phiếu giảm sâu: khối lượng giao dịch lớn, dẫn dắt giá tăng đạt đỉnh rồi lao dốc.

“Quan điểm rằng có điều gì đó giả tạo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, liên quan tới chính trị và được mưu tính, thì đến giờ không còn gây nhiều tranh cãi nữa.”

Điều tương tự đã xảy ra với hàng nghìn cổ phiếu – cả các cổ phiếu nhỏ lẫn cổ phiếu lớn – trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu từ cuối tháng 6. Cơn biên động này đã đánh bay lượng vốn hóa thị trường lớn chưa từng có trong lịch sử chứng khoán – 3,5 nghìn tỷ USD chỉ trong vài tuần.

Trong tất cả việc này, ông Zhu, người đã tham gia thị trường trong 25 năm qua, nhận thấy bóng dáng của một âm mưu. “Sự sụp đổ đầy kịch tính này, về cả tốc độ lẫn quy mô, khi không có một cú sốc nào từ bên ngoài tác động – khiến cho sự suy giảm nhanh và lớn như vậy – đã cho thấy đây không phải là những biến động bình thường của thị trường”, ông viết trong thư điện tử. “Thật dễ dàng để nhận thấy rằng các cổ phiếu bị kiểm soát và thao túng, và chúng lao dốc xuống hàng ngàn dặm bất chấp hoàn toàn những nỗ lực to lớn của chính phủ nhằm ngăn đà sụt giảm”.

Ông nói thêm: “Vấn đề là ai đang là người thao túng các thị trường chứng khoán, việc đó được cấp tài chính như thế nào, rất khó để nói rõ… Rõ ràng họ không làm vậy để kiếm tiền, họ thậm chí còn chẳng buồn quan tâm đến việc bảo toàn vốn của chính mình. Vậy thì đó là vì gì?”

“Có người đang thao túng các thị trường chứng khoán, việc đó được cấp tài chính như thế nào, rất khó để nói rõ… Nhưng rõ ràng họ không làm vậy để kiếm tiền…”
— Ông Zhu, một nhà đầu tư ở Toronto

Ông Zhu đã cung cấp 20 mã cổ phiếu khác mà ông nghi ngờ là có gian lận. Nhiều trong số đó có biểu hiện y hệt như vậy, tức là được gom mua với khối lượng lớn và bán ra trong thời gian ngắn. Thế nhưng, liệu việc kích giá và lao dốc của cổ phiếu Sinopec có phải là một vụ được sắp đặt hay không – điều này khó có thể nói được.

Nhưng quan điểm rằng có điều gì đó giả tạo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, liên quan tới chính trị và được mưu tính, thì đến giờ không còn gây nhiều tranh cãi nữa.

Quan sát chính những công ty này, ông Jon Carnes, một nhà đầu cơ nổi tiếng chuyên đầu cơ vào các công ty Trung Quốc mà ông đã công khai cáo buộc có gian lận, cũng tin rằng chính trị đứng đằng sau những biến động của thị trường, mặc dù không phải theo kiểu mà ông Zhu nói.

“Điểm mà ông Zhu cho là có âm mưu và thao túng, tôi thấy đó là sự thất bại của việc điều tiết”, ông Carnes cho biết khi nói về lệnh tạm dừng giao dịch cổ phiếu được tung ra sau một sự sụt giảm 10% giá trong ngày.

“Sự hạn chế này, theo định nghĩa, đã triệt tiêu tất cả tính thanh khoản của thị trường và tạo nền tảng cho một sự hoảng loạn. Trong một thị trường giảm điểm, ai biết được điều gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau?”

Ông Carnes kết luận: “Hãy để thị trường được giao dịch tự do và tính thanh khoản sẽ tăng lên, do đó sẽ ít nguy cơ bị thao túng hơn”.

Tuy vậy, sự thao túng thị trường bởi những âm mưu chính trị, và sự đa dạng của các hình thức can thiệp chính trị vào hoạt động của thị trường, đã là một nét đặc trưng của thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ khi nó bắt đầu hoạt động.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc là công cụ chính trị

Khi thị trường chứng khoán Thượng Hải mở cửa vào cuối năm 1990, nó có hai mục đích, cả hai đều là chính trị. Một là kiềm tỏa và kết nạp các thị trường vốn của địa phương và của tư nhân, đã nổi lên ở Trung Quốc trong những năm 1980 khi các nhà doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm nguồn vốn đang khan hiếm cho hoạt động của mình. Và điều thứ hai, là mang lại chút ít hiệu quả và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại cho các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, đang đại diện cho hàng tỷ đồng tiền vốn chưa được khai thác. Tất nhiên, các quan chức và các thành viên của tầng lớp thượng lưu cũng có thể tham gia thông qua việc tư hữu hóa các tài sản công một cách không minh bạch.

Cả hai mục đích đều đạt được – và trong suốt cả quá trình, các thị trường chứng khoán Trung Quốc hoạt động dưới sự định hướng không thay đổi của các nhà thống kê: từ lúc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước SOE trong suốt những năm 1990, cho đến lúc làm công cụ phục vụ việc tái cơ cấu vốn các doanh nghiệp nhà nước trong những năm 2000, và cuối cùng, trong vòng 18 tháng qua, nó đã hoạt động để hấp thụ lượng vốn dư thừa để hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản vốn đã quá nóng.

Cũng chính những động lực đó – khi thị trường chứng khoán phục vụ như một công cụ chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ ) – đã được dùng trong suốt làn sóng đầu cơ chứng khoán gần đây, có khả năng là trong chính cả vụ sụp đổ của thị trường, và thậm chí là trong các hoạt động giải cứu theo sau đó.

Kết quả là đó không phải là một thị trường chứng khoán theo bất kỳ cách nào mà chúng ta quen thuộc – tức là một phương tiện giúp phân bổ vốn có hiệu quả – mà lại là một công cụ chính trị cho ĐCSTQ.

(Còn tiếp phần 2)

(Đại Kỷ Nguyên VN)

Không có nhận xét nào: