Pages

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Mạnh Kim - Chứng khoán Trung Quốc sụp đổ: "Thế lực thù địch nước ngoài"!!!

Ảnh: WSJ

Như mọi lần, Bắc Kinh cũng nói rằng sự sụp đổ thị trường chứng khoán cực nhanh với mức độ thiệt hại nghiêm trọng đang xảy ra tại nước họ là do “thế lực thù địch nước ngoài”. Trong thực tế, vài năm gần đây, “thế lực thù địch nước ngoài” là cách giải thích duy nhất cho nhiều sự kiện chính trị-kinh tế bất ổn tại Trung Quốc. Việc gieo vào xã hội tư tưởng “thế lực thù địch nước ngoài” được thực hiện một cách có tính toán. Bộ trưởng giáo dục Viên Quý Nhân từng nói “những giáo viên và sinh viên trẻ (Trung Quốc) là mục tiêu chính của việc thâm nhập bởi thế lực nước ngoài”. Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết, “thế lực thù địch nước ngoài” luôn “đánh phá điên cuồng” và “tìm mọi cách bôi nhọ Trung Quốc” và “hạ uy tín đảng”…

Cùng Đại học quốc phòng quốc gia và Bộ tham mưu quân đội, CASS đã sản xuất bộ phim tuyên truyền khẳng định việc trao đổi hợp tác quân sự Mỹ-Trung là cơ hội để Mỹ trà trộn; cho rằng chương trình Fulbright là “tác nhân xâm lăng của văn hóa Mỹ”. Chính “thế lực thù địch nước ngoài” là nơi gây ra mầm mống bạo loạn Tân Cương. Vấn đề ô nhiễm không khí cũng do “thế lực thù địch nước ngoài”! Tất nhiên, chẳng ai ngoài “thế lực thù địch nước ngoài” là kẻ giật dây phong trào dân chủ Hong Kong. Cá nhân Tập Cận Bình cũng nói, có những “thế lực bên ngoài” trà trộn thâm nhập vào các tôn giáo tại Trung Quốc (CFR’s Asia Unbound 8-7-2015).

Trong thực tế, việc bốc hơi 3,5 ngàn tỉ USD từ thị trường chứng khoán Trung Quốc (hơn tổng giá trị thị trường chứng khoán Ấn Độ) là xuất phát từ chính sách kinh tế Tập Cận Bình. Như được phân tích từ Wall Street Journal (9-7-2015), bơm phồng thị trường chứng khoán là trọng tâm của chính sách kinh tế Tập, nhằm nhanh chóng giúp đạt được “giấc mơ Trung Quốc”. Các đại công ty được giãn nợ, doanh nghiệp nhà nước thi nhau lên sàn, người người nhà nhà lao vào cơn lốc làm giàu cực nhanh bằng cổ phiếu. Chỉ trong thời gian cực ngắn, thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu “lên đồng”. 

Nhiều người nghèo sẵn sàng bán nhà để chơi chứng khoán. Tuy nhiên, nhà nước không đủ kinh nghiệm tài chính chứng khoán để quản lý. Họ yếu đến mức không thể nhận ra những dấu hiệu cơ bản của một thị trường bong bóng. Cách Bắc Kinh đối phó khi sự sụp đổ xảy ra càng cho thấy họ thiếu quá nhiều kiến thức tài chính trong xử lý khủng hoảng. Và rồi, như một phản xạ, báo chí và diễn đàn xã hội, một lần nữa, lại chỉ ra tức thời thủ phạm duy nhất: “Thế lực thù địch nước ngoài”!

Chỉ có những nhà cầm quyền độc đoán bất minh mới cần đến một thủ phạm ngụy tạo để che đậy khiếm khuyết và rũ bỏ trách nhiệm của mình.

Mạnh Kim

(FB Mạnh Kim)

Không có nhận xét nào: