Phần đầu tiên của báo cáo đã đánh giá tổng quan tình hình khu vực cũng như các mối nguy cơ đối với an ninh hàng hải tại đây. Trong đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Đông và Biển Đông bị cho là ảnh hưởng mạnh mẽ đến các sự ổn định trong khu vực.
Là một bên tranh chấp, Trung Quốc liên tục có nhiều hành động gây lo ngại, đe dọa nhằm vào các bên liên quan. Chứng minh điều này, báo cáo chỉ ra một loạt hành vi của Bắc Kinh: tăng cường hoạt động quân sự, quấy phá và gây rối ở Biển Đông như tập trận, triển khai giàn khoan di động Haiyang Shiyou-981 ở vùng biển Việt Nam; thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông... Khu vực Ấn Độ Dương, vốn nối tiếp với Thái Bình Dương, cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ căng thẳng. Tình hình như vậy, khiến cho một số nước phải tăng cường khả năng phòng vệ.
Trong khi đó, nhiều năm qua, Mỹ luôn khẳng định sẵn sàng hành động đảm bảo quyền tự do an ninh hàng hải. Hơn thế nữa, Washington lại có không ít lợi ích kinh tế, thương mại và cả địa chính trị trong khu vực. Chính vì thế, để ứng phó các mối nguy cơ, Lầu Năm Góc đã vạch rõ chiến lược an ninh hàng hải cần theo đuổi tại châu Á - Thái Bình Dương như sau:
Nâng cao năng lực quân sự Mỹ ở châu Á
Năm nay, Washington đã triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan thay thế tàu USS George Washington đến đồn trú tại Nhật Bản. Đến năm 2020, tàu đổ bộ USS America cũng sẽ đến Nhật Bản để hoạt động tại khu vực này. Với chiều dài 257 m và độ choán nước 45.000 tấn, ngang ngửa tàu sân bay nhiều nước khác, tàu đổ bộ USS America thực chất là một tàu sân bay đủ sức mang theo chiến đấu cơ F35-B và nhiều loại máy bay khác. Chính vì thế, sự hiện diện của USS America đồng nghĩa với việc Washington triển khai 2 hàng không mẫu hạm túc trực tại châu Á - Thái Bình Dương.
Bất ngờ hơn, Lầu Năm Góc còn vạch kế hoạch đồn trú cả 3 siêu tàu khu trục lớp Zumwalt đầu tiên tại Hạm đội Thái Bình Dương. Lực lượng chiến hạm cận bờ đồn trú luân phiên ở Đông Nam Á cũng sẽ được tăng cường khả năng hoạt động.
Để hỗ trợ hải quân, một lực lượng hùng hậu chiến đấu cơ gồm F-22, F-35, B-2, B-52… được củng cố ở Thái Bình Dương. Từ năm 2017, một số chiến đấu cơ F-35 hiện đại sẽ bắt đầu được điều động đến đây. Lầu Năm Góc cũng củng cố cả hệ thống radar, do thám và máy bay trinh sát, chống ngầm ở khu vực này. Kèm theo đó, các máy bay không người lái vũ trang lẫn trinh sát của Mỹ sẽ hoạt động nhiều hơn.
Hàng loạt kế hoạch nâng cấp và tăng cường thêm nhiều loại tên lửa tối tân cũng được Lầu Năm Góc đề ra cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Về nhân sự, lực lượng 368.000 binh sĩ và nhân viên quân sự tiếp tục được đảm bảo.
Đến năm 2020, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ chiếm 30% số lượng tàu chiến mà Mỹ triển khai ở nước ngoài. Đặc biệt, 60% thiết bị, hạ tầng không quân và hải quân Mỹ ở nước ngoài cũng sẽ được đặt tại châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả nhằm đảm bảo khả năng đối phó chiến lược phong tỏa chống tiếp cận mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Phát triển đồng minh và các đối tác
Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các đồng minh cũng như tăng cường quan hệ hợp tác với nhiều đối tác trong khu vực. Cụ thể, với đồng minh Nhật Bản, Washington sẽ hỗ trợ Tokyo nâng cao khả năng của lực lượng phòng vệ biển. Trong đó, Mỹ sẽ bán máy bay V-22 Osprey và phương tiện đổ bộ tấn công cho Nhật Bản. Máy bay không người lái Global Hawk và máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeyes cũng có trong đơn hàng mà Washington cung cấp cho Tokyo.
Với các đối tác Đông Nam Á, Washington cũng tăng cường hỗ trợ. Theo đó, sau khi thực hiện nhiều chương trình cung cấp thiết bị trinh sát bờ biển cho Indonesia và Malaysia, Mỹ đang hỗ trợ Philippines nâng cấp khả năng giám sát bờ biển. Mỹ cũng đã cung cấp hệ thống cảnh báo vũ khí phá hủy quy mô lớn cho một nước Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Các chương trình hỗ trợ, hợp tác trên không chỉ tập trung vào việc tăng cường trang thiết bị hay khả năng của các đối tác, đồng minh, mà còn đẩy mạnh hình thành nhận thức chung về vấn đề tranh chấp hay các bất đồng. Đồng thời, Mỹ cũng đẩy mạnh hợp tác với Ấn Độ nhằm phòng ngừa các nguy cơ bùng nổ xung đột ở Ấn Độ Dương.
Giảm thiểu nguy cơ
Đây là một phần trong chiến lược của Washington đối với an ninh hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, bên được đánh giá là có nhiều hành động gây căng thẳng trong khu vực, thì Mỹ cũng tăng cường hợp tác để giữ vững kênh đối thoại nhằm giải quyết các bất đồng. Trong đó có cả các hợp tác về ngoại giao lẫn quân sự. Tuy nhiên, Washington vẫn nhấn mạnh sự quan ngại đối với nhiều hoạt động của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Mỹ còn thông qua các kênh như ASEAN để nhằm đảm bảo ổn định cho tình hình khu vực. Mỹ hợp tác cùng ASEAN để hình thành các đường dây nóng để kịp thời ứng phó các căng thẳng xảy ra bất ngờ.
Từ những mối hợp tác trên, Washington dần hình thành nhiều kênh đối thoại hơn cùng các đối tác trong khu vực, điển hình như tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Tất cả những nỗ lực này nhằm giảm thiểu nguy cơ, hình thành cấu trúc an ninh khu vực và từng bước xây dựng nhận thức chung, giá trị thực thi luật pháp quốc tế.
(theo Thanhnien)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét