Pages

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Một kiểu phỏng vấn “nhét chữ vào miệng”

Không dám nói tất cả, nhưng một số phóng viên báo chí Việt Nam hình như không tốt về nghiệp vụ. Tiêu biểu cho trường hợp đó là bài phỏng vấn của 3 phóng viên Vietnamnet về vụ Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm giáo sư (1). Phóng viên liên tục đưa ra những câu hỏi mà tiếng Anh gọi là “leading question” (câu hỏi dẫn dắt) và “negative question” (câu hỏi tiêu cực), tức là những câu hỏi nói nôm na là “nhét chữ vào miệng” người trả lời. Rất xấu.
Phóng viên đặt câu hỏi ngay từ đầu đã gợi ý là “không ủng hộ”, còn phần sau thì bỏ qua những ý kiến ủng hộ. Chẳng hạn như câu “‘Bên cạnh những ý kiến không ủng hộ cách làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng không ít ý kiến lập luận cho rằng đây là “cách làm mới cần phải nghiên cứu để thực hiện trong vấn đề phân cấp’. Cá nhân ông có cho rằng vấn đề này cần có nghiên cứu thêm gì nữa?”

Đây là loại câu hỏi negative (câu hỏi tiêu cực), vì dùng chữ hàm ý tiêu cực. Nó còn là loại câu hỏi “leading” hiểu theo nghĩa dìu dắt người trả lời nói theo ý của phóng viên. Nó còn là câu hỏi “biased”, có nghĩa là thiếu khách quan, không trung dung. Tại sao những ý kiến ủng hộ (có thể nói là đa số) mà phóng viên không nói đến? Đọc xong câu hỏi này tôi phải tự hỏi các phóng viên này làm việc cho ai?
Nhưng khi câu trả lời tương đối trung dung, thì các phóng viên này lại tiếp tục dồn người trả lời theo định hướng tiêu cực của họ. Họ hỏi “Theo những phân tích ông vừa nêu thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa đủ tiêu chuẩn?” Thật ra, ông có phân tích gì đâu; ông ấy chỉ nói về văn bản hành chính (vì ông là người làm việc hành chính). Càng đọc ông chúng ta thấy các quan “hành là chính” là quá đúng. Ông cũng chỉ trả lời chung chung về qui định, và cũng chẳng đưa dữ liệu gì về Trường ĐH Tôn Đức Thắng, vậy mà các phóng viên này lại “bồi” thêm một câu hỏi mang tính dẫn dắt.
Ngoài những câu hỏi mang tính dẫn dắt, tiêu cực, và thiếu khách quan, các phóng viên này còn có câu hỏi mù mờ (vague question). Họ hỏi “Với vai trò quản lý nhà nước, ông đánh giá thế nào về việc làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng?” Một câu hỏi, theo tôi, là rất tệ. Thế nào là “quản lí nhà nước”? Rồi “đánh giá thế nào” là thế nào? Hình như các phóng viên này chưa suy nghĩ kĩ là họ muốn hỏi cụ thể cái gì. Nếu họ hỏi “Ông đánh giá thế nào về tính học thuật hay tính pháp lí …” thì may ra còn chấp nhận được, nhưng họ không làm thế. Đó là một điều đáng tiếc.
Tóm lại, chỉ một bài phỏng vấn ngắn mà các phóng viên Vietnamnet đã dùng kĩ thuật nguỵ biện qua cách đặt câu hỏi tiêu cực, dẫn dắt, thiếu khách quan, có khi mù mờ. Trong nghiên cứu xã hội học, những câu hỏi như thế được xem là dở, vì vi phạm qui ước soạn câu hỏi. Dĩ nhiên, các phóng viên này không phải là nhà khoa học, nên họ không am hiểu cách đặt câu hỏi là điều có thể thông cảm. Nhưng cũng không loại trừ khả năng họ có thành kiến với Trường ĐH Tôn Đức Thắng và đứng về phe bảo thủ trong giáo dục đại học để cố tình đưa ra những câu hỏi “nhét chữ vào miệng” người ta. Kiểu phỏng vấn như thế này không giúp làm sáng thêm — mà chỉ gây nhiễu — vấn đề cho người đọc. Lần sau, nên chú ý đến những phóng viên này mà tránh, vì họ có thể gây tác hại.
Tôi theo dõi dư luận thì thấy đa số người trong giới hàn lâm ủng hộ cái “initiative” của Trường ĐH TĐT, tức là Nhà nước nên giao việc bổ nhiệm giáo sư cho nhà trường. Nhưng những người này thường không có cơ hội lên tiếng chính thức trên các diễn đàn báo chí, mà chỉ nói qua thư từ và fb cá nhân. Ngược lại, những người chống tuy không nhiều và lí lẽ không thuyết phục nhưng có phương tiện báo chí. Một số người thì lợi dụng báo chí để trả thù và tấn công cá nhân (giống như personal vendetta); loại này cũng không nhiều và dĩ nhiên là quá thấp kém (không hợp với văn hoá học thuật), nhưng nhờ lớn tiếng nên cũng góp phần tạo ra nhiễu thông tin. Do đó, những vụ tấn công cá nhân và sự thiếu công tâm của phóng viên báo chí đã tạo nên một cán cân dư luận không cân bằng trong vấn đề cải cách qui trình bổ nhiệm giáo sư.
Tôi có cảm giác những tranh luận chung quanh vấn đề đại học bổ nhiệm giáo sư đang dần lắng xuống. Và, khi “cát bụi” lắng xuống chúng ta cũng dần dần thấy rõ qui trình và tiêu chuẩn phong chức danh giáo sư của Nhà nước rõ ràng là có nhiều vấn đề, dẫn đến “loạn” giáo sư vì có quá nhiều người mang danh giáo sư mà không làm nghiên cứu và cũng chẳng giảng dạy. Chúng ta cũng đã thấy quyền bổ nhiệm giáo sư của trường đại học là hợp lí và hợp với xu hướng thế giới. Nhiều người miệng thì nói là cần phải hội nhập thế giới, nhưng khi có ai làm thì khó chịu. Thật trớ trêu! Sáng kiến của Trường ĐH TĐT là một trong những dịp để biến lời nói thành hành động.
____

Không có nhận xét nào: