Pages

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Quan hệ Mỹ - Việt và chuyến thăm của ông Trọng



Ông Trọng, người mới tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hồi tháng Sáu, sẽ vào Nhà Trắng hôm 7/7

Vào ngày 7/7, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chưa từng có tới Hoa Kỳ.
Mặc dù ông Trọng không trực tiếp kiểm soát chính quyền, khả năng đưa ra đường lối của Đảng Cộng sản (ĐCS) là rất lớn.

Ông Trọng là người bị giằng xé giữa quá khứ và tương lai.
Hai mươi năm sau khi quan hệ ngoại giao được tái lập, nhiều người trong ĐCS vẫn nghi ngờ ý định của Hoa Kỳ trong lúc người dân Việt Nam coi quan hệ với Hoa Kỳ là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh.
Dù Chủ tịch Trương Tấn Sang đã gặp Tổng thống Obama ở Nhà Trắng hồi tháng Bảy năm 2013, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư ĐCS gặp Tổng thống Hoa Kỳ.
Trong nhiều năm qua, trở ngại là vấn đề nghi thức: ông Trọng là lãnh đạo đảng, không phải nguyên thủ quốc gia khiến người ta kêu gọi thống nhất hai vị trí giống như ở Trung Quốc. Nhưng Việt Nam tự hào về lãnh đạo tập thể và đã không thay đổi.
Nhưng hai nước hiểu rằng thắt chặt quan hệ là quá quan trọng và không thể để vấn đề nghi thức cản trở.

'Không đình đám'

Chuyến đi của ông Trọng được xem là không đình đám và ít lễ nghi. Nhưng một loạt ủy viên cao cấp của Bộ Chính trị đã có những chuyến thăm thầm lặng nhưng rất xây dựng tới Washington.
Mối quan hệ đang được vun đắp tại những cấp cao nhất và trong mọi lĩnh vực bao gồm quốc phòng, thực thi luật pháp, thương mại và đầu tư.
Việt Nam bước đi thận trọng với Biên bản Ghi nhớ hồi năm 2011 về hợp tác quốc phòng và Hoa Kỳ đã có sự kiên nhẫn hiếm thấy do ý thức được thực tế chiến lược của Hà Nội. Hai bên đã có được sự tin cậy và giờ đang thắt chặt quan hệ an ninh.


null
Không nhiều ồn ào quanh chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng

Việc bỏ một phần cấm vận vũ khí hồi năm 2014 là bước phát triển quan trọng dù chủ yếu mang tính biểu tượng.
Ông Trọng sẽ kêu gọi bỏ toàn bộ cấm vận nhưng chuyện bỏ toàn bộ cấm vận cũng sẽ không làm thay đổi căn bản quan hệ hai bên.
Nga và Ấn Độ sẽ vẫn là những nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam ngay cả khi Việt Nam sản xuất nhiều vũ khí theo giấy phép hơn.
Hoa Kỳ có thể lấp đi những lỗ hổng, chẳng hạn các vũ khí chống tàu ngầm.
Hoa Kỳ muốn có thêm những chuyến cập cảng [cho tàu quân sự], nhiều hơn so với mức một năm một lần hai bên đã đồng ý hồi năm 2011.
Hai bên cũng đã có những cách để hợp tác nhiều hơn nhưng ít có khả năng Việt Nam cho phép Hoa Kỳ vào Cảng Cam Ranh.
Hoa Kỳ còn muốn triển khai trước các trang thiết bị cứu trợ, cứu nạn như họ đã làm ở Thái Lan.
Ngoài ra Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy để có thêm tập trận hải quân song phương và đa phương với Việt Nam và đây cũng là điều quan trọng với Việt Nam vốn tăng cường đáng kể hải quân nhưng kinh nghiệm, học thuyết và đào tạo còn hạn chế.

Yếu tố Trung Quốc

Hai bên xích lại gần nhau hơn do sự táo bạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dù Hoa Kỳ không có quan điểm chính thức về chủ quyền biển đảo, Washington chia sẻ sự hoảng hốt của Việt Nam trước tốc độ và quy mô xây dựng bảy đảo mới của Trung Quốc.



Nhưng hai bên lại có khác biệt liên quan tới ý nghĩa chiến lược.
Hoa Kỳ quan tâm tới tự do hàng hải, không chỉ chuyện hàng hóa trị giá 5.000 tỷ đi qua vùng biển đó, mà còn quyền ra vào hải phận của hải quân.
Hoa Kỳ coi việc xây dựng phi trường ở Hoàng Sa và Đá Chữ Thập là nhằm để có khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không.
Cuối cùng, Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc toan cản Hoa Kỳ vào Biển Đông để triển khai tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân.
Hà Nội có quan ngại cấp bách hơn: Họ cho rằng Trung Quốc đang tăng cường khả năng để ngăn chặn họ khai thác tài nguyên tự nhiên cũng như chặn đường tới 28 đảo và rặng đá.
Nếu Trung Quốc ngăn chặn Việt Nam tiếp tế cho các cơ sở [trên biển] của họ thì liệu Hoa Kỳ có coi đó là vi phạm tự do hàng hải và như vậy là đe dọa tới lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ?


null
Trung Quốc ngày càng táo bạo trên Biển Đông

Dù quan hệ song phương đã được cải thiện nhiều so với hồi năm 2014 khi Trung Quốc đặt giàn khoan lớn nhất của họ HY981 trong thềm lục địa của Việt Nam một cách khiêu khích, Hà Nội ý thức được rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều công cụ để sử dụng nếu như họ muốn đẩy căng thẳng lên cao hoặc thực thi tuyên bố chủ quyền.
Những công cụ này bao gồm sức mạnh quân sự, lực lượng tuần duyên lớn nhất trong vùng, các đội tàu đánh cá và các tàu khai thác dầu.
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan HY981 gần với biên giới biển của Việt Nam hồi tháng Sáu năm 2015 là nhằm để gửi tín hiệu tới Hà Nội rằng quan hệ được nâng cao giữa Hà Nội và Washington không thể cản được Trung Quốc theo đuổi các quyền lợi quốc gia.

'Xoay trục chiến lược'

Cả chính quyền và người dân Việt Nam đều xem Hoa Kỳ như lực cân bằng quan trọng đối với Trung Quốc. Nhưng Hà Nội muốn có đảm bảo rằng sự xoay trục chiến lược không chỉ là chính sách nhất thời của một tổng thống sắp hết nhiệm kỳ mà là chính sách sẽ được các chính quyền tương lai theo đuổi.
Và Hà Nội cũng nhấn mạnh lại rằng cốt lõi của chính sách an ninh của họ vẫn là đa phương với quan hệ gần gũi với Ấn Độ, Nga, ASEAN, Nhật Bản, cũng như Hoa Kỳ.



Về mặt kinh tế, có rất nhiều liên hệ quan trọng. Việt Nam đã trở thành nước ASEAn xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ và có thặng dư thương mại.
Dù thương mại song phương với Hoa Kỳ vẫn ở dưới mức 50 tỷ kim ngạch thương mại Việt - Trung, nó có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều với nền kinh tế Việt Nam.
Trung Quốc có thâm hụt thương mại đáng kể với Việt Nam và hàng hóa rẻ của họ tràn ngập thị trường trong khi họ nhập khẩu các nguyên liệu thô như bauxite khiến dư luận bất bình vì lo ngại ảnh hưởng tới môi trường.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng mang tính chính trị và gây lo ngại về an toàn, chất lượng cũng như số lượng lớn công nhân Trung Quốc vào Việt Nam.
Việt Nam thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các công ty phương Tây.
Trong một khảo sát gần đây của Pew, 69% người Việt Nam được hỏi nói có quan hệ thương mại với Mỹ quan trọng hơn trong khi chỉ có 18% nói quan hệ thương mại với Trung Quốc quan trọng hơn.


null
Việt Nam xuất siêu vào Hoa Kỳ

Không nước nào phải thay đổi nhiều để tham gia Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP như Việt Nam, bao gồm giảm các lợi thế đối với doanh nghiệp nhà nước.
Điều này cũng cho phép các nhà cải cách Việt Nam thúc đẩy những cải cách cần thiết, chấm dứt những bảo hộ thiếu hiệu quả vốn ngăn cản sự phát triển.
Theo khảo sát của Pew, 89% người Việt Nam nói tư cách thành viên TPP là điều tốt, mức ủng hộ cao nhất trên thế giới.Tuy nhiên cảm trở lớn nhất đối với cải cách doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hóa vẫn là các quan chức chính quyền vốn lo ngại rằng cải cách thị trường sẽ giảm khả năng kiếm lợi của họ.

Vấn đề nhân quyền và di sản cuộc chiến

Nhân quyền vẫn là vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương.
Những người bảo thủ trong ĐCS tin rằng Hoa Kỳ dùng vấn đề nhân quyền để làm phương hại sự độc quyền quyền lực của ĐCS.
Hoa Kỳ xem chính quyền Việt Nam như đối tác chính trong vùng nhưng cũng kiên quyết đề nghị Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền, nhất là tôn trọng luật pháp, quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do hội họp.


null
Vấn đề nhân quyền vẫn là gai góc nhất trong quan hệ Việt - Mỹ

Hoa Kỳ hài lòng rằng trong năm 2015, chính quyền Việt Nam chỉ bắt một nhà bất đồng chính kiến dù nhiều người khác đã bị đánh đập, sách nhiễu và trấn áp.
Dù Hà Nội đã trả tự do cho luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân, việc họ sử dụng cáo buộc "trốn thuế" cho thấy đây là công cụ mới để tấn công các blogger và những người khác quan điểm.
Mặc dù còn nhiều vấn đề nhân quyền, Hoa Kỳ cần để ý tới những cải cách từ từ nhưng có ý nghĩa về quyền con người.
Điều này bao gồm kêu gọi của Chủ tịch Sang về chấm dứt bức cung và ép cung của cảnh sát, điều khiến cho một số cảnh sát và quan tòa bị truy tố.



Chính quyền cũng đã thôi trấn áp mạng xã hội và vô hình chung chấp nhận nó và mạng xã hội giờ là nguồn tin chủ yếu của nhiều người. Đây cũng là điểm quan trọng nữa.
Không gian cho bất đồng chính kiến và chia sẻ thông tin vẫn còn rất hạn chế nhưng nó cũng chưa bao giờ tự do như hiện nay.
Các nhà lãnh đạo dần nhận ra rằng kiểm soát internet đe dọa ngành công nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin.
Cũng vậy, chuyện công nhân đã đòi lại được quyền lợi sau biểu tình chưa từng có hồi tháng Ba, tháng Tư năm 2015 sẽ càng làm cho đình công thêm nhiều.
Hoa Kỳ phải nhận thấy rằng dù Việt Nam vẫn là quốc gia độc đảng vốn không chấp nhận bất đồng, giới lãnh đạo đang ngày càng thích ứng với người dân hơn.
Điều này càng đúng với sự chuyển đổi lãnh đạo quan trọng dự kiến diễn ra ở Đại hội Đảng lần thứ 12 vào năm 2016 khi các quan chức trẻ hơn, được đào tạo tốt hơn, hiểu truyền thông và internet hơn bước vào các vị trí lãnh đạo.
Việt Nam đang thay đổi cho dù họ vẫn có những đợt trấn áp khi này khi khác và điều này cho thấy còn có nhiều thứ cần thay đổi.
Việt Nam vẫn là một trong các quốc gia hàng đầu về bỏ tù nhà báo và blogger.
Chuyện đóng cửa cả một tờ báo vì quá hăng hái đưa tin về tham nhũng của chính quyền đi ngược lại cam kết diệt trừ tham nhũng của chính phủ cho dù tham nhũng được xem là đe dọa sự tồn vong của ĐCS.


null
Chất độc Tác nhân Cam được cho là đã ảnh hưởng tới thế hệ thứ ba ở Việt Nam

Quan hệ song phương thể hiện mạnh mẽ nhất trong giao lưu giữa nhân dân hai nước. Trong năm 2013-2014 có hơn 16.500 sinh viên Việt Nam học tại các đại học Hoa Kỳ, chiếm 35% tổng sinh viên từ ASEAN và bằng tổng số sinh viên từ Philippines, Thái Lan và Malaysia cộng lại.
Sự trở lại của Việt kiều trong vai các doanh gia, nhà đầu tư và những người quản lý có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Và cuối cùng là các vấn đề tồn tại từ cuộc chiến. Tới nay Hoa Kỳ đã cung cấp 130 triệu đô la để tẩy rửa Tác nhân Cam.
Nhưng vẫn chưa có ngân sách dành riêng hay đủ để tẩy rửa các khu khác ngoài sân bay Đà Nẵng như sân bay Biên Hòa hay [trợ giúp] 4,5 triệu người bị phơi nhiễm.
Hoa Kỳ nhất mực coi đây là vấn đề nhân đạo, không phải là bồi thường chiến tranh.
Nhưng nếu Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh quan hệ, họ phải đối mặt với trách nhiệm bằng cách giải quyết quá khứ.

Không có nhận xét nào: