Nghiêm túc mà nói, vì lợi ích chiến lược của mình ở Châu Á Thái Bình Dương, từ lâu Hoa Kỳ đã có những thay đổi trong cái nhìn cũng như đã thể hiện sự “tôn trọng” nhất định đối với Việt Nam; Hoa Kỳ đã từng nhiều lần tạo điều kiện và cho Việt Nam cơ hội nhưng Việt Nam có hiểu và có tận dụng được đâu. Hãy thử lại nghĩ mà xem, nếu không “tôn trọng”, không cho Việt Nam cơ hội thì Hoa Kỳ dưới thời tổng Bill Clinton có đồng ý bình thường hóa quan hệ và dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam hay không? Và liên tiếp sau đó là mời hàng loạt các quan chức cấp cao của Việt Nam như: Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang trong các năm 2005, 2007, 2008 và 2013 sang Nhà trắng để “nói chuyện”?
1. Trước hết phải nói thật là với tôi, chuyến công du của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ lần này không có gì “ghê gớm” lắm đến mức làm nhiều người phải “đao to búa lớn” trong nhận định. Ai đó cho rằng chuyến đi này của ông Trọng sẽ tạo ra “bước ngoặt mang tính lịch sử” cho cả hai nước đặc biệt là với Việt Nam nhưng với cá nhân tôi, dù không bi quan nhưng thật lòng tôi hoàn toàn không tin và cũng không có sự kỳ vọng ấy. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không có chút niềm tin hay ước mơ gì từ chuyến đi này của ông Trọng. Thật ra, tôi cũng có một niềm tin (dù rằng rất mong manh); cũng có một kỳ vọng, một ước mơ nho nhỏ. Trước khi nói về vấn đề này xin được phép trình bày lý do vì sao tôi lại nói không tin chuyến công du của ông Trọng lần này sẽ mở ra “bước ngoặt lịch sử” cho đất nước và dân tộc Việt Nam chúng ta hôm nay.
Lý do thứ nhất: Có thể thấy, truyền thông nước nhà (nhất là phía chính thống) trước chuyến công du của ông Trọng có vẻ do phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho bộ máy Nhà nước nên đã cố ý xoáy sâu và nhấn mạnh vào chi tiết lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao, Hoa Kỳ đã đồng ý và chấp nhận tiếp đón một quan chức đứng đầu một tổ chức chính trị (lại là Đảng cộng sản) với nghi thức cao nhất tại Nhà trắng. Từ đó “tự sướng” và cho rằng điều này chứng tỏ Hoa Kỳ đã thực sự “tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam”.
Thực ra, về mặt lý thuyết mà nói thì đúng là như vậy, đúng là Hoa Kỳ đã có cái nhìn “tôn trọng” Việt Nam so với 20 năm trước đây khi hai nước chưa bình thường hóa mối quan hệ. Tuy vậy, theo tôi, vấn đề quan trọng ở đây là ở chiều ngược lại và trên thực tế thì Việt Nam có biết tận dụng cơ hội khi nhận được sự “tôn trọng” từ phía Hoa Kỳ hay không? Đây mới thực sự là mấu chốt và bản chất của vấn đề, từ đó làm cơ ở bàn chuyện chuyến đi này của ông Trọng có tạo ra một“bước ngoặt lịch sử” hay vẫn là một sự “giẫm chân tại chỗ” thậm chí “nói vậy chứ không phải vậy” từ cả hai phía?
Nghiêm túc mà nói, vì lợi ích chiến lược của mình ở Châu Á Thái Bình Dương, từ lâu Hoa Kỳ đã có những thay đổi trong cái nhìn cũng như đã thể hiện sự “tôn trọng” nhất định đối với Việt Nam; Hoa Kỳ đã từng nhiều lần tạo điều kiện và cho Việt Nam cơ hội nhưng Việt Nam có hiểu và có tận dụng được đâu. Hãy thử lại nghĩ mà xem, nếu không “tôn trọng”, không cho Việt Nam cơ hội thì Hoa Kỳ dưới thời tổng Bill Clinton có đồng ý bình thường hóa quan hệ và dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam hay không? Và liên tiếp sau đó là mời hàng loạt các quan chức cấp cao của Việt Nam như: Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang trong các năm 2005, 2007, 2008 và 2013 sang Nhà trắng để “nói chuyện”?
Lý do thứ hai: Tuy bây giờ ông Trọng sang thăm Mỹ với tư cách là người đứng đầu ĐCS Việt Nam nhưng mọi người cần nên nhớ một điều, ở Việt Nam lâu nay mọi vấn đề dù lớn hay nhỏ của đất nước đều được quyết định bởi một “tập thể lãnh đạo” với tên gọi là “Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam” (gọi tắt là “Bộ chính trị”). Mà Bộ chính trị này bao gồm những ai? Xin thưa hiện nay, ngoài ông Trọng thì còn có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng mười mấy vị khác nữa. Cho nên, nhìn bề ngoài ông Trọng sang thăm Hoa Kỳ lần này tuy là với tư cách là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam nhưng thực chất ông cũng chỉ là người đại diện cho Bộ chính trị giống như các vị lãnh đạo trước đây từng sang thăm Hoa Kỳ mà thôi. Chắc chắn một điều, để có được chuyến đi chính thức hôm nay, thời gian qua những người trong Bộ chính trị đã họp bàn và chuẩn bị mọi vấn đề “đâu vào đó” hết cả rồi và ông Tổng Bí Thư chắc chắn cũng chỉ được phép nói, được phép trao đổi trong khuôn khổ những vấn đề đã chuẩn bị ấy.
Trước khi chính thức đặt chân lên xứ sở của Nữ Thần Tự Do, ông Tổng Bí Thư cũng nói rằng sẽ “trao đổi thẳng thắn” với Tổng thống Obama. Thế thì một câu hỏi đặt ra là như thế nào mới được gọi là “thẳng thắn” hay “thẳng thắn” tới đâu, “thẳng thắn” trong vấn đề gì, cách tiếp cận ra sao...? Cá nhân tôi cho rằng, về cơ bản sự “thẳng thắn” mà ông Trọng nói chẳng qua cũng nằm trong khuôn khổ những vấn đề mà lãnh đạo cấp cao hai nước trước đây đã từng đề cập, sẽ không có gì mới mẽ và đột phá cả.
Cho nên, theo tôi, sau chuyến đi này của ông Trọng, về cơ bản tình hình Việt Nam “đâu sẽ lại vào đấy” (giống như những chuyến công du của các lãnh đạo cấp cao trước đây) là khả năng dễ xảy ra nhất.
2. Bây giờ xin được phép nói về niềm tin mong manh cũng như sự kỳ vọng và ước mơ bình dị, nho nhỏ của cá nhân tôi về chuyến công du của ông Tổng Bí Thư.
Có thể thấy, không riêng gì lần gặp gỡ này trên đất Mỹ, lâu nay ông Trọng và những lãnh đạo Việt Nam nói chung bao giờ cũng mong muốn phía Hoa Kỳ tôn trọng “thể chế chính trị” của Việt Nam. Điều này xét trên mối quan hệ về lập trường và quan điểm chính trị của mỗi quốc gia là chính đáng. Tuy vậy và cũng từ chỗ này, nếu phải nói về một ước mơ, sự kỳ vọng gửi cho ông Trọng trong chuyến công du này thì điều đầu tiên tôi muốn nói là: ông Trọng khi sang xứ sở của Nữ Thần Tự Do hãy làm sao thể hiện mình như là một chính khách ngoại giao thực thụ bởi dù muốn dù không ông cũng đang đại diện cho cái “bộ mặt quốc gia”, bộ mặt của đất nước Việt Nam với lịch sử 4000 năm văn hiến; mong ông hãy cố gắng và nhớ là đừng quá căng thẳng, đừng quá “khuôn mẫu”, hãy cho phép bản thân mình (có thể là 1 lần duy nhất trong đời mà thôi) cái quyền được suy nghĩ, được nói, được thở, được sống, được cảm nhận cuộc sống trong bầu không khí của một xã hội tự do và văn minh bậc nhất trên thế giới. Mong ông trong lúc tiếp chuyện với các chính khách ở Hoa Kỳ hãy vận dụng và phát huy tất cả vốn liếng về văn hóa, tri thức, tầm nhìn trí tuệ, sự tự tin của người đứng đầu đất nước để 90 triệu dân Việt Nam có được vài phút giây tự hào trong khi xem chương trình thời sự lúc 19 giờ trên sóng đài truyền hình quốc gia.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng sau chuyến công du trở về ông Tổng Bí Thư sẽ báo cáo lại một cách trung thực với toàn thể nhân dân về tất cả những chuyện ông đã nói, đã “trao đổi thẳng thắn” với người đứng đầu Nhà trắng. Mong ông và “đoàn tùy tùng” hãy nói thật một lần cái cảm xúc và suy nghĩ của mình sau khi đã có những trải nghiệm tại xứ ở của “bọn tư bản giãy chết” trong cái nhìn so sánh với cái “thiên đường XHCN” ở nước ta hiện nay.
Cái thể chế chính trị, cách tổ chức bộ máy Nhà nước của Việt Nam do ông Tổng Bí Thư và những người tiền nhiệm trước đây điều khiển và cái thể chế chính trị, cách tổ chức bộ máy Nhà nước của Hoa Kỳ do Tổng thống Obama hiện nay làm đại diện đương nhiên có sự khác biệt rất lớn và rất rõ ràng, thế giới ai cũng nhìn thấy. Vì thế, một ước mơ nhỏ nhoi nữa của cá nhân tôi là mong ông Tổng Bí Thư hãy tự vấn và lý giải tại sao, vì lý do gì mà suốt 40 năm qua đất nước Việt Nam dưới dẫn dắt của các ông vẫn không thể phát triển, không thể “hóa rồng”? Tại sao Việt Nam hiện nay lại bị người “anh em”, “đồng chí”, “láng giềng hữu hảo” Trung Quốc coi thường, bắt nạt và nhất là ngày một ngang ngược, hung hăng không những xâm phạm chủ quyền mà còn uy hiếp, tấn công đồng bào ta trên Biển Đông?
Qua đây, cũng mong sao ông Tổng Bí Thư và tất cả các thành viên trong Bộ chính trị hiện nay nghiêm túc và thẳng thắn nhìn lại con đường mà các ông (cũng như các thế hệ lãnh đạo trước đây) đã lựa chọn và bắt buộc cả dân tộc này phải đi chung trong ròng rã 40 năm trời kể từ ngày thống nhất đất nước. Phải chăng đây là sự lựa chọn thể hiện sự “tài tình” và “sáng suốt”?
Nói cách khác, một cách thẳng thắn nhất, về mặt nhận thức tôi cho rằng nếu muốn “tạo ra bước ngoặt mang tính lịch sử” cho dân tộc và đất nước Việt Nam sau chuyến đi này trước hết chỉ cần ông Tổng Bí Thư và các thành viên trong Bộ chính trị phải biết tự xấu hổ với bản thân và trước nhân dân về tất cả sự lạc hậu, bảo thủ và yếu kém của mình trong tư cách là những lãnh đạo trực tiếp điều hành và quản lý đất nước thời gian qua. Đồng ý là Việt Nam và Hoa Kỳ cần thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau về thể chế chính trị. Tuy vậy, theo tôi điều quan trọng là chúng ta phải biết tự xấu hổ về sự thua sút của mình để từ đó học tập và thay đổi cho tốt hơn. Và tốt hơn không phải là vì một cá nhân hay một nhóm người nào mà là cho cả dân tộc, cả đất nước.
Nói tóm lại, dù thế nào thì cũng mong ông Tổng Bí Thư nếu thực sự nghĩ về tương lai và vận mệnh của dân tộc và đất nước (chứ không phải tương lai và vận mệnh của khoảng 4 triệu Đảng viên) cố gắng đừng bao giờ để đứt “sợi thần kinh xấu hổ”. Đây cũng là niềm tin mong manh mà bản thân tôi dành cho cá nhân ông trong chuyến công du lần này.
Cần Thơ, 6/7/2015
Theo Nguyễn Trọng Bình (Viet - studies)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét