Bên lề chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Việt Nam mong muốn sớm được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường.
Gần 40 quốc gia đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong đó có Nhật Bản và Úc. Tuy nhiên cho đến nay các nước EU và Hoa Kỳ vẫn cho là Việt Nam chưa đáp ứng các điều kiện để được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Kinh tế quốc doanh không thể là kinh tế thị trường
Tháp tùng phái đoàn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ, ông Hoàng Bình Quân Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương có bài phổ biến trên Washington Post với lời kêu gọi Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Tiếng nói đối ngoại của Trung ương Đảng biện luận rằng, nền kinh tế Việt Nam cởi mở không kém một số quốc gia Âu Châu và đối với những lĩnh vực gọi là còn vấn đề, Việt Nam vẫn đang nỗ lực để có được những cải cách cần thiết.
TS Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng nhiều năm làm việc cho Liên Hiệp Quốc từ New York nhấn mạnh tới điểm cốt lõi mà theo ông đã khiến nền kinh tế Việt Nam không thể xem là kinh tế thị trường.
“ Việt Nam ngay cả trong Hiến pháp và các văn bản quyết định khác đều coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Nếu quốc doanh chủ đạo thì có nghĩa là nó được hưởng rất nhiều ưu tiên. Cái đó là một trong 5 lý do mà người ta không chấp nhận kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Với chế độ cộng sản và với nền kinh tế họ coi là quốc doanh chủ đạo thì như vậy họ sẽ làm lợi nhất cho những người ở trong Đảng và những người cầm quyền, đặc biệt việc sử dụng đất đai…họ sẽ tạo ra những cơ sở để cho đảng viên những người liện quan đến Đảng, liên quan đến chính quyền được hưởng lợi ích và giới tư nhân khó lòng mà cạnh tranh lại những người đang nắm quyền… ”
Thông thường, 5 điều kiện để các quốc gia được công nhận là nền kinh tế thị trường bao gồm sự minh bạch trong môi trường đầu tư kinh doanh, tuân thủ pháp luật đề ra, tiền tệ ổn định, đối xử công bằng giữa các khu vực doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài và sau cùng là trong hoạt động kinh tế không có các khoản chi không chính thức.
Việt Nam ngay cả trong Hiến pháp và các văn bản quyết định khác đều coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Nếu quốc doanh chủ đạo thì có nghĩa là nó được hưởng rất nhiều ưu tiên. Cái đó là một trong 5 lý do mà người ta không chấp nhận kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường.TS Vũ Quang Việt
Trả lời chúng tôi từ Hà Nội, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét về việc các nước EU và Hoa Kỳ vẫn còn chưa nhìn nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trên thực tế. Theo ông, tiêu chuẩn về kinh tế thị trường của các nước EU và Hoa Kỳ tuy có khác biệt nhưng có thể tóm tắt:
“Tinh thần chung nó liên quan đến hoạt động phản ánh qua giá cả thị trường như thị trường đất đai, thị trường lao động, các vấn đề tỷ giá. Ngoài ra còn có câu chuyện doanh nghiệp nhà nước…Nếu nhìn tổng thể tôi cho rằng tính chất thị trường của kinh tế Việt Nam ngày một rõ hơn, rõ nhất nó thể hiện qua việc hội nhập của Việt Nam gắn với các hiệp định thương mại tự do và sắp tới có thể là Hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam – EU và TPP Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Bởi vì bản chất những hiệp định này gắn với tự do hóa rất là kinh tế thị trường. Cho nên tôi nghĩ rằng nếu EU và Hoa Kỳ nhìn nhận kinh tế thị trường Việt Nam thì nó cũng phản ánh cái giá trị cải cách ở Việt Nam và đặc biệt như tôi nói là hội nhập. Thế còn gọi là bắt bẻ trong ngoặc kép 100% kinh tế thị trường hoàn hảo thì tất nhiên người ta cũng có điều này điều kia chưa thỏa mãn. Nhưng cũng phải nói luôn là những nền kinh tế gọi là thị trường thì cũng không phải là 100% thị trường tất cả.”
Được công nhận là nền kinh tế thị trường là điều kiện thuận lợi để các quốc gia phát triển kinh tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do, gia tăng buôn bán và tránh bị xử ép khi có tranh chấp thương mại hay tranh tụng về chống bán phá giá.
Thể chế chính trị và kinh tế thị trường
Theo TS Vũ Quang Việt, sự kiện Việt Nam xác định theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là Việt Nam không thể trở thành một nền kinh tế thị trường được quốc tế nhìn nhận. Điều quan trọng theo TS Việt, nền kinh tế Việt Nam cần được cải tổ đáp ứng các tiêu chuẩn chung về kinh tế thị trường. TS Vũ Quang Việt tiếp lời:
“Tôi nghĩ là câu chữ nó vô nghĩa, vì nước nào cũng vậy họ có chính sách đối với việc bảo vệ thành lập nghiệp đoàn, bảo vệ lương tối thiểu đối với tiền hưu trí ... cho đến trợ cấp xã hội, ngay những nước tư bản đều có vấn đề như vậy hết, nếu Việt Nam có làm như vậy cũng là chuyện bình thường. Nếu Việt Nam cấm nghiệp đoàn, đây là điểm tôi chưa rõ TPP có đòi hỏi là Việt Nam mở rộng cạnh tranh các nghiệp đoàn, người ta muốn vào nghiệp đoàn nào cũng được hay người ta chỉ được vào nghiệp đoàn của nhà nước. Vấn đề Việt Nam chỉ cho phép một loại nghiệp đoàn thôi thì cũng là hình thức không kinh tế thị trường.”
Việc công nhận kinh tế thị trường Việt Nam nó không hoàn toàn, không nhắm tới việc phải thay đổi về chế độ chính trị. Nhưng điều này rất rõ, Việt Nam thẳng thắn nói rằng VN cần cải cách mạnh mẽ cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Ví dụ sự sửa đổi Hiến pháp, ví dụ cách thức đẩy mạnh vai trò và tiếng nói của Quốc hội VN…thì đấy cũng là quá trình cải cách chính trị của VN.TS Võ Trí Thành
Nếu như Việt nam cải cách tích cực và nghiêm chỉnh để được phương tây công nhận là nền kinh tế thị trường thì có ảnh hưởng hay dẫn đến thay đổi thể chế chính trị và đây có phải là một mối quan ngại hay không. TS Võ Trí Thành giải đáp câu hỏi này:
“ Việc công nhận kinh tế thị trường Việt Nam nó không hoàn toàn, không nhắm tới việc phải thay đổi về chế độ chính trị. Nhưng điều này rất rõ, Việt Nam thẳng thắn nói rằng Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Ví dụ sự sửa đổi Hiến pháp, ví dụ cách thức đẩy mạnh vai trò và tiếng nói của Quốc hội Việt Nam…thì đấy cũng là quá trình cải cách chính trị của Việt Nam. Mặc dù có thể chế độ chính trị vẫn là ổn định và giữ tư cách gọi là chế độ một đảng.”
Theo TS Võ Trí Thành, kinh tế thị trường đem lại ý nghĩa rất là cụ thể nhưng cũng có ý nghĩa hình tượng tích cực. Thí dụ việc công nhận kinh tế thị trường Việt Nam có thể làm giảm thiệt hại trong những vụ kiện chống bán phá giá, bởi vì nếu là nền kinh tế phi thị trường thì người ta có thế áp đặt một nước thứ ba để lấy giá so sánh mà có thể không công bằng, việc này đã nhiều lần xảy ra. Ngoài ra nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường thì cũng là điều thuận lợi cho Việt Nam trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Vũ Quang Việt người từng là chuyên gia Liên Hiệp Quốc về tài khoản thống kê nói rằng, nếu như Việt Nam hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP với Hoa Kỳ và với các nước thành viên khác thì sẽ rất gần với việc được công nhận là nền kinh tế thị trường. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào các điều kiện mà TPP đặt ra và kết cục là Việt Nam có đáp ứng các điều kiện đó để được hưởng lợi về ưu đãi thuế quan xuất nhập khẩu hay không
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét