Bắt đầu từ ngày 1/7/2015, luật mới về sỡ hữu bất động sản ở Việt nam có hiệu lực, theo đó người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài có quyền sở hữu những căn hộ và nhà ở ở Việt nam. Đạo luật này có ảnh hưởng gì tới thị trường bất động sản Việt nam, hay có tạo nên một làn sóng người Việt trở về quê hương sinh sống hay không? Sau đây là ghi nhận của Kính Hòa những ý kiến của các chuyên gia và một số doanh nhân liên quan đến vấn đề này.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế trong nước nói rằng thị trường bất động sản ở Việt nam trong thời gian qua bị đóng băng, liên quan nhiều đến sai phạm của ngành ngân hàng cho nên:
“Vì vậy việc thu hút thêm nhu cầu có khả năng thanh toán và nguồn vốn thực vào lĩnh vực bất động sản, là một điều rất là cần thiết.”
Ngoài ra ông còn nói là sự cần thiết của những qui định mới cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt nam còn nằm ở chỗ nó tạo điều kiện ăn ở cho những người đến Việt nam làm việc sau khi Việt nam đã ký kết nhiều hiệp định hay những thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc thu hút thêm nhu cầu có khả năng thanh toán và nguồn vốn thực vào lĩnh vực bất động sản, là một điều rất là cần thiếtTiến sĩ Lê Đăng Doanh
Đánh giá về tính cởi mở của bộ luật mới trong việc đầu tư bất động sản của các công ty nước ngoài vào Việt nam, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng luật này cởi mở nhưng vẫn còn hạn chế số lượng nhà ở hay căn hộ được phép mua, hay là qui định phải ký quĩ từ các công ty bất động sản.
Việt kiều
Một số người làm môi giới bất động sản cũng mong đợi một loại khách hàng đặc biệt là những người Việt nam hiện đang định cư ở nước ngoài. Chị Bích, một người môi giới bất động sản tại Đà Nẵng cho biết là chị cũng mong đợi những người khách đó với lý do là:
“Có nhiều rồi, nhưng mà do là thủ tục không cho phép, cho nên họ không thể đứng tên sở hữu cái mảnh đất đó, và nhờ người thân đứng tên hộ. Nhưng bây giờ chính sách thoáng rồi thì có thể là người Việt kiều ở nước ngoài có thể đứng tên sở hữu cái lô đất đó luôn.”
Chị Bích nói là trước đây đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa những người trong gia đình trong việc đứng tên sở hữu nhà của người Việt ở nước ngoài.
Nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng theo ông thì tiềm năng này là vừa phải, một trong những lý do ông đưa ra là người Việt ở nước ngoài, nếu muốn về Việt nam sống thì cái họ cần nhất là một môi trường phát triển và sự an toàn pháp lý. Ông nêu một trường hợp nổi tiếng về sự thất bại của một người Việt khi về sinh sống làm ăn ở Việt nam:
“Chúng ta đã biết là đã có những vụ án như là vụ án của ông Trịnh Vĩnh Bình, trước đây đã gây xôn xao và đã dẫn đến những vụ kiện tụng, và điều đó làm không ít người Việt nam định cư ở nước ngoài đã có một thái độ tương đối dè dặt.”
Nhưng ông cũng hy vọng là những thay đổi hiện nay đang có khuynh hướng tích cực hơn.
Chúng tôi thực hiện một cuộc thăm dò nhỏ trên mạng xã hội về khả năng mua nhà tại Việt nam thì tuyệt đại đa số các phản hồi là không quan tâm đến những qui định mới về bất động sản tại Việt nam. Lý do lớn nhất là người ta không tin tưởng ở hệ thống pháp lý và chế độ chính trị tại Việt nam.
Nhiều người dự đoán là số lượng người nước ngoài và Việt kiều mua nhà sắp tới sẽ là không nhiều, lý do là người Việt kiều thì người ta đã mua nhà trước đây qua cái hệ thống thân hữu gia tộc của người ta rồi. Còn người nước ngoài cảm thấy rằng không chắc mua nhà trong nước là có lợiÔng Nguyễn Văn Đực
Trong những người được thăm dò có ông Hoàng Hùng sống ở cộng hòa Czech cho biết là giá cả ở thị trường bất động sản Việt nam là cao một cách bất hợp lý, cho nên nếu kinh doanh thì rất khó thu hồi vốn được. Ngoài ra ông Hùng cũng cho là người Việt ở nước ngoài hiện không có nhu cầu mua nhà ở. Theo ông thì những người có nhu cầu thì đã lách luật để sở hữu nhà ở Việt nam rồi.
Người nước ngoài
Ông Nguyễn Văn Đực đánh giá về tác động của những qui định mới lên thị trường bất động sản tại Việt nam:
“Nhiều người dự đoán là số lượng người nước ngoài và Việt kiều mua nhà sắp tới sẽ là không nhiều, lý do là người Việt kiều thì người ta đã mua nhà trước đây qua cái hệ thống thân hữu gia tộc của người ta rồi. Còn người nước ngoài cảm thấy rằng không chắc mua nhà trong nước là có lợi. Cho nên tôi nghĩ việc cho người nước ngoài, hay Việt kiều mua nhà nó không có tác động lớn trong thị trường bất động sản Việt nam hiện nay, và cũng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường, giá cả, cũng như vấn đề an ninh an sinh của đất nước Việt nam.”
Ông Nguyễn Văn Đực xếp hai loại khách hàng khác nhau trong lĩnh vực đầu tư bất động sản từ nước ngoài. Nhóm thứ nhất là người Việt nam ở hải ngoại có vốn ít cho nên đầu tư thì phải lấy vốn trong ngắn hạn. Ông cho là hiện nay dù tiền có đổ vào bất động sản ở Việt nam thì cũng không vực dậy được giá một cách đáng kể vì còn quá nhiều dự án bị đóng băng trong thời gian qua.
Nhóm thứ hai ông Nguyễn Văn Đực cho là có thể có tiềm năng trong dài hạn là các đại công ty nước ngoài. Theo ông thì hiện nay nhiều lỉnh vực kinh tế của Việt nam đang được chuyển sang tay của những nhà đầu tư nước ngoài, và nhà đất là phần đất cuối cùng của sự đổi chủ đó. Nhưng hiện tại đối với nhóm thứ hai này thì thị trường bất động sản tại Việt nam cũng chưa phải là nơi hấp dẫn.
Bà Lê Na, làm việc cho một công ty giới thiệu đầu tư cho các công ty Nhật bản ở Việt nam nói rằng:
“Bên phía Nhật hỏi nhiều thông tin, nhưng để tiếp cận để lấy thông tin kỹ hơn thì cũng không nhiều lắm. Nói chung là thị trường Nhật lúc nào cũng khó tính. Họ cũng phải khảo sát kỹ lắm rồi mới mua. Tôi không biết người nước ngoài từ các nước khác thì như thế nào chứ Nhật luôn kỹ tính. Trong cái tin tức nóng hổi này tôi thấy họ vẫn từ từ.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì thị trường bất động sản phát triển tốt là kết quả của một nền kinh tế lành mạnh. Ông cũng nhận xét Việt nam đã có kinh nghiệm trong việc không tạo được một thị trường bất động sản tốt. Nay đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, nhưng ông không chắc là những sai lầm liên quan đến thị trường bất động sản và ngân hàng lại không xảy ra nữa với nhiều dạng biến tướng khác nhau
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét