Pages

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Mối quan hệ phức tạp giữa bà Clinton và Trung Quốc

GettyImages-477622148-676x450
Bà Hillary Clinton tại Las Vegas vào ngày 18 tháng 6 năm 2015. Bà Clinton gần đây chỉ trích chính quyền Trung Quốc về việc nước này đánh cắp thông tin mạng và quân sự hóa nhanh chóng. (Ethan Miller/Getty Images)

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang “ cố gắng đột nhập vào tất cả những gì bất động tại Mỹ”, theo cựu Ngoại trưởng Mỹ đồng thời là ứng cử viên Tổng thống đảng Dân Chủ- Hillary Clinton trong chiến dịch bầu cử ngày 4 tháng 7 tại New Hampshire.

Hành vi trộm cắp này bao gồm các bí mật thương mại và những kế hoạch của các nhà thầu quốc phòng, bà Clinton cho rằng “ Đừng nhầm lẫn: họ biết rằng họ đang ở trong một cuộc cạnh tranh và họ sẽ làm mọi thứ để chiến thắng”.

Clinton cũng cảnh báo về việc quân sự hóa nhanh chóng của Trung Quốc và lấn chiếm lãnh thổ ở Biển Đông.

Bà nói rằng bà muốn “chứng kiến một sự trỗi dậy trong hòa bình cho Trung Quốc”, “nhưng chúng ta cũng phải cảnh giác cao độ rằng quân đội Trung Quốc đang lớn mạnh rất nhanh chóng và họ đang thiết lập các căn cứ quân sự đe dọa các đồng minh của Mỹ, như Philippines, vì họ xây dựng các căn cứ trên lãnh thổ bị tranh chấp”, theo CNN.

Chính quyền Trung Quốc đáp trả nhẹ nhàng một cách khác thường trước lời bình luận của bà Clinton. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc- Hoa Xuân Oánh nói với Reuters rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có một “tinh thần xây dựng” để “tăng cường đối thoại và hợp tác để cùng nhau đối mặt với những thách thức đa dạng”.

Bà Hoa nhấn mạnh cụm từ “hòa bình và thịnh vượng” khi đề cập đến quan hệ Mỹ-Trung, đây là sự biến chuyển khác hoàn toàn với phản ứng thông thường của Trung Quốc đối với chỉ trích của Mỹ về những vụ đánh cắp thông tin mạng- những chỉ trích mà Trung Quốc thường gọi là “các cáo buộc vô căn cứ” và sau đó là những chỉ trích về những hoạt động gián điệp của Mỹ.

Điều này làm nổi bật mối quan hệ rắc rối giữa bà Clinton và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bà từng nhận được những khen ngợi từ truyền thông Trung Quốc khi bà không đề cập vấn đề nhân quyền ở quốc gia này. Tuy nhiên, những năm qua, các cơ quan phát ngôn của chế độ Trung Quốc đã chuyển sang chỉ trích và cảnh báo đối với bà Clinton.

Theo tờ The Washington Free Beacon vào tháng 4, hai tờ báo do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát đã đăng những cảnh báo đối với bà Clinton một cách gián tiếp rằng bà không nên chỉ trích Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử tổng thống, chưa hết họ còn dự đoán rằng thái độ của bà với Trung Quốc sẽ thay đổi nếu bà được bầu làm tổng thống.

Nhân Dân Nhật báo và Thời báo Hoàn cầu cho rằng bà Clinton “sẽ không mềm mỏng với Trung Quốc, ít nhất trong suốt chiến dịch của bà”.

Theo The Washington Free Beacon, Thời báo Hoàn cầu viết rằng “Bà Clinton không muốn tỏ ra “ mềm mỏng” với Trung Quốc” và ghi chú một trạng thái trên twitter của bà Clinton chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt giữ năm nhà hoạt động nhân quyền.

Mối quan hệ giưa bà Clinton và Trung Quốc lần đầu tiên có bước tiến triển khi bà quyết định lờ đi vấn đề áp bức nhân quyền của chế độ Trung Quốc để phát triển thương mại giữa hai nước.

Theo tờ Telegraph có trụ sở ở Anh, viết vào tháng 2 năm 2009 về chuyến thăm đầu tiên của bà Clinton khi bà còn là Ngoại trưởng, rằng “Trung Quốc phản ứng vui vẻ trước quyết định của bà Clinton khi đặt quan hệ kinh tế trên nhân quyền lúc bà công du lần đầu với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ”.

Tờ Telegraph viết “ Bà Clinton không chỉ ít đề cập công khai về vấn đề nhân quyền, mà cũng không bộc lộ bất cứ dấu hiệu cho thấy bà có gây áp lực lên Trung Quốc về một vấn đề mâu thuẫn trọng tâm khác với Mỹ – đó là Mỹ cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ để tự tạo lợi thế thương mại không công bằng”.

Mối quan hệ của bà với Đảng Cộng sản Trung Quốc thay đổi trong năm tiếp theo, ít nhất trên bề mặt, sau khi Google rút khỏi Đại lục khi phát hiện Trung Quốc tấn công các hệ thống và chính sách kiểm duyệt của công ty này.

Vào tháng 1 năm 2010, bà Clinton kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế Internet. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mã Triều Húc phản ứng rằng những bình luận của bà là  “các cáo buộc vô căn cứ chống lại Trung Quốc”.

Vào tháng 8 năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhẹ nhàng nhắc nhở bà vì hành động bị Trung Quốc xem là vượt quá giới hạn. Bà Clinton thăm đảo Cook để tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, như là động thái thực hiện cam kết của chính quyền Obama sẽ thúc đẩy hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng việc bà Clinton tham dự một diễn đàn có đại diện của 60 quốc gia là “không thích hợp”.

Vào tháng 1 năm 2013, dù không trực tiếp đề cập Trung Quốc, bà Clinton nói rằng Mỹ phản đối những nỗ lực làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật bản với những đảo ở Biển Hoa Đông. Bình luận của bà nhắm tới hành vi thúc đẩy tuyên bố chủ quyền với Đảo Điếu Ngư của quân đội Trung Quốc, hòn đảo này nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản.

Theo Bloomberg, Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cáo buộc bà Clinton “chẳng biết gì về thực tế”.

Tính đến nay, phần lớn các chỉ trích của bà Clinton về Đảng Cộng sản Trung Quốc rất nhẹ nhàng, và đối với các vấn đề hoặc cụ thể rõ ràng và thống nhất với đường lối của chính quyền Obama, hoặc với các vấn đề bà không thể không bình luận.

Tuy nhiên, phát biểu gần đây của bà lại khác. Bà chỉ trích mạnh mẽ hơn về hành vi gây hấn của Trung Quốc trong việc đánh cắp thông tin mạng và quân sự hóa.

Tương tự, Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đã có phản ứng khác lạ. Nếu trong quá khứ họ chỉ trích nặng nề bà Clinton chỉ vì bà đã đi hơi quá giới hạn, thì giờ đây họ cho rằng những bình luận của bà mang “ tinh thần xây dựng”.

Tác giả: Joshua Philipp, Epoch Times 

Dịch giả: DK Lam

(Đại Kỷ Nguyên)

Không có nhận xét nào: