Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tiếp một quan chức quân sự cấp cao hàng đầu của Triều Tiên hồi năm 2013
|
Trung Quốc lâu nay vẫn được tin là nước có ảnh hưởng nhiều nhất đối với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un. Trung Quốc là nước cùng sát cánh chiến đấu với Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-53 và vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn trợ giúp lớn nhất cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc với Bình Nhưỡng trong thời gian vừa qua đã bị nghi ngờ, đặc biệt là trong giai đoạn gần 4 năm kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền sau cái chết của cha ông này – cựu Chủ tịch Kim Jong Il. Thời ông Kim Jong Il còn cầm quyền, ông này liên tục đến thăm Trung Quốc và duy trì một mối quan hệ gắn bó mật thiết với Bắc Kinh.
Trong khi đó, Nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong Un chưa từng thực hiện chuyến công du nào đến Trung Quốc và cũng không đón tiếp bất kỳ quan chức cấp cao Trung Quốc nào đến thăm Bình Nhưỡng. Chủ tịch Kim Jong Un còn bỏ qua lễ diễu binh hoành tráng mà Bắc Kinh tổ chức hồi đầu tháng này. Thay vào đó, Nhà lãnh đạo Triều Tiên cử đại diện đến tham dự.
Giới chức Triều Tiên hiện đang phát đi tín hiệu về việc họ có thể đánh dấu lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10 tới bằng một vụ phóng tên lửa. Đồng thời gần đây, Bình Nhưỡng thông báo khởi động trở lại tổ hợp hạt nhân lớn của nước này, làm dấy lên tin đồn về việc Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân thứ tư. Một vụ thử hạt nhân hay một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đều là hành động vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc trước vụ thử hạt nhân được tuyên bố gần đây nhất của Triều Tiên, hồi mùa xuân năm 2013, được xem là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt, thể hiện một sự nghiêm khắc và cứng rắn. Trung Quốc đã nhanh chóng tham gia vào cộng đồng quốc tế để lên án vụ thử hạt nhân của đồng minh Triều Tiên, triệu tập Đại sứ Triều Tiên đến để phản đối. Và trong một chừng mực được cho là phát đi tín hiệu cảnh báo, nguồn giao dịch thương mại giữa biên giới hai nước Trung Quốc và Triều Tiên đã có dấu hiệu giảm xuống.
Một vụ thử hạt nhân mới hay một vụ phóng tên lửa mới của Bình Nhưỡng có thể dẫn tới kết quả là Bắc Kinh sẽ thực thi những biện pháp trừng phạt hiện tại và cả biện pháp trừng phạt mới thêm nữa một cách quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn.
"Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ hành động của Triều Tiên và chắc chắn sẽ thực thi các nghị quyết trong tương lai của Liên Hợp Quốc một cách kiên quyết hơn”, ông Zhang Liangui – một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết ở thủ đô Bắc Kinh.
Bắc Kinh cũng có thể tiến hành những bước đi đơn phương như giảm các hoạt động giao dịch thương mại, buôn bán ở khu vực biên giới giữa hai bên, vị chuyên gia Trung Quốc phân tích thêm. Những biện pháp như vậy có thể nhằm vào hàng hóa công nghiệp và hàng hóa xa xỉ mà Chủ tịch Kim Jong Un cần để duy trì nền kinh tế của Triều Tiên và đảm bảo sự trung thành của những người ủng hộ cho ông này.
Thông tin về giao dịch quan hệ thương mại của Triều Tiên rất khó để tiếp cận. Tuy nhiên, theo ước tính của Hàn Quốc, tổng giao dịch thương mại của Triều Tiên tăng nhẹ lên 7,61 tỉ USD hồi năm ngoái, trong đó thương mại giữa Trung Quốc-Triều Tiên chiếm khoảng 6,8 tỉ USD.
Bắc Kinh cũng có thể tăng cường triển khai lực lượng ở khu vực dọc biên giới kéo dài 1.420km với Triều Tiên. Trung Quốc được cho là đã làm như vậy hồi tháng trước khi Triều Tiên và Hàn Quốc có cuộc đụng độ với nhau.
Một cuộc thử hạt nhân hay phóng tên lửa mới có thể gây ra những tổn thất lớn cho mối quan hệ vốn đã không mấy êm đẹp giữa hai nước đồng minh Triều Tiên và Trung Quốc, giữa chính phủ hai bên và cả trong lòng công chúng Trung Quốc. Người dân Trung Quốc được cho là ngày càng có cái nhìn tiêu cực về nước láng giềng và đồng minh Triều Tiên của họ.
"Quan trọng hơn cả, quan hệ giữa hai đảng và nhân dân hai nước sẽ bị làm phương hại nghiêm trọng nếu Triều Tiên khăng khăng hành động trong khi biết rõ lập trường của phía Trung Quốc”, ông Lu Chao, một chuyên gia về Triều Tiên của Học viện Khoa học Xã hội tỉnh Liaoning – nơi nằm sát với Triều Tiên, đã nhận định như vậy.
Theo ông Lu, một diễn biến như trên sẽ khiến Triều Tiên “trở nên bị cô lập nhiều hơn trên trường quốc tế” và Bắc Kinh chắc chắn sẽ không sẵn sàng đứng ra bảo vệ đồng minh của mình tại các diễn đàn như Liên Hợp Quốc.
Tuy vậy, Bắc Kinh được cho là cũng sẽ không sẵn sàng áp dụng các biện pháp có thể gây ra một mối đe dọa từ bên ngoài cho chính quyền của Triều Tiên, thậm chí kể cả khi Trung Quốc gây áp lực lớn hơn để buộc Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động khiêu khích hạt nhân và cải cách nền kinh tế của họ.
Cùng với các mối quan hệ lịch sử, Bắc Kinh sẽ tiếp tục xem Triều Tiên như một vùng đệm an toàn để chống lại lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc còn lo ngại sâu sắc về viễn cảnh sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên sẽ dẫn đến làn sóng nhập cư ồ ạt vào nước này.
Vì những lý do như trên, Bắc Kinh sẽ không thể hạn chế sự giúp đỡ về mặt lương thực và những mặt hàng thiết yếu bao gồm dầu mỏ, nhiên liệu cho đồng minh Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ giảm bớt một số khoản viện trợ khác./Vân Linh (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét