Tại phòng Bầu Dục của Toà Bạch Ốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng trong tư cách là Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hệ thống chính trị Mỹ, ông Trọng không có người “tương nhiệm”.
Giáo sư Carl Thayer trong một bài phân tích trên tờ Diplomat nói rằng, "cuộc gặp giữa Tổng Thống Barack Obama và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng như là một hành động công nhận vai trò của Đảng Cộng Sản trong hệ thống chính trị Việt Nam, và sẽ dọn đường cho những chuyến công du tương tự trong tương lai".
Nhận định này của ông Thayer đúng, nhưng đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Mỹ thừa nhận vai trò của Đảng Cộng Sản trong một hệ thống chính trị khác hẳn về ý thức hệ với Mỹ.
Trước năm 1989, Mỹ đã từng có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước cựu Cộng Sản Đông Âu, Liên Xô và thừa nhận các Đảng Cộng Sản có vai trò lãnh đạo trong hệ thống đó.
Tuy nhiên, giao thương là để có cơ hội tiếp xúc gần gũi và đối thoại, nhưng song song, học thuyết làm tan rã khối Cộng Sản châu Âu là do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan chủ xướng và thực hiện.
Thực chất khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam và thiết lập trao đổi cấp đại sứ, Mỹ đã thừa nhận chế độ Cộng Sản Việt Nam. Chính Phủ Mỹ cũng đã tiếp các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam khác tại Toà Bạch Ốc như Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang.
Lần này tiếp Nguyễn Phú Trọng không nắm một cương vị nào trong nhà nước, nhưng là lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền, và là đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội theo Hiến pháp Việt Nam. Điều này cho thấy việc tiếp ông Trọng hợp lý và chẳng có gì quá quan trọng. Nhưng việc tiếp cũng xuất phát cả từ quan điểm và cách cư xử riêng của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Barack Obama là Tổng thống của nước Mỹ, nhưng trong năm 2012 ông chỉ đạt 51% số phiếu cử tri, 48% đã bầu cho ông Mitt Romney, vì cử tri xem Obama như là người có tính thiên tả. Tờ Washington Post gần đây có bài viết nói rằng, người đứng đầu Bastrop County thuộc bang Texas Albert Ellison đã viết rằng, nhiều người Texas mất niềm tin vào Tổng thống Obama, trong đó có một thực tế là "trong tâm trí của một số người, ông được nâng đỡ bởi người cộng sản và cố vấn bởi những kẻ khủng bố" (in the minds of some, he was raised by communists and mentored by terrorists). Một dòng suy nghĩ khá cực đoan về một vị tổng thống, nhưng cũng là điều chúng ta cần quan tâm để có sự nhìn nhận tổng quát.
Nói vậy thôi, chính sách đối ngoại của Mỹ thường được hoạch định dài hạn, thông qua các cơ quan nghiên cứu, các think-tank, ít nhất cũng cho 25 năm. Các vị tổng thống lên nắm quyền dù thuộc đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ, chỉ xử lý cụ thể các diễn biến nhưng tuân thủ chính sách chung.
Chiến luợc quay trục lại châu Á, đến thời Barack Obama mới thực sự rõ ràng, nhưng thực tế đã được thực hiện từ thời Tổng thống W. Bush.
Tiếp theo Tổng thống Bill Clinton đến thăm Việt Nam năm 2000, sau 5 năm bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ, năm 2006 Tổng thống W. Bush cũng đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC-14. Chính phủ của Tổng thống W. Bush cũng đã ủng hộ và hỗ trợ Việt Nanm tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO trong năm 2007. Mỹ quan hệ với Việt Nam dựa trên chính sách "xâm nhập để ảnh hưởng"mà Tổng thống W, Bush là người đưa ra.
Trong chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam có một vị thế địa chính trị quan trọng trong toàn khối Asean. Trong cuộc chơi này Mỹ tỉnh táo và thận trọng. Việt Nam vẫn là một quốc gia cộng sản, toàn trị và có xu hướng nghiêng về Trung Quốc, vừa kinh tế, vừa chính trị, là một nước có cùng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, để bảo vệ sự tồn tại. Tuy nhiên, xu hướng này đi ngược với tâm tư và ý chí dân tộc của người Việt Nam. Không người Việt Nam nào không biết dã tâm thôn tính Việt Nam của mọi triều đại Trung Quốc từ hơn hai ngàn năm nay.
Cuộc khảo sát của Pew Global Attitudes & Trends hôm 23/06/2015 cho thấy, 78 phần trăm người Việt Nam được hỏi cho biết họ có cái nhìn tích cực về nước Mỹ, tăng hai điểm phần trăm so với năm 2014, chỉ có 13 phần trăm nói ngược lại. Trong khi đó, tới 74 phần trăm có cái nhìn không thân thiện về Trung Quốc.
Chơi với Việt Nam, Mỹ nắm bắt được điều này.
Mặt khác, như giáo sư Thayer nhận định, "sự khác biệt quan diểm trong các phe phái trong nội bộ Bộ Chính Trị phức tạp hơn, không chia rõ rệt thành phe thân Trung Quốc hay phe thân Mỹ, mà sự khác biệt chủ yếu là trên sự đánh giá về cách xử lý các quan hệ với các cường quốc như thế nào để đừng phương hại tới các lợi ích của quốc gia".
Gần gũi hơn với Việt Nam trong chính sách để kìm toả ảnh hưởng và tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực này, Washington hợp tác với Hà Nội, nhưng vẫn không quên sử dụng áp lực ngoại giao để thúc đẩy Hà Nội cải thiện nhân quyền. Tuy nhiên Washington không làm quá mạnh để có thể đẩy Việt Nam vào vòng tay Trung Quốc, khiến Việt Nam có thể thành một pháo đài Cộng Sản như Bắc Triều Tiên.
Hà Nội cũng biết điều rất rõ lợi thế của mình nên không ngần ngại tiếp cận và lợi dụng Mỹ. Thị trường Mỹ đã trở nên quan trọng hàng đầu của Việt Nam với mức xuất khẩu gần 40 tỷ USD, gần bằng 20% tổng thu nhập GDP (2014). Quyền lực cứng và mềm của Mỹ là sức mạnh duy nhất cho phép ngăn chặn mọi sự hiếp đáp của Trung Quốc.
Trong cuộc chơi này, không ai đặt lòng tin hoàn toàn vào nhau, và luôn có một khoảng cách giữa hai phía.
Khi còn chế độ cộng sản, Hà Nội chắc chắn không thể trở thành đồng minh quân sự của Mỹ, nhưng ngược lại, Mỹ cũng là thế lực luôn phải cảnh giác trong con mắt của Hà Nội.
Thời Ân Hoằng, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh nói:
"Lo ngại về “sự lật đổ” của phương Tây về ý thức hệ, ít nhất là trong lòng giới đảng viên lớn tuổi và đồ đệ của họ, và nhu cầu có quan hệ kinh tế không thể thiếu với Trung Quốc, điều mà hầu như tất cả trong đảng và chính phủ Việt Nam đều thừa nhận, sẽ hạn chế mức độ hợp tác với Mỹ trong cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Hà Nội phải chơi một trò chơi, và nói chung trong mấy năm qua, Hà Nội đã chơi tốt trò chơi này".
Rõ ràng, Việt Nam đang du giây khá thành công, chơi với Mỹ nhưng nhất định không làm hỏng mối quan hệ "hữu nghị" với Trung Quốc.
Cuộc gặp gỡ Obama của Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật được cho là thân Trung Quốc, vì vậy, không mang lại một điều gì đột phá ngoài những thoả thuận giữa Mỹ với Việt Nam qua chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, nâng mối quan hệ lên "hợp tác toàn diện" và tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Mỹ- Việt mà Bộ trưởng quốc phòng Ashton Cater ký hồi tháng 6/2015. Chuyến công du chỉ có ý nghĩa tìm kiếm lòng tin và thiết lập sự tôn trọng lẫn nhau và mong muốn Mỹ cam kết không "chơi xỏ" trong ván bài này.
Về Hiệp ước Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, Barack Obama có trao đổi với Trọng, nhưng việc hoàn tất đàm phán với Việt Nam được xem như đã gần xong. Các tiêu chuẩn lao động của TPP và công nhân tự do lập hội ít nhất là ở cấp độ nhà máy, có thể được phía Mỹ châm chước, trì hoãn trong một hạn định 3-5 năm, vì "lý do kỹ thuật".
Tóm lại trong chiến lược an ninh của trục Châu Á-Thái Bình Dương, vì lợi ích của mình, Mỹ không thể không quan hệ tốt với Việt Nam, nhưng cẩn trọng. Ngược lại Việt Nam cũng tận dụng tối đa các quan hệ với Mỹ, nhưng dè chừng.
Trong bối cảnh này, dân chủ và nhân quyền không còn là vấn đề quan trọng nhất, nhưng đối với Mỹ là trách nhiệm của một cường quốc dân chủ và của các giá trị tự do mà người Mỹ tin tưởng.
Mỹ sẽ chỉ là yếu tố quan trọng thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trong cuộc chơi khó khăn này chứ chẳng phải là yếu tố chính để thay đổi hệ thống chính trị. Sự thay đổi đó thuộc về sự mong muốn thật sự và tinh thần tranh đấu của người Việt.
© Lê Diễn Đức - RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét