Pages

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Washington Post: Liệu Trung Quốc có sụp đổ?

Vấn đề đặt ra với Trung Quốc hiện nay là liệu nó có thể duy trì ổn định bên trong và đóng góp vào sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu hay không. Giống như nhiều phép màu kinh tế trước kia – mà Nhật Bản là một ví dụ – Trung Quốc từng trải qua giai đoạn tưởng như không thể bị chặn lại. Nền kinh tế tăng trưởng ở mức gần như không thể tưởng tượng nổi: khoảng 10%/năm. Dường như không một trở ngại nào khiến nó không thể vượt qua. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Trung Quốc áp dụng gói kích thích kinh tế khổng lồ tương đương khoảng 13% GDP. Tăng trưởng lại tiếp tục như trước, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc được ca tụng rộng rãi.

Giờ thì hoá ra là Trung Quốc – giống như Nhật Bản – không phải là bất khả sai lầm. Quả thực, sau khi đã tính đến những khác biệt về bối cảnh lịch sử, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản dường như đều phạm phải những sai lầm giống nhau. Nhật Bản từng dựa vào hoạt động xuất khẩu và đầu tư cho đến khi mức tỷ giá đồng nội tệ lên cao vào giữa thập niên 1980 làm suy yếu khả năng cạnh tranh về giá của các sản phẩm xuất khẩu “made in Japan”. Chính phủ Nhật bèn áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, dẫn đến hiện tượng bong bóng trong lĩnh vực bất động sản và giá cổ phiếu. Tương tự, Trung Quốc từng thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và, khi khủng hoảng tài chính khiến hoạt động thương mại trì trệ, chuyển sang chính sách tăng trưởng tín dùng ồ ạt để tài trợ cho các dự án hạ tầng và đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp nặng.


Vấn đề rắc rối với cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc là hiện tượng phát triển bùng nổ bắt nguồn từ tín dụng này chỉ diễn ra ngắn ngủi. Bong bóng thị trường Nhật Bản bị vỡ (chỉ số thị trường chứng khoán hiện vẫn ở dưới mức đỉnh cao năm 1989.) Bong bóng thị trường Trung Quốc thì dẫn đến năng lực sản xuất dư thừa trong ngành công nghiệp nặng và những khu đô thị hoành tráng mà phần lớn là hoang vắng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã chấp nhận nhu cầu phải đổi mới mô hình kinh tế – một mô hình dựa vào chi tiêu tiêu dùng như là động lực chính của tăng trưởng. Tuy nhiên, thay đổi trên lý thuyết và thay đỗi trong thực tiễn lại không giống nhau.

Nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng là đang suy yếu, và tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn chỉ tiêu 7% của chính phủ – có lẽ là thấp hơn nhiều. Tháng 8, chỉ số sản xuất của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Sản xuất điện năng và vận chuyển đường sắt cũng gây lo ngại bởi đà suy giảm. Tuy nhiên, trong một báo cáo, hai nhà kinh tế học Donna Kwok và Tao Wang của ngân hàng UBS lại xem nhẹ những diễn biến này. Khoảng 70% điện năng được tiêu thụ trong ngành công nghiệp, lĩnh vực đang giảm tầm quan trọng. Ngành vận tải đường sắt liên quan nhiều đến vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện; nhu cầu sử dụng điện năng yếu đi thì hoạt động vận tải đường sắt cũng suy yếu.

Nền kinh tế Trung Quốc không phải là gần sụp đổ, Kwok và Wang nhận định, mặc dù họ thừa nhận những vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề nghiêm trọng nhất là hiện tượng đầu tư nhà ở quá mức, khiến hoạt động xây dựng và nhu cầu đối với vật liệu xây dựng (sắt thép, xi-măng) suy giảm. Sự lao dốc của thị trường chứng khoán cũng để lại dư vị đắng. Song những tin tức tốt lành lại bị bỏ qua, hai nhà kinh tế nói. Tháng 7, doanh số hàng bán lẻ tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh số điện thoại thông minh tăng 32%. Thị trường việc làm vẫn ổn định, và chứng khoán lúc ở giá trị đỉnh cao cũng chỉ chiếm 12% tài sản hộ gia đình.

Nhà kinh tế học Nicholas Lardy thuộc Viện Peterson về Kinh tế học quốc tế (Peterson Institute for International Economics), một chuyên gia về Trung Quốc, nhất trí với nhận định trên. “Tiền lương và thu nhập sau thuế vẫn đang tăng lên”, ông nói. “Tiêu dùng đang tăng.” Song điều đó lại đang được dẫn dắt bởi khu vực dịch vụ, vốn chiếm gần một nửa GDP, chứ không phải hàng hoá công nghiệp, vốn chỉ chiếm hơn 1/3 đôi chút. “Chi tiêu vào y tế, giáo dục, du lịch và giải trí là rất nhiều”, Lardy cho biết. Ông nêu tên một chuỗi rạp chiếu phim mà doanh thu trong nửa đầu năm 2015 đã tăng 40%.

Mặc dù vậy, hiện tượng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã gây ra hậu quả trên phạm vi toàn cầu. Nhu cầu khổng lồ đối với nguyên vật liệu thô (dầu mỏ, nông sản, khoáng sản) từng gây ra hiện tượng bong bóng hàng hoá, thứ bong bóng nay đã vỡ. Giá cả từng tăng mạnh và nay lại giảm sốc; xuất hiện hiện tượng dư thừa năng lực khai khoáng ở nhiều loại kim loại. Các nhà sản xuất hàng hoá từ Australia, Brazil đến Saudi Arabia đều bị ảnh hưởng nặng nề. Họ (và gần như bất cứ ai khác) đều đã đánh giá quá cao triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc. Tính toán sai lầm của họ gây tác hại lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị lại còn cần phải suy xét thận trọng hơn. Liệu phần lớn người dân Trung Quốc có thích nghi với một tốc độ tăng trưởng chậm hơn, dù vẫn cao so với chuẩn mực phương Tây, hay không? Hay tốc độ tăng trưởng thấp sẽ khiến Đảng Cộng sản mất uy tín? Liệu Trung Quốc có theo đuổi một đường lối dân tộc chủ nghĩa và trọng thương chủ nghĩa hơn ở bên ngoài để dân chúng quên đi những thất vọng trong nước hay không? Lardy cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy an toàn chừng nào việc tạo việc làm vẫn ổn định – như những gì đã diễn ra. Trong nửa đầu năm 2015, ông cho biết, số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng 7,2 triệu, một con số ấn tượng. Khu vực dịch vụ thuê nhiều nhân công gấp đôi khu vực công nghiệp, ông lưu ý.

Dù vậy, một Nhật Bản tương đồng với Trung Quốc lại vẫn đang vật lộn với khó khăn. Sau sự sụp đổ của mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu, Nhật Bản thực sự chưa bao giờ tìm ra một sự thay thế tương xứng. Nền kinh tế của nó cứ mò mẫm hết cuộc “cải cách” này đến lần “cải cách” khác. Trong nhiều năm, tốc độ tăng trưởng bình quân thấp hơn 1%. Đó là một sự khác biệt hoàn toàn với quá khứ. Nếu Trung Quốc trải qua điều gì đó tương tự – thậm chí với mức tăng trưởng trên 1% – thì thật khó mà hình dung ra chuyện các nhà lãnh đạo Trung Quốc phản ứng thụ động như Nhật Bản.

Robert J. Samuelson - Washington Post |
Lê Anh Hùng chuyển ngữ.

(VNTB)

Không có nhận xét nào: