Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Rsf Đề Nghị Ngoại Trưởng Mỹ Đòi Việt Nam Thả Các Nhà Báo Và Blogger


Tin Paris - Trong khi đó đúng vào lúc ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tới Hà Nội, Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF có trụ sở tại Paris, đã gửi một bức thư ngỏ yêu cầu Hoa Kỳ đề cập với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam về việc trả tự do cho các nhà báo và nhà ly khai sử dụng mạng internet để bày tỏ chính kiến, đặc biệt ba trường hợp được RSF nêu đích danh là các ông Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Tiến Trung và Lê Công Định.

Trong bức thư này, Tổ chức Phóng viên không biên giới đã nhắc lại tuyên bố của bà Clinton vào tháng giêng năm 2010, theo đó Hoa Kỳ khẳng định có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên Internet như một công cụ phát triển kinh tế và xã hội. Tổ chức Phóng viên không biên giới đã yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ có hành động cụ thể để thực thi các cam kết này trong trường hợp Việt Nam, là nơi có ít nhất 16 nhà bất đồng chính kiến mạng và 3 nhà báo hiện đang bị giam giữ.

Trong bối cảnh tình trạng nhân quyền tại Việt Nam càng trở nên xấu hơn khi gần tới ngày đại hội đảng Cộng sản dự trù sẽ khai mạc vào đầu năm 2011, Tổ chức Phóng viên không biên giới nhắc lại rằng vào thời điểm năm 2006, khi chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam đã cam kết sẽ gắn liền sự phát triển kinh tế với việc tôn trọng các quyền tự do căn bản của các công dân. Tuy nhiên kể từ năm 2009, nhà cầm quyền đã tăng cường kiểm soát các phương tiện truyền thông và Internet.

Đã xảy ra nhiều vụ tấn công tin học nhắm vào các trang mạng có thái độ chỉ trích đối với nhà cầm quyền. Bên cạnh tổ chức Phóng viên không biên giới, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, một số dân biểu và tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã lên tiếng chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian gần đây, sau khi chỉ trong vòng hai tuần nhà cầm quyền đã bắt giữ hoặc kết án ít nhất 12 người. Một số trong đó là tín đồ Công giáo đã xô xát với công an, một số người khác là các thành viên nghiệp đoàn không được phép hoạt động, những người viết blog, hay các nhà đấu tranh dân chủ.

Không có nhận xét nào: