Trụ sở Ngân hàng Trung ương Mỹ.Reuters
Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), tức Ngân hàng Trung ương Mỹ, có điều chỉnh chính sách tiền tệ hay không và quyết định của Thống đốc Janet Yellen, ảnh hưởng thế nào tới vận mệnh tài chính và kinh tế của toàn cầu ? Các nền kinh tế đang trỗi dậy nín thở trước khả năng lần đầu tiên từ một chục năm qua Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo.
Từ nhiều tháng nay các thị trường tài chính quốc tế chờ đợi Ngân hàng Trung ương Mỹ siết lại chính sách tiền tệ sau gần 8 năm ghìm lãi suất chỉ đạo ở mức gần như là 0 %. Nhưng đó sẽ là một sự « điều chỉnh nhẹ tay » do Fed ý thức được rằng quyết định của mình ảnh hưởng đến vận mệnh tài chính và kinh tế của toàn cầu. Hơn nữa một phần công luận quan niệm rằng bản thân nước Mỹ chưa chắc đã sẵn sàng chấp nhận Ngân hàng Trung ương siết lại chính sách tiền tệ.
Dù vậy, tất cả các nhà quan sát đều đồng ý trên một điểm : sớm muộn gì Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cũng phải tăng lãi suất. Bởi sau khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, Fed đã lập tức hạ lãi suất chỉ đạo để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Mỹ khi đó là Ben Bernanke đã không che giấu là sẽ giữ lãi suất chỉ đạo ở gần như số không để tạo đà cho tăng trưởng và nhất là cho tới khi nào tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ rơi xuống dưới ngưỡng 5,6 %.
Giờ đây, nước Mỹ đã hoàn toàn bình phục sau cơn bão tài chính hồi mùa thu 2008. Tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ còn 5,1 %, tức là đã rơi xuống mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Kinh tế Hoa Kỳ không phải đối mặt với lạm phát, nhờ giá năng lượng và nguyên, nhiên liệu giảm mạnh trong một năm trở lại đây. Các dự báo tăng trưởng đều cho thấy GDP của Hoa Kỳ trong năm nay dao động ở khoảng 2,5 %, sau khi đã đạt thành tích vượt bực 2,4 % vào năm ngoái.
Một khi đã đạt được cả hai mục tiêu chính là ổn định giá cả và cân bằng thị trường lao động, Ngân hàng Trung ương Mỹ không có lý do gì để tiếp tục giữ lãi suất chỉ đạo ở mức thấp kỷ lục. Đó là chưa kể, nếu kéo dài chính sách « tiền rẻ », Fed có nguy cơ khuyến khích giới đầu cơ thổi nên một quả bóng tài chính mới, với những hậu quả tai hại khó lường.
Tuy nhiên, nếu như mọi người đều đồng ý là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ tăng lãi suất chỉ đạo, thì các chuyên gia lại bất đồng về thời điểm để Fed đưa ra quyết định trên.
Theo chuyên gia Claus Vistesen, thuộc trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô Pantheon Macroeconomics của Mỹ, mọi điều chỉnh về lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tác động đến các hoạt động trên các thị trường tài chính, đến chính sách tiền tệ, đến tỷ giá hối đoái và đến kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới. Do vậy, ông Vistesen chờ đợi lãi suất chỉ đạo của Mỹ sẽ chỉ được tăng lên một cách tượng trưng.
Lý do thứ nhất có thể giải thích cho điều này : một bộ phận ngay trong hàng ngũ của Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn cho rằng, sự phục hồi của kinh tế Hoa Kỳ chưa thực sự vững chắc. Đối với thị trường lao động chẳng hạn, giải Nobel kinh tế Paul Krugman lưu ý, tuy tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục từ sau cơn bão tiền tệ hồi năm 2008, bên cạnh 5,1 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm đó, trên thực tế, còn có rất nhiều người không có cơ hội để tham gia thị trường lao động. Một số các công trình nghiên cứu khác không ngần ngại đi đến kết luận rằng, thất nghiệp ở Mỹ cao gấp đôi so với con số chính thức vừa được nêu trên.
Ngoài những yếu tố chỉ liên quan đến thực trạng kinh tế của Hoa Kỳ, trước khi quyết định có tăng lãi suất chỉ đạo hay không, bà Janet Yellen còn phải cân nhắc kỹ đến ảnh hưởng đối với phần còn lại của kinh tế thế giới. Đặc biệt là trong bối cảnh chứng khoán của Thượng Hải và Thẩm Quyến liệc tục mất giá, tăng trưởng của Trung Quốc đang bị chựng lại và để khắc phục những khó khăn đó, Bắc Kinh đã vừa phá giá đồng tiền, vừa ồ ạt bơm tiền vào hệ thống kinh tế quốc gia.
Nhìn đến phần còn lại của thế giới, Nhật Bản vẫn chờ đợi những thành quả tốt đẹp của chính sách kinh tế Abenomics đem lại. Khu vực đồng euro vẫn lấn cấn vì hồ sơ Hy Lạp. Các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa và nguyên, nhiên liệu thì đang trông thấy thu nhập của họ bị thu hẹp lại, khi mà giá giầu khí, khoáng và nông sản đồng loạt sụt giảm từ hơn một năm nay.
Từ năm ngoái, khi mới chỉ có tin đồn là Fed sẽ tăng lãi suất thì lập tức đồng tiền của nhiều quốc gia trên thế giới từ đồng rupee của Ấn Độ, đến real của Brazil, từ đồng ringgit của Malaysia đến đồng rúp của Nga đều bị mất giá.
Nhìn vào bức tranh kinh tế khá ảm đạm đó, liệu rằng bà Yellen có mạnh dạn tăng lãi suất của Mỹ hay không, khi biết rằng trong trường hợp lãi suất chỉ đạo của Mỹ tăng cao, thì vốn đầu tư trên thế giới sẽ ồ ạt đổ về Hoa Kỳ. Hậu quả kèm theo là đồng đô la Mỹ sẽ tăng giá, bất lợi cho khu vực xuất khẩu.
Tóm lại, áp lực rất lớn đang đè nặng lên đôi vai Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ và cầm chắc là cuộc họp báo của bà Jannet Yellen chiều tối nay sẽ được cả thế giới theo dõi, phân tích và mổ sẻ trong những ngày tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét