Pages

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Mỹ xác định Nga, Trung …là mối đe dọa đặc biệt


China-Russia
Phong Nha
“…Liên quan vấn đề này, ông Patrushev cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây chống Nga là có mục đích chính trị, theo đó việc làm suy yếu tiềm năng kinh tế của Nga là để tác động tới các chính sách của Nga và để thay đổi ban lãnh đạo ở Nga…”
Coi Nga, Trung Quốc là mối đe dọa
Ngày 1/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố “Chiến lược Quân sự Quốc gia” mới nhất. Điểm đáng chú ý là Lầu Năm Góc đã nêu đích danh Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran là những mối đe dọa đặc biệt, liệt những nước này vào nhóm “các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại”.

Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, viết trong phần mở đầu của bản báo cáo: “Hiện nước Mỹ phải đối mặt với một loạt các thách thức an ninh từ các chủ thể nhà nước truyền thống và mạng lưới xuyên khu vực của các tổ chức phi nhà nước – tất cả đều đang tìm cách tận dụng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu với những chiến dịch kéo dài chứ không phải chỉ là những cuộc xung đột được giải quyết nhanh chóng”.
19320303678_050489f713
Tàu sân bay – một trong những ưu thế quân sự vượt trội
của Mỹ hiện nay
Người Mỹ cho rằng những tiến bộ công nghệ, được thúc đẩy bởi quá trình toàn cầu hóa, đang cho phép các tổ chức và nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới thách thức những lợi thế lâu nay của nước Mỹ, ví dụ như khả năng cảnh báo và tấn công chính xác.
Điều này đòi hỏi Mỹ cần phải “linh hoạt hơn, đổi mới hơn và đoàn kết hơn” để đối phó được với những thách thức đó, và “quân đội Mỹ cần tiếp tục hiện diện trên toàn cầu để định hình môi trường an ninh và bảo toàn mạng lưới các quan hệ đồng minh của Mỹ”.
Báo cáo nhấn mạnh Mỹ là “quốc gia mạnh nhất trên thế giới, có những lợi thế độc nhất vô nhị về công nghệ, năng lượng, dân số, quan hệ đồng minh và đối tác. Tuy nhiên, những lợi thế này đang bị thách thức”.
Các nhân tố chính thách thức những lợi thế kể trên của Mỹ bao gồm các chủ thể nhà nước là Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên, và các tổ chức phi nhà nước – đặc biệt là “các tổ chức bạo lực cực đoan” (VEO) ví dụ như Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và Taliban.
Tài liệu của Lầu Năm Góc cáo buộc Nga có nhiều “hành động quân sự” vi phạm “một loạt thỏa thuận”. Bình luận về nội dung này, báo chí Nga cho rằng trong danh sách các thỏa thuận mà Lầu Năm Góc cho rằng Nga đã vi phạm có một số hiệp ước mà Mỹ cũng vi phạm, ví dụ như Hiệp ước Tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
19320284370_fe2a48532d
Hình ảnh Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông
được chụp từ máy bay Mỹ
Đề cập tới Trung Quốc, báo cáo khẳng định Mỹ ủng hộ sự trỗi dậy của Bắc Kinh song bày tỏ những quan ngại đặc biệt về các hoạt động của nước này ở Biển Đông.
Báo cáo nêu rõ: “Cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc giải quyết các vấn đề hàng hải theo hướng hợp tác và không có những hành động cưỡng ép, đe dọa. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản ứng bằng các nỗ lực tuyên bố chủ quyền đối với những vùng lãnh hải và lãnh thổ rộng lớn với mục đích nhằm cho phép họ có thể đưa lực lượng quân sự đến án ngữ ở các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng… Trung Quốc nên giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tuy gọi Nga, Trung quốc và Triều Tiên là các mối đe dọa, nhưng người Mỹ vẫn tỏ ra rất tự tin bởi báo cáo tổng kết: “Không nước nào trong số các quốc gia này được cho là sẽ tìm cách gây xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ”.
Ngay sau khi Mỹ công bố báo cáo “Chiến lược Quân sự Quốc gia” mới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng chỉ trích: “Việc Mỹ sử dụng những lời lẽ như vậy trong báo cáo đó cho thấy Mỹ có thái độ đối đầu với chúng tôi. Tất nhiên, việc làm này của Mỹ sẽ chẳng giúp ích gì cho các nỗ lực bình thường hóa quan hệ song phương”.
Khi được hỏi Nga sẽ đề cập như thế nào về Mỹ khi Nga đưa ra một chiến lược an ninh mới riêng của mình, ông Dmitry Peskov nói: “Tất nhiên, mọi mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga đều sẽ được xem xét, và các biện pháp để chống những mối đe dọa đó sẽ được đưa ra và áp dụng”.
19321731859_4c7851c6ca
Cuộc họp Hội đồng An ninh LB Nga hôm 3/7
Hai ngày sau (ngày 3/7), phát biểu tại cuộc họp Hội đồng An ninh LB Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị tiến hành phân tích những mối nguy cơ đang tồn tại và điều chỉnh chiến lược an ninh đất nước.
Tổng thống Putin yêu cầu trong thời gian ngắn phải phân tích đánh giá mọi khía cạnh của những nguy cơ và thách thức tiềm tàng đối với nước Nga cả về chính trị, kinh tế, thông tin lẫn các lĩnh vực khác, trên cơ sở đó điều chỉnh chiến lược an ninh của Nga.
Cũng tại cuộc họp, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định Nga sẽ tiếp tục thực thi chính sách đối nội và đối ngoại độc lập, bất chấp sức ép từ các nước khác. Ông cũng cho rằng những mưu toan hòng chia rẽ xã hội hay lợi dụng tình hình khó khăn để làm suy yếu nước Nga đã thất bại.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho biết tại cuộc họp, Tổng thống Putin cũng đã chỉ thị soạn thảo chiến lược an ninh kinh tế Nga tới năm 2030. Hội đồng An ninh Nga đã thảo luận các biện pháp nhằm đáp trả các nước hoặc nhóm nước đang duy trì các lệnh trừng phạt chống Nga.
Liên quan vấn đề này, ông Patrushev cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây chống Nga là có mục đích chính trị, theo đó việc làm suy yếu tiềm năng kinh tế của Nga là để tác động tới các chính sách của Nga và để thay đổi ban lãnh đạo ở Nga.
19320284840_2536136c23
Binh sĩ Nga tại bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014
Trong khi đó, trang mạng rt.com của nga dẫn lời ông Brian Becker, Giám đốc liên minh chống chiến tranh “Answer”, nói rằng những lời phàn nàn về việc nước Mỹ đã đánh mất lợi thế về công nghệ chủ yếu là nhằm vào dư luận trong nước.
Ông Becker nói: “Người Mỹ được bảo rằng nước họ đã không còn tiền để chi cho bệnh viện, trường học và các chương trình xã hội thiết yếu khác, tuy nhiên, đột nhiên lại xuất hiện lời kêu gọi khẩn thiết rằng nước Mỹ cần phải vươn lên, không được để kẻ thù là Nga hay Trung Quốc vượt qua, đây chính là điều đã châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang trong những năm 50 của thế kỷ trước”.
Khi bình luận về nội dung “chuyển trục” sang châu Á được nêu trong báo cáo, ông Becker cho rằng đây là sự “chuyển trục” của chính sách ngăn chặn. Theo ông, “chiến lược quân sự mới – vốn nhằm thúc đẩy tất cả các quốc gia tại khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, tham gia vào một liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu – sẽ không thể đánh lừa được Trung Quốc, Bắc Kinh hiểu rõ rằng đây là một mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc”.
Phong NhaNguồn: baodatviet.vn/thegioi

Không có nhận xét nào: