Một thí sinh ở Bình Thuận đạt 26,5 điểm kêu gọi cứu giúp vì không trúng tuyển đã được Đại học Y dược Cần Thơ mời nhập học.
Hôm 1/9, Đại học Y dược Cần Thơ mời thí sinh Trần Văn Sâm đến trường nhận giấy báo nhập học.
Cùng ngày, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh cho biết ông Sâm, 24 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Mũi Né, được Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cử đi thi liên thông ngành y đa khoa khóa 2015-2019 tại Đại học Y dược Cần Thơ.
“Kết quả thi ba môn Sâm đạt được 26,5 điểm, cao nhất trong số 91 thí sinh mà Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cử đi thi.
Thế nhưng khi đến Đại học Y dược Cần Thơ làm thủ tục nhập học, Sâm gần như ngã quỵ vì không có tên mình trong số 22 thí sinh ở Bình Thuận trúng tuyển dù những người này đều có điểm thấp hơn Sâm”, báo này viết.
Pháp Luật tường thuật: “Sáng 31/8, sau khi cầm tấm bảng kêu gọi giúp đỡ ra đường, Sâm quay về nhà và vùi đầu vào gối khóc nức nở.
Theo gia đình Sâm, hơn một tuần nay Sâm đã sút gần 2 kg do không ăn uống gì. Theo Sâm, hết cách rồi em mới cầm tấm bảng van xin được giúp đỡ ra đường với hy vọng cơ quan chức năng nghe được lời cầu cứu của mình”.
Trong khi đó, trang VnExpress cho biết Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận hôm 31/8 đã yêu cầu trường xem xét tiếp nhận thí sinh Trần Văn Sâm.
Bộ trưởng Luận cho rằng cần tạo điều kiện cho Sâm vì việc người này trượt là lỗi của Sở Y tế Bình Thuận, theo trang VnExpress.
Truyền thông Việt Nam cho biết ông Sâm, sinh năm 1991, được Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi liên thông ngành Y đa khoa (khóa 2015-2019) tại Đại học Y dược Cần Thơ hồi tháng Bảy.
Nhưng sau đó, Sở Y tế Bình Thuận cho rằng thí sinh này không phải là viên chức Nhà nước nên bị loại.
Sở này cũng gửi văn bản cho Đại học Y dược Cần Thơ, giải thích thí sinh chưa phải là nhân viên trong biên chế nhà nước, và khi đăng ký dự thi, đã có việc cập nhật nhầm thông tin.
Hôm 1/9, trên Facebook cá nhân, ông Phương Nam, người đưa trường hợp này lên mạng xã hội, cho biết thêm:
“Đêm qua cả gia đình Sâm đã vui mừng thức trắng. Cảm ơn mọi người đã chung tay giúp một thanh niên với khát khao cháy bỏng trở thành bác sĩ góp phần cứu chữa cho những ngư dân nghèo quê hương”.
‘Cơ chế xin - cho’
Hôm 1/9, trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học tại Hà Nội, bình luận về vụ việc:
“Tôi rất mừng khi hay tin cuối cùng thí sinh Trần Văn Sâm đã được Đại học Y dược Cần Thơ mời nhập học.
"May là thời bây giờ có công nghệ nên thí sinh có thể cầu cứu qua mạng xã hội, chứ nếu 10 năm trước, Sâm có cầm tấm bảng đứng giữa Hà Nội cả tháng cũng không được toại nguyện”.
Bà Ánh nói thêm rằng trường hợp này cho thấy có thể còn nhiều thí sinh oan ức trong những mùa thi đại học vừa qua nhưng không phải ai cũng lên tiếng được.
“Lâu nay ai cũng biết cơ chế xin - cho và bộ máy hành chính ở Việt Nam rất nặng nề và vô cảm. Nhưng tình trạng này diễn ra trong lĩnh vực giáo dục thì rất tai hại, vì nó hủy hoại tương lai của người trẻ, tạo nên vết đen trong tâm hồn của họ”, bà Ánh nói.
Bà cũng nhắc đến trường hợp một thanh niên cầm tấm bảng ghi ‘Học sinh, sinh viên không phải là chuột bạch’ trước trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo gây xôn xao dư luận tuần trước.
Tuy vậy, theo bà Hoàng Ánh, thực trạng giáo dục "không thể chỉ đổ lỗi cho Bộ Giáo dục mà còn có những nguyên do khác".
1 nhận xét:
nhiều bài báo có tựa đê , thí sinh 26,5 điểm đã được bộ trưởng ( cứu ), theo tôi nên nhìn nhận ở góc độ ,bộ trưởng nên xin lỗi vì đã để tình trạng này sảy ra và kỷ luật những người có trách nhiệm tuyển sinh ở ĐH Y cần thơ .sao phải dùng chử (Cứu)
Đăng nhận xét