Trọng tâm cải cách nằm ở phía Nhà nước vì cải cách ở phía Nhà nước là điều kiện cần cho các cải cách ở phía thị trường. Việc thu hẹp, giảm quy mô của kinh tế nhà nước phải tiến hành đồng bộ với đổi mới quản lý nhà nước và phát triển, nâng cấp trình độ thị trường của nền kinh tế, nếu không sẽ làm cho chủ nghĩa thân hữu nặng nề hơn.
Cởi trói bắt nguôn từ lãnh đạo |
Ý kiến các chuyên gia tại hai hội thảo về cải cách thể chế cuối tuần trước.
Ông Trương Đình Tuyển vẫn cảm thấy day dứt khi nhớ về quyết định thành lập Cục Quản lý cạnh tranh nằm dưới ô của Bộ Thương mại, khi ông còn làm bộ trưởng bộ này. Cơ chế đó vô hình trung đã vô hiệu hóa vai trò và hoạt động của cơ quan vốn rất quan trọng để đảm bảo cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đeo đuổi. Có lần, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh muốn điều tra Tổng công ty Thép do nghi ngờ doanh nghiệp nhà nước này vi phạm Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, khi việc điều tra còn chưa bắt đầu, thì họ đã bị một lãnh đạo bộ “tuýt còi”. “Có thứ trưởng không cho điều tra... cơ chế nhà nước như vậy thì làm sao thị trường tốt được”, ông Tuyển nói tại hội thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tuần trước.
Cũng ông Tuyển, nói tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu được tổ chức liền trước hội thảo trên: “Nhu cầu cải cách thể chế hiện nay là rất bức xúc. Các quốc gia chỉ giàu có lên khi có thể chế tốt”. Ông khẳng định: “Nhà nước phải thay đổi chức năng, từ Nhà nước chỉ huy, sở hữu sang Nhà nước kiến tạo phát triển để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nếu chúng ta không làm được điều này, thì đất nước sẽ còn tụt hậu xa hơn”.
Nhận xét của ông Tuyển không bị bất kỳ ai trong giới quan chức chính phủ, đại biểu Quốc hội, và học giả phản bác trong hai hội thảo về thể chế rất được chú ý cuối tuần trước. Người ta đều thống nhất một điểm chung: Nhà nước phình to, ôm đồm, trùng lắp, thiếu giải trình... đang trở thành lực cản cho thị trường phát triển.
Tại diễn đàn này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng: “Sự trói buộc đối với đất nước giờ nằm ở thượng tầng kiến trúc”. Một khía cạnh quan trọng của vấn đề được ông phân tích: ngân sách đang phải gánh cho hoạt động của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, tức tương đương 2-3 nhà nước. Trong khi đó, quản trị nhà nước lại dựa trên nguyên tắc tập thể, dẫn đến tình trạng không ai chịu trách nhiệm. Theo ông, đã đến lúc phải thiết kế lại cấu trúc quyền lực trên nền tảng ngân sách, phải tuyên ngôn là tiền của dân không chịu được cách nuôi Nhà nước như vậy”.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Trần Đình Thiên: “Sự trói buộc đối với đất nước giờ nằm ở thượng tầng kiến trúc”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung thì kể lại thực tế của hàng loạt doanh nghiệp ở Hải Phòng mà ông đến thăm gần đây, cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Cơ quan thuế cứ một mực đòi doanh nghiệp trưng ra hóa đơn gốc của các đối tác nước ngoài. Hay hải quan lại có quyền xác nhận doanh nghiệp trong nước (phải) đủ điều kiện (mới được) ký hợp đồng gia công cho đối tác nước ngoài. Chỉ vào một hình, trong đó, một người è cổ, còng lưng vác bao tải nặng, cắm mặt dò dẫm bước đi trên một cây gỗ, ông Cung ví von đó là tình trạng của doanh nghiệp tư nhân. Bao tải nặng là chi phí, cầu khỉ là nền tảng thể chế. Ông nói: “Tình thế của doanh nghiệp là vậy. Họ phải cúi đầu dò dẫm để cố không rơi xuống sông, nên họ không thể vươn xa... Vấn đề hiện nay nằm ở Nhà nước”.
Ông Cung nhận xét: “Công cụ quản lý, tư duy quản lý không đổi, là đứng bề trên, là kiểm soát thị trường, doanh nghiệp. Nhà nước đặt ra bao nhiêu rào cản để quản, họ nghiện quản”.
Bà Phạm Chi Lan tỏ ra lo ngại: “Đến bây giờ thì bản thân người dân thường cũng thấy được những vấn đề của đất nước. Họ hiểu các vấn đề của hệ thống, của bộ máy... Khi cam kết hội nhập quá nhiều mà trong nước không làm được do thể chế không thay đổi, thì thị trường này sẽ chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài để họ dẫn dắt chúng ta”. Bà nói: “Đừng để lúng túng về lý luận hôm nay cản trở sự phát triển”.
Ông Võ Đại Lược đồng tình: “Chúng ta có nhiều chuyện nhưng chuyện kinh tế không thể chỉ giải quyết được bằng các vấn đề kinh tế...”. Ông Lược giải thích, khu vực doanh nghiệp nhà nước không sao cải cách được, khi vẫn còn xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Ông nói: “Nếu tư duy cũ thì không thể vẽ ra mô hình mới... Nếu chúng ta không nghĩ như thế giới thì chúng ta không tiến cùng được. Tụt hậu về tư duy là tụt hậu quan trọng nhất”.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch góp lời: “Nếu cải cách thể chế chỉ toàn kinh tế thế này, bộ máy và con người không cải cách thì sửa 100 cái luật cũng không cải cách được gì”. Ông Lịch khẳng định, bộ máy công quyền phải là trọng tâm cải cách nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trọng tâm cải cách nằm ở phía Nhà nước
Đây là thời điểm cho cải cách lần hai mà trọng tâm là nâng cao chất lượng của nền kinh tế Việt Nam theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, và hội nhập. Nội dung của cuộc cải cách này nằm ở cả thị trường và Nhà nước. Về phía Nhà nước, không chỉ thu hẹp lại quy mô và phạm vi của Nhà nước, mà còn phải đổi mới toàn diện khu vực nhà nước, nhất là quản trị quốc gia ở các lĩnh vực sau:
Đổi mới vai trò, chức năng của Nhà nước phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Nhà nước bổ sung cho thị trường, kết hợp với thị trường.
Đổi mới cơ cấu tổ chức nhà nước, nhất là tổ chức chính phủ, cơ cấu của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đổi mới, thay thế công cụ quản lý nhà nước lạc hậu, di sản của kế hoạch hóa tập trung, của thể chế hành chính xin - cho bằng các công cụ quản lý nhà nước khác hướng đến duy trì kỷ cương, trật tự xã hội, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường.
Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước, nhất là thái độ và động lực làm việc, thực thi công vụ của công chức.
Trọng tâm cải cách nằm ở phía Nhà nước vì cải cách ở phía Nhà nước là điều kiện cần cho các cải cách ở phía thị trường. Việc thu hẹp, giảm quy mô của kinh tế nhà nước phải tiến hành đồng bộ với đổi mới quản lý nhà nước và phát triển, nâng cấp trình độ thị trường của nền kinh tế, nếu không sẽ làm cho chủ nghĩa thân hữu nặng nề hơn.
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung)
Theo Tư Giang (TBKTSG)
* Tựa đề và hình ảnh do VNTB đặt
* Khi Nhà nước “nghiện” quản
1 nhận xét:
Vì các côty ,xí nghiệp... toàn là nhóm lợi ích của Bộ chính trị Csảvn .NÊN các Nhân sĩ trí thức đau đầu với vận nước có nói gì đi nữa cũng bằng thừa .16 đứa Bộ chăn trâu nó cũng gạt ngang à .Chỉ khi nào bất hợp tác với cộng sản trog mọi lãnh vực may ra nó bó tay thôi ( bất tuân dân sự )
Đăng nhận xét