Hình ảnh do máy bay trinh sát Mỹ P-8A chụp được ngày 21/05 cho thấy nhiều tàu hút cát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đảo Vành Khăn.REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters/Files |
Trong một bài viết đề ngày hôm nay, 29/07/2015, đăng trên website của tạp chí Mỹ The National Interest, Tiến sĩ Patrick M. Cronin, chuyên gia cao cấp về An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (New American Security Center) đã không ngần ngại hiến kế cho chính quyền Mỹ, đề ra « 10 cách thức giúp Mỹ xử lý thách thức Biển Đông » (10 ways for America to Deal with the South China Sea Challenge).
Trong số 10 cách thức này, có những đề xuất đã từng được đưa ra, như thường xuyên nhắc lại những nguyên tắc bất di bất dịch về việc phải tôn trọng luật quốc tế, duy trì quyền tự do hàng không và hàng hải, tăng cường quan hệ với khối ASEAN, giúp đỡ cụ thể các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông…
Độc đáo nhất, và ít được nói đến nhất tuy nhiên là loạt biện pháp cụ thể mà theo chuyên gia Cronin, Mỹ có thể sử dụng ngay tại Biển Đông trong trường hợp Trung Quốc có các hành động cụ thể bị coi là sai trái.
Trong đề nghị thứ chín của mình, tác giả đã khuyến cáo chính quyền Mỹ nêu rõ những hành vi của Trung Quốc sẽ bị coi là đáng phản đối và sẽ bị Hoa Kỳ phối hợp cùng nước khác chống lại bằng những biện pháp gọi là « buộc Bắc Kinh phải trả giá đắt », tiếng Anh gọi là cost-imposition measures.
Danh sách các hành vi kể trên cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nhưng theo chuyên gia Cronin, sau đây là những kiểu hành động sai trái mà Trung Quốc đã và có thể sẽ tiếp tục thực hiện tại Biển Đông:
Trước hết là các hành vi nhằm vào các thực thể đang do nước khác kiểm soát, đi từ việc (1) phong tỏa, như đã từng xẩy ra với Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đang có lính Philippines trấn giữ, (2) đánh chiếm như đối với phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và Đá Gạc Ma ở Trường Sa vào năm 1988, cả hai đều nằm trong tay Việt Nam, cho đến việc (3) chiếm giữ trong thực tế các thực thể không có người ở bằng cách xua đuổi ngư dân, tàu thuyền của nước khác, như trường hợp bãi cạn Scarborough của Philippines.
Loạt hành vi sai trái thứ hai cần chống lại là việc tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể không phải là đảo, tức là các bãi cạn hay bãi ngầm, như trong trường hợp Đá Vành Khăn, hay Đá Subi, cũng như đòi hỏi quá đáng về lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế từ những đường cơ sở không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và việc tuyên bố chủ quyền quá mức so với quy định của luật pháp quốc tế về phân định biển, như yêu sách về vùng biển bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc hiện nay.
Loạt hành vi thứ ba cần phản đối là việc tuyên bố những vùng cảnh báo quân sự giả hiệu, như Trung Quốc đã từng làm với giàn khoan HD-981 hay nhân vụ phi cơ tuần thám Mỹ P-8 Poseidon mới đây, và thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển đảo đang tranh chấp.
Đối với chuyên gia Cronin, sau khi liệt kê các hành động sai trái mà cần phải chống lại, Hoa Kỳ cũng phải nêu rõ các biện pháp đối phó để đối phương thấy rõ cái giá mà họ sẽ phải trả khi làm quấy.
Trong số các đối sách, chuyên gia Mỹ đề nghị tăng cường các phi vụ tuần tra biển đa quốc gia tương tự như việc chiếc P-8 của Mỹ từng làm để nhấn mạnh trên những gì được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho phép.
Cũng như vậy, nếu một nước nói là xây dựng đảo nhân tạo cho mục đích quân sự trong vùng biển tranh chấp và sau đó cho biết là nó có thể được sử dụng để hỗ trợ nhân đạo, sau đó khi xẩy ra thiên tai trong khu vực, Mỹ có thể kiểm tra đề nghị đó bằng cách cho một máy bay dân sự hạ cánh trên phi đạo mới đó.
Sau cùng, tiến sĩ Cronin nhắc lại một đề xuất từng đưa ra đối với việc Trung Quốc ngăn không cho Philippines tiếp tế cho đơn vị thủy quân lục chiến trên chiếc tàu hải quân BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. Theo ông, Mỹ nên không chỉ lo việc tiếp tế, mà cũng có thể xem xét việc triển khai một vài linh thủy quân lục chiến của mình trên tàu, trong khuôn khổ chương trình huấn luyện cho lính Philippines.
Tóm lại, cần phải cho Trung Quốc thấy rõ đâu là điểm mà Mỹ có thể hay không thể chấp nhận./Trọng Nghĩa (RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét