Pages

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Trung Quốc chuyển sang ‘Giai đoạn 2’ trong xung đột biển Đông


Thông báo của chính quyền Trung Quốc vào ngày 16/7 về việc xây dựng đảo ở Biển Đông có vẻ không thú vị như thoạt nghe. Chính quyền Trung Quốc khẳng định chương trình xây dựng các hòn đảo mới trên vùng biển Đông đang tranh chấp đã gần hoàn tất, nhưng trên thực thế, các dự án xây dựng này đơn thuần chỉ đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo.


Người biểu tình tổ chức một cuộc tập hợp trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở quận tài chính của Manila, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của chính quyền Trung Quốc đối với biển Đông. Chính quyền Trung Quốc có thể sớm bắt đầu giai đoạn hai của việc xây dựng đảo ở vùng biển tranh chấp này. (Ảnh chụp/Rappler/Youtube)
Người biểu tình tổ chức một cuộc tập hợp trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở quận tài chính của Manila, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của chính quyền Trung Quốc đối với biển Đông. Chính quyền Trung Quốc có thể sớm bắt đầu giai đoạn hai của việc xây dựng đảo ở vùng biển tranh chấp này. (Ảnh chụp/Rappler/Youtube)

 “Điều này được các hãng tin tức ở Mỹ xem là một sự thay đổi chính sách, nhưng trên thực thế thì không phải vậy”, bà Mira Rapp-Hooper, giám đốc của dự án Khởi xướng minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.

“Điều này nghĩa là họ đang chuyển sang giai đoạn 2: xây dựng các cơ sở và năng lực [quân sự] trên những hòn đảo này”, bà Rapp-Hooper cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Thông báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một ví dụ kinh điển về việc thao túng nhận thức. Chỉ có một số ít các nhà phân tích và chuyên gia quốc phòng bị lừa gạt, nhưng nhiều hãng tin tức lại dường như tin điều đó.

“Tuyên bố này rất khớp với điều mà hầu hết các nhà phân tích đã biết”, bà Rapp-Hooper nói.

Nếu ĐCSTQ đang có những thay đổi thực sự, bà nói, “chúng tôi muốn thấy những thay đổi thật sự trong chính sách xoay quanh tính năng đảo”. Như mọi thứ hiện cho thấy, ĐCSTQ vẫn cho các tàu nạo vét bơm cát từ đáy biển lên các hòn đảo nhân tạo.

Thao túng quan điểm

Ở đây, cần chú ý đến thời điểm. Thông báo này đến trước lúc vụ kiện của Philippine đối với hành vi cướp đất của ĐCSTQ được ra xét xử.

“Đây chỉ là mong muốn của Trung Quốc nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực và ở nước Mỹ”, bà Rapp-Hooper cho biết, đồng thời lưu ý đến sự thay đổi trong giọng điệu của nước này.

Vào năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện ĐCSTQ lên tòa án quốc tế, nói rằng tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ đối với 90% biển Đông là không hợp lệ và vi phạm Công ước về Luật biển Liên Hợp Quốc (UNCLOS).

Không lâu sau khi đơn kiện được gửi đi, vào đầu năm 2014, ĐCSTQ bắt đầu xây dựng các hòn đảo nhân tạo.

Điều thú vị mà bà Rapp-Hooper lưu ý là “tất cả 7 đặc điểm mà Trung Quốc dựa vào là các đặc điểm” nằm trong vụ kiện của Philippine đối với Trung Quốc – trong đó nói rằng các tuyên bố chủ quyền này là bất hợp pháp.

Những khẳng định gần đây của ĐCSTQ rằng việc xây dựng của họ gần như hoàn tất được đưa ra trước khi phiên tòa quốc tế ở the Hague (Hà Lan) diễn ra từ ngày 7 đến ngày 14/7.

“Đây là một vụ tranh chấp đi thẳng vào trọng tâm của UNCLOS”, ông Albert del Rosario, thư ký Bộ Ngoại giao Philippines, nói trong một tuyên bố vào ngày đầu tiên của phiên tòa.

Ông Rosario nói rằng luật “không công nhận hoặc cho phép thực hành cái gọi là “quyền lịch sử”, trong các khu vực vượt ngoài 200 hải lý (370,4 km) – Vùng đặc quyền kinh tế – đối với mỗi quốc gia, theo UNCLOS.

Một số dự án xây dựng của ĐCSTQ tại quần đảo Trường Sa nằm cách gần 1609 km điểm cực nam trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.

ĐCSTQ dường như hứng thú với việc tránh né tòa án quốc tế nói chung. Họ đưa ra một tờ “Giấy lập trường” vào tháng 12, quả quyết rằng tòa án không có thẩm quyền đối với các tuyên bố chủ quyền của họ.

Sau khi tòa án yêu cầu ĐCSTQ cung cấp dữ liệu, ngày 14/7, chính quyền Trung Quốc yêu cầu Philippines bãi bỏ vụ kiện và đàm phán trực tiếp với ĐCSTQ.

Cho đến hết ngày 17/8, ĐCSTQ vẫn có thể đưa ra bình luận về phiên tòa. Phán quyết dự đoán sẽ được đưa ra trong vòng 90 ngày.

Ý định đáng ngờ

Các chuyên gia đang vò đầu bứt tóc về việc ĐCSTQ dự định làm gì với những hòn đảo này khi chúng được hoàn thành.

Trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5, chính quyền Trung Quốc đã có những nỗ lực tương tự để thay đổi nhận thức công chúng về việc cướp đất của họ.

Ngày 30/4, Reuters đưa tin cho biết lãnh đạo hải quân Trung Quốc là ông Ngô Thắng Lợi đã phát biểu trong một hội nghị qua điện thoại rằng những hòn đảo nhân tạo của ĐCSTQ “sẽ cải thiện khả năng của các dịch vụ công cộng tại vùng biển này như dự báo thời tiết và tìm kiếm cứu nạn hàng hải”. Thậm chí, ông Lợi còn nói rằng các quốc gia khác có thể sử dụng những cơ sở này “khi điều kiện thích hợp”.

Phần lớn báo chí phương Tây đã cho đăng câu chuyện này. Tuy nhiên, bài tường thuật trên đã không tồn tại lâu. Bằng chứng cho thấy một ý định quân sự rõ ràng đã sớm xuất hiện.

Một hòn đảo mà ĐCSTQ đang xây dựng trên Bãi đá Chữ Thập có một đường băng 3.000 m đang được xây.

“Anh không cần một đường băng dài 3.000 m để đáp máy bay chở hàng. Anh cần một đường băng 3.000 m để đáp máy bay chiến đấu”
– Bà Rapp-Hooper, Giám đốc Dự án Đề xướng minh bạch Hàng hải Châu Á

Trong tháng 5, có những tin đồn rằng ĐCSTQ đã triển khai pháo di động đến một trong những hòn đảo nhưng sau đó đã di dời sau khi bị báo chí phát hiện. Chính quyền Trung Quốc cũng xây dựng bến tàu, vũng tàu, sân bay trực thăng, thiết bị ra-đa và các khí tài khác.

Phần kỳ quặc về các khí tài trên hòn đảo này là chúng sẽ không có mấy công dụng trong cuộc chiến thật sự. “Những hòn đảo này là những con vịt quân sự ngồi làm bia, chúng vô dụng trong thời chiến”, bà Rapp-Hopper cho biết.

Giá trị thật sự của những hòn đảo này có lẽ là dễ nhìn thấy nhất: để mở rộng lãnh thổ Trung Quốc – điều có thể duy trì chừng nào ĐCSTQ tránh được một cuộc xung đột quân sự thật sự. Các căn cứ đảo hoạt động như các điểm dừng cung ứng cho tàu thuyền Trung Quốc, và cho phép họ có một sự hiện diện quân sự quy mô lớn và liên tục trong khu vực.

Bằng việc tuyên bố những hòn đảo nhân tạo là lãnh thổ Trung Quốc, nước này có thể sử dụng phạm vi được mở rộng của quân đội ĐCSTQ để quyết định những ai có thể hoặc không thể tiếp cận khu vực biển Đông.

Trên thực tế, ĐCSTQ đang sử dụng những căn cứ này cho mục đích trên, mặc dù họ chưa tuyên bố một vùng nhận diện phòng không chính thức trên các hòn đảo này – như họ đã làm đối với vùng lãnh thổ do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông.

Ngày 20/5, quân đội Mỹ đã công bố một đoạn video, trong đó quân đội Trung Quốc đe dọa một chiếc máy bay theo dõi P-8 Poseidon qua radio khi máy bay này bay gần một trong những hòn đảo nhân tạo của ĐCSTQ.

Chính quyền Trung Quốc đã nói rõ về tham vọng của mình trong cuốn sách trắng quốc phòng gần đây, trong đó nói rằng họ đang chuyển hướng hải quân sang học thuyết biển mở.

“Trung Quốc đang quan sát những thỏa thuận tiềm năng với các quốc gia có thể cho nước này tiếp cận cảng biển”, bà Rapp-Hopper cho biết, lưu ý rằng “không nghi ngờ gì nữa về việc Trung Quốc đang di chuyển hải quân ra xa khỏi bờ biển của nước này”.

“Có một nỗi lo sợ rằng nếu vấn đề này bị bỏ ngỏ, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nó đi xa hơn”, bà nói thêm.

Joshua Philipp, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Thanh Nguyên biên dịch

Không có nhận xét nào: