Pages

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Nga buộc Mỹ thay đổi chiến lược tại Syria

mediaNgoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và đồng cấp Mỹ John Kerry tại Kuala Lumpur, Malaysia, 05/08/2015.REUTERS/Brendan Smialowski/Pool
Thế trận tại Syria đột ngột thay đổi với sự hiện diện quân sự gia tăng của Nga ít ngày gần đây. Bài « Matxcơva đẩy Washington vào chỗ phải thay đổi chiến lược tại Syria » trên Le Figaro, ngày 21/09/2015, đưa ra một số nhận định đáng chú ý về quan hệ Mỹ-Nga trước chuyển biến mới này.





Hoa Kỳ đang ở trong thế bị động. Le Figaro ghi nhận hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phải thương lượng với người đồng cấp Nga về « những quy tắc » để tránh đụng độ quân sự Nga-Phương Tây trên chiến trường Syria. Đây là « một thay đổi hết sức quan trọng đối với Mỹ », theo Le Figaro, bởi « kể từ xung đột Ukraina đến nay, mọi đối thoại về quân sự với Nga » đã bị đình chỉ.
Le Figaro nhận định : Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác, bởi ông Putin đã khai thác được lợi thế, nhân sự bất lực của Hoa Kỳ tại Syria và nỗi hoang mang sâu sắc tại Châu Âu do cuộc khủng hoảng tị nạn, để đưa phương tiện quân sự và binh sĩ vào cuộc chống phe Thánh chiến Hồi giáo.
Việc Nga hỗ trợ chế độ Damas môt phần bắt nguồn từ quan hệ lâu dài với « khách hàng Syria» kể từ những năm 1960, nhưng mặt khác, mục tiêu của Nga là thoát ra khỏi vũng lầy Ukraina, để tìm kiếm chỗ đứng mới tại khu vực Trung Cận Đông, nơi khởi phát của làn sóng tị nạn, khiến Châu Âu hết sức lúng túng, như nhận định của cựu đại sứ Hoa Kỳ John Herbts, một chuyên gia về hồ sơ Nga.
Một nguồn tin ngoai giao Phương Tây so sánh chiến thuật đáng sợ của Tổng thống Nga với « một vận động viên võ judo sử dụng các điểm yếu của đối phương ». Hoa Kỳ có khả năng hành động như thế nào ? Le Figaro đưa ra một số dự báo về khả năng thỏa hiệp Mỹ-Nga.
Mỹ-Nga : khả năng thỏa hiệp
Nếu như sự ra đi của Tổng thống Bachar al-Assad là « điều dường như không thể nhân nhượng» (như nhận định của Ngoại trưởng Mỹ : « Ác quỷ Daech là sản phẩm trực tiếp của đồ tể Assad»), thì nhịp độ của giai đoạn chuyển tiếp chính trị là điều mà chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ phải thương lượng với Nga. Vẫn theo cựu đại sứ Mỹ John Herbts, chính quyền Obama sẽ phải từ bỏ lập trường mang tính chất « lý tưởng » lâu nay, để hướng tới một đối thoại với Nga về giải pháp một chế độ Damas không có Tổng thống Assad, mở rộng cho sự tham gia của cộng đồng người Sunni. Le Figaro dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, theo đó, cho dù hiện tại ủng hộ chế độ Assad, nhưng lập trường của Nga về vấn đề này « không phải là bất di bất dịch », và « sự can thiệp của Nga (đang diễn ra) có thể cho phép Matxcơva cứng rắn hơn với Damas sau này ».
Theo một số chuyên gia, một thỏa hiệp Nga-Mỹ về Syria là có thể, bởi cho dù phô trương lực lượng, nhưng trên thực tế Nga « đang ở trong một tình thế nhạy cảm ». Đơn độc bảo vệ một chính quyền Damas đã rất suy yếu « có thể là một ảo tưởng », « với nguy cơ sa lầy quân sự » và trong bối cảnh kinh tế trong nước rất mong manh hiện nay.
Bên cạnh đó, Nga cũng đối mặt với nguy cơ Thánh chiến lan sang nước mình, với thực trạng hàng ngàn người gốc Nga đang chiến đấu trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Le Figaro kết luận, những điều nói trên cho thấy rất có thể sẽ có một cuộc hội kiến Obama-Putin bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9 tại New York.

Không có nhận xét nào: