Pages
Trang Chính
Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015
Mỹ "hớ hênh" để lộ chiến thuật quân sự cho Trung Quốc?
Bất đồng trên Biển Đông không ngăn cản quân đội Mỹ - Trung tổ chức hàng loạt cuộc tập trận chung với tần suất nhiều nhất từ trước tới nay. Song Mỹ cũng đã để lộ nhiều bí mật quân sự cho Trung Quốc.
Trung Quốc từng được mời tham gia cuộc tập trận hàng hải quốc tế có quy mô lớn nhất thế giới mang tên RIMPAC 2014 do Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chỉ huy.
Cuộc tập trận này là cơ hội lớn để Trung Quốc học hỏi về chiến thuật, kỹ thuật tham chiến của quân đội Mỹ.
Bài bình luận đăng trên Reuters của ông Bill Johnson, cựu Cố vấn chính trị cấp cao tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ giai đoạn năm 2009 - 2011 nhận định ngay cả khi Washington mời Bắc Kinh tham gia các cuộc tập trận quân sự có quy mô hiện đại nhất và lớn nhất, giới lãnh đạo quân đội Mỹ vẫn lo ngại về khả năng xung đột giữa Mỹ - Trung sẽ bùng nổ trên Biển Đông.
Lực lượng tác chiến đặc biệt Trung Quốc trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường Hải Khẩu.
Mới đây một tướng cấp cao thuộc lực lượng Hải quân Mỹ đã tham gia chuyến bay trinh sát trên Biển Đông.
Điều đó cho thấy, cùng một lúc, Mỹ vừa lo chuẩn bị cho nguy cơ bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc, vừa huấn luyện các lực lượng quân sự Trung Quốc theo cách chiến đấu của quân đội Mỹ.
RIMPAC mới chỉ là một trong số nhiều cơ hội các lực lượng quân sự Mỹ huấn luyện cho quân đội Trung Quốc.
Bởi Trung Quốc từng tham gia các chiến dịch chống hải tặc do Mỹ dẫn đầu ở Ấn Độ Dương kể từ năm 2008.
Ban đầu, do bất đồng ngôn ngữ và không quen với chiến thuật tác chiến của Mỹ cùng các đồng minh, Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ tuần tra một khu vực riêng.
Song trong vòng 7 năm qua, việc Washington - Bắc Kinh đẩy mạnh hợp tác quân sự đã giúp các tàu Trung Quốc có cơ hội tập trận chung với đội tàu của Mỹ ở Ấn Độ Dương vào năm 2013 và 2014.
Chính mối quan hệ này đã tạo cơ hội cho quân đội Trung Quốc học hỏi chiến thuật, kỹ thuật tác chiến chống hải tặc của Mỹ, đặc biệt là cách hỗ trợ các tàu khi được triển khai thực hiện nhiệm vụ xa bờ trong khoảng thời gian dài.
Thậm chí, Trung Quốc còn học được các thực hiện các chuyến thăm cảng nước ngoài cũng như lựa chọn những con tàu phù hợp đảm bảo hiệu quả hoạt động và tương tác với các thủy thủ.
Từ kinh nghiệm của Hải quân Mỹ, Trung Quốc đã cho cho phép thủy thủ liên lạc với gia đình ở đất liền.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có cơ hội học tập các phương pháp tiêu hủy vũ khí hóa học của Mỹ khi hỗ trợ Hải quân Mỹ tiêu hủy số vũ khí hóa học của Syria.
Đặc biệt, Trung Quốc cho triển khai cả đội tàu ngầm hộ tống các tàu chiến khi tham gia sứ mạng chống hải tặc, nhằm tăng khả năng bảo vệ.
Về phần mình, Mỹ đã tiến hành theo dõi sát sao mọi động thái của các tàu ngầm Trung Quốc dù đang trong quá trình tập trận chung.
Nhưng ngay cả khi biết bị Mỹ theo dõi trong các cuộc tập trận quốc tế, Trung Quốc vẫn cố tình triển khai tàu ngầm để nghiên cứu chiến thuật chống ngầm của Mỹ ở đảo Diego Garcia, phía nam Ấn Độ cũng như các lực lượng của Mỹ và đồng minh ở vịnh Aden.
Ngoài ra, các tàu chiến Trung Quốc cũng thường xuyên ghé thăm Cộng hòa Djibouti, một quốc gia ở Sừng châu Phi. Đây là nơi Mỹ triển khai lực lượng chuyên chống các các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Ở Djibouti, quân đội Trung Quốc học được cách thức bố trí lực lượng đặc nhiệm và phương thức hoạt động của quân đội Mỹ.
Nhờ việc tham gia các chiến dịch chống hải tặc, Trung Quốc đã biết cách sử dụng hệ thống thông tin liên lạc MERCURY của Liên minh châu Âu (EU), giúp các lực lượng hải quân chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực về vị trí tàu đang bị theo dõi đồng thời tiến hành trao đổi thông tin giữa các tàu.
Mạng lưỡi viễn thông này còn giúp Trung Quốc hiểu chính xác làm cách nào mà các đồng minh NATO phối hợp với nhau từ khâu lên kế hoạch cho đến thực hiện nếu không may xảy ra hải chiến.
Quân nhân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2014.
Theo ông Johnson, quan hệ hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và Trung Quốc còn vượt ra khỏi khuôn khổ RIMPAC và chiến dịch chống hải tặc.
Hồi tháng 2/2015, 29 sĩ quan hải quân Trung Quốc đã đến Mỹ thăm học viện Hải quân, Trường Chiến tranh Hải quân và Trường Sĩ quan Hải quân cũng như tham gia khóa huấn luyện khả năng ngăn chặn căng thẳng leo thang dẫn tới xung đột giữa quân đội các nước trên biển.
Với mục đích giảm thiểu việc thiếu thông tin liên lạc, khóa huấn luyện này đã cho phép Trung Quốc biết chính xác một tàu chiến Mỹ sẽ phản ứng ra sao khi gặp phải tình huống bất ngờ đối đầu với một tàu nước ngoài.
Quan hệ hợp tác quân sự Mỹ – Trung là vấn đề gây tranh cãi lâu nay trong giới lãnh đạo quân sự và chính trị Mỹ.
Đô đốc nghỉ hưu James Lyons từng chia sẻ: “Có một sự sai lầm trong trọng tâm chính sách của chính quyền Tổng thống Obama và Lầu Năm Góc đối với Trung Quốc”.
Ông Johnson cho biết ông không đồng thuận với chính sách mà chính quyền Tổng thống Obama đang thi hành với Trung Quốc.
Thay vào đó, ông ủng hộ chính sách “ngoại giao tập trận” được cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice nêu.
Bởi theo ông Johnson, nếu Washington dung cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc trong những vấn đề liên quan tới Biển Đông, Mỹ sẽ không có lợi.
Do đó, Mỹ nên giảm bớt những lời chỉ trích công khai với Trung Quốc và tránh xa các hành động khiêu khích quân sự.
Nói cách khác, Mỹ nên bảo toàn những chiến thuật và kỹ thuật tác chiến bí mật cũng như để các tranh chấp trên Biển Đông được giải quyết bằng con đường ngoại giao, ông Johnson nhấn mạnh./Minh Thu (Infonet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bài đăng Mới hơn
Bài đăng Cũ hơn
Trang chủ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét