Pages

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Ông Thức: 'Tổ quốc từ chối mới đi tị nạn'


Image copyrightInternet
Image captionÔng Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù

Người cuối cùng trong danh sách Mỹ đòi trả tự do hiện vẫn còn ngồi tù và để ngỏ khả năng 'tị nạn' nếu buộc phải ra đi, theo gia đình ông.
Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức nằm trong danh sách bốn người được Hoa Kỳ nêu đích danh và đòi Việt Nam trả tự do tại phiên kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền hồi đầu năm 2014 tại Geneva.
Hai người trong danh sách, ông Cù Huy Hà Vũ và Điếu cày Nguyễn Văn Hải, đã từ nhà tù sang thẳng Hoa Kỳ, tương tự như trường hợp cuối tuần qua của bà Tạ Phong Tần.
Người thứ tư, luật sư Lê Quốc Quân, cũng đã mãn hạn tù và đã được tự do.
Nói chuyện với BBC hôm 21/9/2015 qua điện thoại từ Sài Gòn, cha của ông Thức, ông Trần Văn Huỳnh, người từng có mặt tại phiên kiểm định nhân quyền năm 2014 ở Geneva, nói:


"Chúng tôi cũng mong là trong quan hệ ngày càng gần hơn giữa hai nước Mỹ - Việt Nam thì tình hình sẽ cải thiện và việc những tù nhân lương tâm được trả tự do, luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và mới nhất là nhà báo Tạ Phong Tần, vừa đến Mỹ cách đây hai ngày, chúng tôi cũng mong rằng việc của Thức cũng sẽ được xem xét và trả tự do.
"Nhưng mà Thức thì cho đến thời điểm chúng tôi gặp hồi 22/8 trong thời gian gặp hàng tháng vừa qua thì Thức nói rằng vẫn giữ kiên định là mong muốn ở lại Việt Nam sau khi được tự do để tiếp tục làm tất cả những gì có thể để xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước Việt Nam."
"... Thức nói rằng chỉ khi nào mình bị Tổ quốc từ chối thì mới nghĩ đến việc tị nạn."
Ông Huỳnh nói thêm trong phỏng vấn với Nguyễn Hùng hôm 21/9:

"Thức cũng mong rằng về tình hình nhân quyền, với các tin tức vừa đây mà các tù nhân lương tâm như là Cù Huy Hà Vũ, rồi Điếu Cày, Lê Quốc Quân thì trường hợp của Thức cũng được xem xét để giải quyết, trong tinh thần tiến tới kết thúc [Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương] TPP giữa Mỹ và Việt Nam.
"Nhưng mà Thức cho rằng là đối với Thức thì vẫn mong muốn ở lại Việt Nam để sau khi được tự do thì tiếp tục cống hiến cho đất nước với tư cách là công dân có trách nhiệm với đất nước, với quyền con người mà mọi người được mặc định là có, không phải xin và không ai phải cho.
"Đó là quyền phát biểu, đóng góp vào ích lợi chung của cộng đồng dân tộc."
Trước khi bị bắt và đưa ra xét xử với mức án 16 năm tù giam và năm năm quản chế vì cáo buộc lật đổ, ông Thức là tổng giám đốc công ty dịch vụ điện thoại internet, OCI.

'Muốn giám đốc thẩm'

Ông Huỳnh cũng nói con trai ông đã có đơn khiếu nại gửi các cơ quan liên quan của Việt Nam về việc đã bị "oan sai" cũng như bị "bức cung, nhục hình" trong giai đoạn bị giam giữ trước khi xử án ở Trại B34 của Bộ Công an tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24/5/2009 tới ngày có bản án sơ thẩm hôm 20/1/2010.

Image captionÔng Trần Văn Huỳnh (phải - khi ở Geneva hồi tháng 2/2014) hy vọng con ông sớm được tự do

Và con trai ông hy vọng đơn sẽ được xem xét và giải quyết trên cơ sở những thay đổi trong Hiến pháp và pháp luật ở Việt Nam gần đây, theo ông Huỳnh.
"Thức có nói qua thông tin thì biết rằng có hội đồng thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao họp kỳ đầu tiên để mở ra giai đoạn mới đối với việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm và hội đồng này sẽ thực hiện quyền tư pháp độc lập theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức tòa án vừa có hiệu lực," ông Huỳnh nói.
"Với thông tin này, chúng tôi cũng mong sự việc của Thức sẽ được xem xét lại trong tinh thần hội đồng thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ thực hiện quyền tư pháp độc lập đó để xem xét tái thẩm, giám đốc thẩm trường hợp của con tôi là Trần Huỳnh Duy Thức."

Mỗi tháng năm phút

Ông Huỳnh nói ngoài chuyện mỗi tháng được gặp gia đình một lần, ông Thức cũng liên hệ qua thư và điện thoại với người thân từ trại giam Xuân Lộc:
"Thức mỗi tháng được gọi điện thoại năm phút về cho gia đình và đồng thời cũng được viết thư gửi về nhà qua hệ thống bưu điện.


"Thức để thời giờ rất nhiều để viết thư cho gia đình và đồng thời cũng nói những suy nghĩ, trăn trở của mình, về tình hình đất nước về những diễn biến mà Thức cho đó là chuyển biến tích cực.
"Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế qua vấn đề Biển Đông."
Ông Huỳnh cũng nói thêm ông Thức cho rằng sự gần gũi hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác hiện nay là "cơ hội ngàn năm có một" để Việt Nam thay đổi.
Khi được hỏi về liên hệ của ông Thức với vợ và hai con gái, ông Huỳnh nói con gái thứ hai của ông Thức đang học ở Việt Nam và hàng tháng vẫn cùng mẹ vào thăm ông Thức trong khi con gái lớn đang học ở San Francisco cũng vào thăm ông mỗi khi về Việt Nam.
Ông Huỳnh nói thêm: "Thức đối với gia đình thì rất yêu thương vợ và các con, làm những bài thơ tặng sinh nhật cho vợ, con...
"Những tháng gần đây Thức đều viết thư đều đặn, mỗi tháng hai lần gởi về nhà qua hệ thống bưu điện trong đó Thức kể cho gia đình, cho cha là tôi và cho anh chị em của Thức ... Thức đều nói về những suy nghĩ của mình về những diễn biến tích cực đang diễn ra trên đất nước."

Không có nhận xét nào: