Pages

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

2015 EVN lãi nhờ tăng giá điện, 2016 sẽ tiếp tục tăng giá điện *

Chưa trực tiếp kiến nghị tăng giá lên cơ quan quản lý song kế hoạch kinh doanh năm nay của Tập đoàn Điện lực được tính toán mức giá 1.651 đồng mỗi kWh, cao hơn hiện hành 30 đồng.


Trình bày báo cáo tổng kết năm 2015 tại doanh nghiệp sáng 6/1, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay đã đặt kế hoạch giá bán điện bình quân năm 2016 khoảng 1.651 đồng mỗi kWh. Trong khi đó, mức thực hiện của năm 2015 mà Bộ Công Thương đang quy định là 1.622 đồng.

Con số tại bản kế hoạch mới mà EVN đưa ra cũng cao hơn giá bán điện trung bình của tập đoàn năm qua hơn 20 đồng một kWh. Theo đó, giá điện bình quân toàn tập đoàn năm 2015 đạt xấp xỉ 1.630 đồng mỗi kWh (tăng 12,58 đồng so kế hoạch).

Nhờ vậy, doanh thu bán điện 2015 của EVN tăng thêm 1.800 tỷ đồng, trên tổng số 233.710 tỷ mà ngành nghề chính mang lại. Mức này đã tăng 18,5% so với một năm trước. Tại bản báo cáo cuối năm, EVN cho biết Công ty mẹ và 9 tổng công ty đều đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch song chưa tiết lộ con số cụ thể.

Khác với mọi năm, khi hội nghị tổng kết thường là dịp để tập đoàn đề xuất điều chỉnh giá bán điện, EVN lần này không đưa ra kiến nghị cụ thể nào về tăng giá. Thay vào đó, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ giữ ổn định giá khí trong bao tiêu và giá than đối với sản xuất điện. Lần gần nhất ngành điện được tăng giá bán lẻ là 16/3/2015 với mức 7,5%, tương đương 12,58 đồng mỗi kWh.

EVN cũng cam kết trong năm tới sẽ điều hành hệ thống điện, thị trường phát điện cạnh tranh theo hướng kiểm soát chi phí khâu phát - mua điện để giảm chi phí. Tập đoàn phấn đấu đạt chỉ tiêu tổn thất điện năng còn 7,7%, giảm 0,3% so với mức đạt được năm qua.

Về kế hoạch sản xuất năm 2016, EVN dự kiến huy động khoảng 175,9 tỷ kWh, tăng 10,35% so với năm 2015. Trong đó, điện sản xuất là 81,9 tỷ kWh và điện mua là 93,98 tỷ kWh.

Theo VNE

Tin liên quan: Nhờ tăng giá điện, doanh thu EVN tăng lên hơn 233.700 tỷ đồng
Doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014, hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỷ đồng.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị Tổng kết kết quả thực hiện kế hoạch năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015, định hướng kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 diễn ra vào sáng 6/1 tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ngày 16/3/2015, giá điện đã chính thức được điều chỉnh tăng 7,5% theo đó, giá bán điện bình quân của EVN đã tăng thêm 12,58 đồng/kWh lên mức giá bình quân là 1.629,8 đồng/kWh.

Theo đó, doanh thu bán điện của EVN tăng thêm 1.800 tỷ đồng, tính chung doanh thu bán điện của toàn Tập đoàn ước đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014.
Báo cáo của EVN cũng cho biết, tỷ lệ giảm tổn thất điện năng của toàn Tập đoàn đạt chỉ tiêu kế hoạch là 8%, giảm 0,43% so với năm 2014.

Về độ tin cậy cung cấp, tổng thời gian mất điện bình quân của khách hàng là 2.110 phút, giảm 35% so với năm 2014; tần suất mất điện kéo dài bình quân là 12,85 lần/khách hàng, giảm 32%.

Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 10% so với năm 2014, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 6,8%.

EVN cho biết, Công ty mẹ-EVN và 9 Tổng công ty đều đạt lợi nhuận cao hơn so với kế hoạch. Vốn điều lệ của công ty mẹ tính đến 31/12/2015 là 160.000 tỷ đồng, tăng 2,08 lần so với vốn điều lệ năm 2010 là 76.742 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đều đảm bảo an toàn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán nợ, hệ số tự đầu tư đều đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn.

Theo đó, tại công ty mẹ EVN hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu 1,67 lần, hệ số khả năng thanh toán là 1,02 lần; tỷ lệ tự đầu tư là 37,5%.

Chỉ đạo tại hội nghị, sau thông tin được ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN đưa ra về các chỉ tiêu tài chính cơ bản, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, có giai đoạn chủ nợ từng hỏi thăm "sức khỏe" của EVN, thậm chí gửi văn bản Chính phủ nói EVN có "vấn đề" khi các chỉ tiêu lớn đều vi phạm nhưng 5 năm nay các chỉ tiêu tài chính cơ bản của EVN đã ổn định.

"Trong điều kiện thị trường vốn vẫn chưa phát triển, cơ cấu vốn trung và dài hạn 34% là cao, ngành điện chủ yếu đầu tư dài hạn nên lo vốn trung dài hạn là khó khăn, nên giai đoạn tới thị trường vốn vẫn chưa thay đổi cơ bản, vốn trung dài hạn chỉ tăng lên một chút", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Theo Bizlive

Không có nhận xét nào: