Pages

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Đất nước nảy sinh vấn đề đều từ Đảng mà ra

 Ngày 8/9/2015 ĐCS Trung Quốc tổ chức Diễn đàn “Đối thoại ĐCS Trung Quốc với Thế giới” trong đó nêu ra thời gian tới ĐCS sẽ ban hành văn bản quy phạm hành vi của lãnh đạo cấp cao để tránh lặp lại tình trạng cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng vi phạm những vụ án lớn, án nghiêm trọng vừa qua.

Các báo Trung Quốc cho biết Diễn đàn “Đối thoại ĐCS Trung Quốc với Thế giới” tổ chức ở Bắc Kinh, tham gia diễn đàn về phía Trung Quốc có ông Lý Quân Như, nguyên Phó Giám đốc Trường Đảng cao cấp trung ương, ông Vương Gia Thụy, Ủy viên trung ương Khóa 18, Phó chủ tịch Hội nghị chính trị Hiệp thương toàn quốc Khóa 18. Về phía “Thế giới” có học giả các nước. Nội dung chủ yếu tập trung vào vấn đề xây dựng Đảng, trong đó học giả các nước đều hoài nghi về hiệu quả của quy định “Quản Đảng phải nghiêm” do ĐCS Trung Quốc đề ra. Bởi vì, trên thực tế một loạt các vụ án lớn, án nghiêm trọng đều xuất phát từ cán bộ cấp cao của Đảng như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Tô Vinh…Rõ ràng, “Vấn đề tham nhũng” nảy sinh từ tình trạng cán bộ lãnh đạo cấp cao lũng đoạn quyền lực trong Đảng và Nhà nước. Họ chất vấn: Điều này lý giải như thế nào?

Về vấn đề này, ông Lý Quân Như nói qua những vụ án trên, lãnh đạo ĐCS Trung Quốc hiện đang tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời tiến hành nghiên cứu phản tỉnh một cách sâu sắc. Qua nghiên cứu và rút bài học kinh nghiệm, Đảng đang nghiên cứu để xây dựng một văn bản mang tính pháp quy nhằm quy phạm những hành vi của cán bộ lãnh đạo cao cấp.

Ông nói qua nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ những vụ án trên, vừa qua lãnh đạo cao cấp của Đảng đã đưa ra kết luận: “Đất nước nảy sinh vấn đề đều từ nội bộ đảng mà ra, hỏng từ đảng hỏng ra. Muốn làm tốt những công việc của Trung Quốc thì điều then chốt phải làm tốt công tác Đảng”. Ông nói một thách thức nghiêm trọng đối với ĐCS Trung Quốc hiện nay là những đảng viên nắm quyền lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước mà nảy sinh vấn đề thì ai quản, cho dù đảng đã đưa ra phương châm “Quản Đảng phải nghiêm”.

Hiện nay, ĐCS Trung Quốc có trên 87,79 triệu đảng viên, là một chính đảng lớn nhất thế giới. Làm thế nào đề quản lý đảng viên mà trước tiên phải quản lý nghiêm đối với hơn 2.000 đảng viên thuộc cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, gần 200 Ủy viên trung ương, hơn 20 Ủy viên Bộ chính trị và 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị. Khi những đảng viên này, nhất là Ủy viên trung ương, Ủy viên Bộ chính trị, và Ủy viên thường vụ Bộ chính trị nảy sinh vấn đề thì ai quản? Ông nói: Những người này cũng là đảng viên, đương nhiên họ phải chịu sự giám sát của đảng. Để quản được họ, Đảng cần có bộ qui tắc quy phạm những hành vi của những cán bộ lãnh đạo này.

Ngày 13/1/2015 trong Hội nghị lần thứ 5 của Ủy ban kiểm tra kỉ luật trung ương khóa 18, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra cụm từ “Quy tắc chính trị” của  Đảng và lần đầu tiên cụm từ “Quy tắc chính trị” được áp dụng để kết tội Lệnh Kế Hoạch (20/7/2015). Dư luận cho rằng quy tắc chính trị có thể làm cơ sở cho văn bản mới quy phạm hành vi của cán bộ lãnh đạo cấp cao.

Ông Vương Gia Thụy nói: “ĐCS Trung Quốc phải tăng cường tự mình tiến hóa, tự mình đổi mới, tự mình giám sát” để giải quyết nạn tham nhũng hiện nay. Nhưng học giả các nước liền chất vấn liệu có thực hiện được “tự mình giám sát” của đảng viên cấp cao để giải quyết nạn tham nhũng hiện nay hay không? Bởi vì, từ trước tới nay, ĐCS Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt các quy định về giám sát và tự giám sát đối với đảng viên, nhưng hầu như không có hiệu quả.

Tháng 3/2000, ĐCS Trung Quốc đưa ra “8 điều cấm đối với đảng viên”. Tiếp đó năm 2008 đã đưa ra “6 điều đảng viên phải kiên trì” trong công tác xây dựng Đảng. Năm 2011, Đảng lại đưa ra quy định “ 5 điều đảng viên không được làm”, năm 2013 tiếp tục đưa ra “ 6 điều cấm đối với đảng viên”, năm 2014 đảng lại đưa ra quy định “ 7 điều không được nói” đối với Đảng viên. Năm 2015 nhân kỉ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng, Đảng đã đưa ra quy định “ 3 nghiêm” và “ 3 thực”, gồm: Tu dưỡng nghiêm, Cầm quyền nghiêm, Kỉ luật nghiêm”. “Ba thực” gồm: Làm việc thực sự, Sáng tạo thực sự, Làm người thực sự” cho công tác xây dựng Đảng thời gian tới.

Học giả các nước cho rằng những quy định này hầu như chỉ áp dụng đối với đảng viên thường và đảng viên nắm quyền ở cơ sở cấp thấp, còn những đảng viên cấp cao nhất là đảng viên trong Bộ chính trị, và Thường vụ Bộ chính trị hầu như không bị ràng buộc và bị giám sát bởi các quy định này. Chính vì vậy mới nảy sinh ra những vụ án nghiêm trọng như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Tô Vinh.

Nhân sự kiện “Đối thoại ĐCS Trung Quốc với Thế giới”, Mạng tin “Đa chiều” ngày 9/9/2015 có bài “Phòng ngừa nảy sinh những ông vua xấu”, cho rằng từ lâu nay lịch sử của Trung Quốc là lịch sử nhân trị. Để tránh tình trạng nảy sinh ra những “ông Vua xấu” thời phong kiên, khi Mao Trạch Đông nắm quyền, Đảng đã đưa ra quy định như “Lãnh đạo tập thể”, “Dân chủ tập trung” để phòng ngừa sự lộng quyền của lãnh đạo cấp cao. Nhưng rốt cuộc chính bản thân ông Mao Trạch Đông vào cuối đời đã phá bỏ những quy định này của Đảng, đưa đất nước Trung Quốc tới thảm họa trong Đại cách mạng văn hóa.

Sau hơn 30 năm cải cách và mở cửa, ĐCS Trung Quốc đã cố gắng chuyển từ thể chế “Nhân trị” , “Đảng trị” sang Pháp trị, tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa thể thoát khỏi vết xe Nhân trị và Đảng trị. Nhà chính trị học, Nhà văn người Mỹ ông Francis Fukuyama trong tác phẩm “Sự cáo chung của lịch sử”, cho rằng Trung Quốc dường như đã thoát khỏi vết xe đổ của những “ông Vua xấu” trước đây, chuyển sang thời kỳ mới. Nhưng qua những vụ án vừa qua, thì nay ông đã phải thốt lên Trung Quốc vẫn không thể nào giải quyết được vấn đề “ông Vua xấu”.

Từ khi lên cầm quyền tới nay, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một loạt các cải cách chính trị, cải cách cơ cấu, kiên quyết chống tham nhũng theo phương châm “Đánh hổ lớn, Đập ruồi nhặng”, xử lý cả những lãnh đạo cấp cao cho dù đã nghỉ hưu. Trong Hội nghị toàn thể TƯ 4 Khóa 18 tháng 10/2014, ĐCS Trung Quốc đã thảo luận và ra nghị quyết về công tác pháp trị. Việc đưa ra “Quy tắc chính trị” để quy phạm hành vi của lãnh đạo cấp cao nhằm tránh cho ĐCS Trung Quốc lặp lại vết xe cũ, tiến hành hoạt động trong vòng luật pháp.

Tuy nhiên, dư luận các nước cho rằng hiện Trung Quốc chưa thoát khỏi “Nhân trị” thì khó có thể thực hiện được pháp trị và cho dù bộ Quy tắc mới có được ban hành thì cũng khó tránh khỏi số phận như những điều quy định đã từng đưa ra trước đây./.

Kiều TỉnhKiều Tỉnh Nhà báo chuyên gia quốc tế

(Tamnhin.net)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

CÁI HAY CỦA TƯ BẢN LÀ QUĂNG XƯƠNG CHO CHÓ CSTÀU, TA TRANH NHAU ĂN CẮN NHAU TƠI TẢ .CSẢN CŨNG LÀ CON NGƯỜI ĐẦU ÓC LINH HỒN LÀ QỦY SATAN ĐIỀU HÀNH NÊN MỌI HÀNH ĐỘNG VIỆC LÀM CỦA NÓ ĐỀU TRÁI LUĂN THƯỜNG ĐẠO LÝ HẾT.