Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Trung Quốc tới hạn? Cải cách ở cấp cao hay cách mạng từ dưới lên?

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gần đây phải đối mặt với nhiều bất ổn xã hội, kinh tế phát triển chậm lại, và nạn tham nhũng tràn lan như đã được phơi bày trong vụ việc Bạc Hy Lai. Tuy thế giới bên ngoài khó thấy rõ, nhưng có hai góc nhìn hoàn toàn trái ngược và gây nhiều tranh cãi về tương lai gần và trung hạn của quốc gia này hiện đang cạnh tranh lẫn nhau. Hai kịch bản trái ngược này phản ánh những đánh giá khác nhau cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội và quỹ đạo chính trị khả dĩ (trong tương lai) của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

china-90-years-communist-image_full_600Kịch bản thứ nhất là sự hình dung về một cuộc cách mạng bất ngờ từ dưới lên. Kịch bản này gần đây đã tạo nên nhiều tranh cãi sôi nổi trong giới học thuật và chính trị Trung Quốc. Vào tháng 12 năm 2011, tác giả 30 tuổi của những tác phẩm bán chạy nhất – Hàn Hàn (Blogger nổi tiếng nhất Trung Quốc với trang cá nhân đạt đến 580 triệu lượt đọc) đã đăng một bài viết với tựa đề là “Về Cách mạng” (“On Revolution”)[1] đang nổi tiếng hiện nay. Mặc dù Hàn Hàn đưa ra quan điểm “cách mạng khó có thể là lựa chọn tốt cho Trung Quốc”, góc nhìn gây chú ý của ông về  sự lựa chọn giữa đổi mới và cách mạng đã phản ánh một cách sâu sắc và cải thiện đáng kể nhận thức của công chúng về rủi ro diễn ra cách mạng ở đất nước này.

Thêm vào đó, một trong những quyển sách nổi tiếng nhất trong giới trí thức Trung Quốc ngày nay là bản dịch tiếng Trung của tác phẩm kinh điển năm 1856 của Alexis de Tocqueville Chế độ cũ và Cách mạng (The Old Regime and the Revolution). Một trong những đoạn văn thường được trích dẫn trong đó là lập luận của Tocqueville cho rằng cách mạng thường xảy ra không phải lúc chế độ cũ chống lại thay đổi, mà là khi chế độ đó bắt đầu cố gắng thay đổi nhưng nhận ra kỳ vọng của dân chúng vượt xa bất kỳ tốc độ cải thiện khả dĩ nào mà chế độ có thể đạt được.

Kịch bản thứ hai là sự cải cách từ phía trên, thường được giới tinh hoa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gọi là “cải cách cấp cao” hoặc “cải cách thiết kế tầng đỉnh” (gaige de dingceng sheji). Thuật ngữ sau lần đầu tiên được biết đến tại một cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 10 năm 2010.[2] Thuật ngữ này liên quan đến nhận thức mới của các nhà lãnh đạo rằng Trung Quốc hiện nay đang “gặp phải chỗ nước sâu” liên quan đến vấn đề cải cách, và không thể tiếp tục đủ sức để “dò đá qua sông” như ngụ ý của câu thành ngữ Trung Quốc được nữa. Nói ngắn gọn, sự cải cách mang tính ứng biến cần phải nhường chỗ cho những sự thay đổi sâu sắc và có phương pháp hơn. Hơn nữa, với quá nhiều vấn đề kinh tế – xã hội hiện nay nảy sinh từ các bế tắc và rào cản bên trong hệ thống chính trị của Trung Quốc thì vấn đề cải cách chính trị căn bản cũng cần phải trở thành một phần của chương trình nghị sự.

Theo những người kêu gọi cải cách ở cấp cao, Trung Quốc nên phối hợp tốt hơn giữa chính sách kinh tế – xã hội với phát triển chính trị, cùng với những thay đổi cấu trúc mang tính chặt chẽ hơn. Họ cho rằng cách tiếp cận cũ từ dưới lên nhấn mạnh bầu cử ở cấp cơ sở phải nhường chỗ cho một lộ trình mới trong đó bao gồm những cuộc bầu cử trong nội bộ ĐCSTQ để chọn ra những nhà lãnh đạo của Đảng ở cấp quốc gia, tăng cường sự kiểm soát và đối trọng của các thể chế, và cải cách tư pháp.[3]

Những nhà phân tích nước ngoài cần thiết phải nắm rõ dòng quan điểm của Trung Quốc trong ba lĩnh vực chính: 1) tác động của khủng hoảng Bạc Hy Lai đến  quỹ đạo chính trị của Trung Quốc, 2) khả năng châm ngòi cho các sáng kiến và sự nổi dậy về chính trị – xã hội, và 3) những cơ chế bảo vệ mang tính thể chế mà ĐCSTQ có thể sử dụng để mở đường cho một sự thay đổi về hệ thống. Các nhà phân tích người nước ngoài cần suy nghĩ lại về thuyết “chuyên chế dẻo dai”, một quan điểm chiếm ưu thế trong giới học giả nước ngoài về nền chính trị Trung Quốc, cho rằng chủ nghĩa chuyên chế của Trung Quốc là “dẻo dai” và “mạnh mẽ”.[4] Quan điểm này đánh giá thấp cả tính dễ bị tổn thương vốn có trong một hệ thống độc Đảng lẫn sự phẫn nộ đang tăng lên của dân chúng đối với quyền lực và sự giàu có quá lớn của những người đứng đầu ĐCSTQ.

1. Bạc Hy Lai và và ảo giác chính quyền do những người thực sự có tài nắm giữ của ĐCSTQ

Vào năm 2012, vụ việc Bạc Hy Lai đã làm phơi bày những khiếm khuyết trong hệ thống chính trị. Mặc dù ĐCSTQ đã bị buộc tội đàn áp chính trị và phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong suốt thời gian dài thống trị, các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng nhìn chung chưa được biết đến với chuyện giết người theo kiểu xã hội đen. Nhưng giờ đây vợ của Bạc Hy Lai đã bị kết án vì tội âm mưu giết một doanh nhân người Anh; và cánh tay phải một thời của Bạc Hy Lai, cảnh sát trưởng Trùng Khánh, cũng đã bị buộc tội lạm dụng quyền lực. Dân chúng vẫn còn tự hỏi: Làm sao Bạc Hy Lai, nổi tiếng là Bí thư Trùng Khánh và là một ngôi sao đang lên trong hàng ngũ cấp cao của Đảng, lại vướng vào những hành động sai trái được ghi trên bản cáo trạng dài của ông ta? Làm sao một nhà lãnh đạo cứng rắn, đặc biệt nổi tiếng vì đập tan những băng nhóm tội phạm có tổ chức tại Trùng Khánh, lại đã điều khiển lực lượng cảnh sát của thành phố theo một lề thói vô luật lệ và đôi khi là mang tính tội phạm đến vậy?

Ban lãnh đạo hiện thời của ĐCSTQ coi những vụ việc này như là những sự việc “riêng lẻ và hi hữu”, nhưng nhiều nhà trí thức Trung Quốc lập luận rằng nạn tham nhũng tràn lan trong chính quyền, đặc biệt là khi có dính líu đến những nhân vật lãnh đạo cấp cao của Đảng, điển hình cho một dạng chủ nghĩa tư bản thân hữu đặc biệt suy đồi mà gần đây đã trở thành một lề thói phổ biến nhiều hơn là ngoại  lệ.[5] Bên cạnh vụ tai tiếng Bạc Hy Lai, một vụ tham nhũng khác đang chờ xét xử, liên quan đến việc những cựu quan chức cấp cao trong Bộ Đường sắt đã nhận đút lót hàng tỉ đô la Mỹ, minh hoạ sinh động cho nạn tham nhũng của những nhà lãnh đạo đất nước đang diễn ra ở một phạm vi chưa từng được biết đến trước đó.[6]

Một trong những lời buộc tội chính thức dành cho Bạc Hy Lai là “ông ta đã đưa ra những quyết định sai lầm trong việc đề bạt nhân sự, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”. Những nhà phê bình Trung Quốc mỉa mai lời buộc tội này, đặt câu hỏi rằng tại sao những người đã đề bạt Bạc Hy Lai không phải chịu trách nhiệm cho “quyết định còn sai lầm hơn” của chính họ. Một điều lạ lùng và đáng lưu ý là vụ lộn xộn Bạc Hy Lai đã đi ngược lại quan điểm trọng tâm của thuyết chuyên chế dẻo dai là giới tinh hoa của ĐCSTQ luôn dựa trên một chế độ do những người có tài thực sự nắm giữ (meritocracy). 

Trong con mắt của công chúng Trung Quốc, phương pháp lựa chọn những nhà lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại – với kiểu gia đình trị,mối quan hệ ô dù, thao túng mờ ám bởi những người có ảnh hưởng chính trị lớn, bằng cấp giả, và thậm chí sử dụng của hối lộ để “mua chức quyền” (maiguan) – hình như không dựa gì vào năng lực cả.[7] Tính chính danh của ban lãnh đạo ĐCSTQ đang bị nghi ngờ. Vụ xét xử Bạc Hy Lai (được dự đoán sẽ diễn ra vào năm 2013) có thể trở thành toà án xét xử sự độc quyền chính trị của ĐCSTQ, điều trước tiên đã tạo điều kiện cho thập kỷ lạm dụng quyền lực của Bạc Hy Lai.

Cần lưu ý rằng Bạc Hy Lai vẫn có một lượng lớn những người ủng hộ tại Trung Quốc. Quan điểm dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, khuynh hướng sử dụng vũ lực để giải quyết những mâu thuẫn kinh tế xã hội, sự căm ghét những người giàu được thể hiện rõ cùng với danh tiếng một nhà lãnh đạo làm được việc của Bạc là những điểm nhận được sự ủng hộ của một số nhóm người trong xã hội Trung Quốc. Hơn nữa, trừ khi Trung Quốc thay đổi một cách mạnh mẽ về cách quản trị, những kẻ mị dân trơ tráo và đáng khinh còn hơn cả Bạc Hy Lai có thể vẫn sẽ còn xuất hiện trong tương lai.

2. Một cuộc Cách mạng từ dưới lên đang hình thành?

Cuộc khủng hoảng tính chính danh của ĐCSTQ mà vụ việc Bạc Hy Lai đã châm ngòi tất nhiên không phải là yếu tố duy nhất có thể dẫn đến một cuộc nổi dậy về chính trị – xã hội. Sau hơn hai thập kỷ tăng trưởng nhanh, gần đây kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Xu hướng đi xuống này không chỉ bắt nguồn từ những nút thắt cổ chai về chính trị, mà sẽ còn cho thấy thêm những khiếm khuyết trong hệ thống chuyên chế của ĐCSTQ và do đó sẽ trở thành ngòi nổ cho những khủng hoảng về chính trị. Quyền lực chính trị đầu sỏ ngày càng tăng của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những công ty lớn, được xem là gây ra nạn tham nhũng trên quy mô lớn, chèn ép đầu tư tư nhân, thu nhỏ tầng lớp trung lưu và ngăn cản những sự đổi mới mà Trung Quốc phải đạt được nếu muốn chuyển từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang hướng nghiêng về tiêu dùng và đổi mới, sáng tạo.

Ý thức về bất ổn chính trị, sự lo ngại về các thảm họa kinh tế – xã hội và những tai hoạ khác, đang tăng lên ở Trung Quốc. Có rất nhiều lo ngại về sự thoái hoá môi trường, những mối nguy cho sức khoẻ cộng đồng, và các loại vấn đề mất an toàn công cộng khác nhau. Nỗi lo lắng và sự bất mãn lan đến tất cả mọi tầng lớp kinh tế – xã hội. Một lượng lớn vốn đã chảy ra khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chính những người đứng đầu tự thấy thiếu tin tưởng về sự ổn định chính trị của quốc gia. Dựa trên báo cáo năm 2011 của tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (Global Financial Integrity – GFI), từ năm 2000 đến năm 2009, dòng tiền ra bất hợp pháp của Trung Quốc cao nhất thế giới, đạt 2,7 nghìn tỉ đô la Mỹ.[8] Báo cáo gần đây nhất của GFI, phát hành tháng 10 năm 2012, cho thấy tổng dòng tiền bất hợp pháp ra khỏi Trung Quốc lên đến 3,8 nghìn tỉ đô la trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2011.[9]

Sự phẫn nộ của tầng lớp trung lưu với những chính sách của chính phủ ngày càng được thể hiện rõ rệt trong những năm gần đây. Tỉ lệ thất nghiệp khoảng 20% của sinh viên hiện nay (thường xuất thân từ những gia đình trung lưu và được xem như những thành viên của tầng lớp trung lưu Trung Quốc trong tương lai) đã gióng lên một tín hiệu cảnh báo cho Chính phủ Trung Quốc. Do sự khó khăn trong việc vay nợ của doanh nghiệp nhỏ, bản chất kém minh bạch và luật lệ lỏng lẻo của thị  trường chứng khoán Trung Quốc, và sự thiếu hụt cơ hội đầu tư nói chung, tiền tiết kiệm của tầng lớp trung lưu đã chảy mạnh vào bất động sản. Ác mộng về sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản là một khả năng có thực: Một số vùng có rải rác những khu vực có vô số công trình xây dựng mới nhưng không có người ở, được gọi là “những thành phố ma”. Một nghiên cứu được tiến hành bởi Sở Chứng khoán Thành phố Bắc Kinh cho thấy có 3,8 triệu đơn vị nhà không có người ở tại riêng thành phố này.[10]

Đối với thành phần thấp hơn trong xã hội, tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông tại các thành phố ven biển trong những năm gần đây phản ánh sự phát triển trong nhận thức về quyền cá nhân ở “những nhóm xã hội dễ bị tổn thương”. Người lao động di cư sẽ chuyển từ việc này sang việc khác, nhất là để có được mức lương cao hơn. Tuy vậy chính sách đô thị hoá của Trung Quốc rõ ràng chưa hỗ trợ được cho dân di cư. Những người lao động này phẫn nộ khi nhìn thấy những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu sở hữu nhiều căn hộ, và những quan chức tham ô hay doanh nhân giàu có mua những biệt thự đắt tiền cho những cô bồ nhí của họ.

Bởi lợi ích của giới tinh hoa ĐCSTQ là duy trì việc nắm giữ quyền lực, không có gì đáng ngạc nhiên khi lực lượng công an trở nên có nhiều quyền lực hơn, với ảnh hưởng lên chính sách kinh tế – xã hội gắn liền với ngân sách ngày càng lớn dành cho họ. Tổng số tiền chi tiêu cho việc “duy trì ổn định xã hội” hiện tại đã vượt qua chi phí dành cho quốc phòng.[11] Quyền lực tăng lên của công an còn tạo ra một vòng luẩn quẩn mà trong đó công an càng đàn áp mạnh tay các cuộc nổi loạn thì chúng lại càng lan rộng và càng trở nên bạo lực hơn. Với tất cả những nguyên nhân gây ra sự oán giận trong xã hội, những yếu tố có nguy cơ châm ngòi và xu hướng bất ổn, chúng ta không nên vội coi nhẹ viễn cảnh của một cuộc cách mạng từ dưới lên.

Nguồn: Cheng Li (2013). “China at the Tipping Point? Top-Level Reform or Bottom-Up Revolution?”, Journal of Democracy, Vol. 24, No. 1 (January), pp. 41-48.

Biên dịch: Đỗ Thị Thanh Ngọc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

----------------------

[1] “Về cách mạng” là một trong ba bài viết trong loạt bài của Hàn Hàn, được viết vào đêm giao thừa chuyển sang 2012; hai bài còn lại là “Về dân chủ” và “Về tự do”  http://blog.sina.com.cn/s/article_archive_1191258123_201112_1.html. Để biết thêm các thảo luận, xem Eric Abrahamsen, “Han Han’s U-Turn?” International Herald Tribune, 26 January 2012, có tại http://latitude.blogs.nytimes.com/2012/01/26/blogger-han-han-controversy-on-democracy-in-china.

[2] Zou Dongtao, Zhou Tianyong, Chi Fulin, and Li Zhichang, “Dingceng sheji — Gaige fanglie de yige zhongda fazhan” [Thiết kế tầng đỉnh: Phát triển chiến lược quan trọng của cải cách], Beijing ribao [Bắc Kinh Nhật Báo], 24/1/2011, có tại http://theory.people.com.cn/GB/13796713.html.

[3] Liu Junxiang, “Jingying minzhu—Zhongguo dingceng zhenggai xiwang” [Dân chủ tinh hoa: Hi vọng về cải cách chính trị tầng đỉnh của Trung Quốc], Wenzhai, 22/10/2012, có tại www.21ccom.net/articles/zgyj/xzmj/article_2012102269487.html.

[4] Ví dụ, David Shambaugh quan sát thấy rằng ĐCSTQ là một thể chế khá mạnh và dẻo dai”. China’s Communist Party: Atrophy and Adaptation (Washington, D.C.: Woodrow Wilson Center Press, 2008), 176. Xem thêm Andrew J. Nathan, “China’s Changing of the Guard: Authoritarian Resilience,” Journal of Democracy 14(1/2003): 6–17; và Alice Miller, “Institutionalization and the Changing Dynamics of Chinese Leadership Politics,” trong Cheng Li, biên tập, China’s Changing Political Landscape: Prospects for Democracy (Washington, D.C.: Brookings Institution Press, 2008), 61–79.

[5] Ví dụ vào tháng 3/2012, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nhân dân Zhang Ming đã đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ tình trạng tham nhũng rộng khắp của giới quan chức. Phải mấy tháng sau báo chí nước ngoài mới bắt đầu truy dấu “phả hệ” của chủ nghĩa tư bản thân hữu trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Xem Zhang Ming, “Zhongguo xiang he chuqu?” [Trung Quốc đi về đâu?], Ershiyi shiji, 3 March 2012. Về các nỗ lực của ĐCSTQ miêu tả trường hợp của Bạc Hy Lai là “riêng rẽ và cá biệt”, xem Sina News, 25/5/2012, có tại http://news.sina.com.hk/news/1617/3/1/2673095/1.html.

[6] Xem Evan Osnos, “Boss Rail: The Disaster That Exposed the Underside of the Boom,” New Yorker, 22/10/ 2012, có tại www.newyorker.com/reporting/2012/10/22/121022fa_fact_ osnos#ixzz2Abq3Okl1.

[7] Xem Minxin Pei, “The Myth of Chinese Meritocracy,” Project Syndicate, 14/5/2012, có tại www.project-syndicate.org/commentary/the-myth-of-chinese-meritocracy.

[8] Shijie ribao [Thế Giới Nhật Báo], 20/4/2012, A4.

[9] Dev Kar and Sarah Freitas, “Illicit Financial Flows from China and the Role of Trade Misinvoicing,” Global Financial Integrity, Washington, D.C., October 2012, iv.

[10] Jia Lynn Yang, “As China’s Growth Lags, Fears of a Popping Sound,” Washington Post, 3/10/2012, A16.

[11] Năm 2009, chế độ chi 532 tỉ nhân dân tệ để chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài, và 514 tỉ nhân dân tệ để đảm bảo trật tự trong nước. Năm 2012, các con số là 670 tỉ nhân dân tệ cho quan đội và 702 tỉ nhân dân tệ cho “duy trì ổn định”. Xem “Kanshou Chen Guangcheng” [Quan sát Trần Quang Thành], Shijie ribao [Thế Giới Nhật Báo], 3/5/2012, A4.

(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Không có nhận xét nào: