Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Bí thư Hà Nội làm khó cấp dưới?


Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị




Đúng một tháng trước Tết, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có lời với lãnh đạo các quận, huyện, xã phường cũng như các sở, ban ngành… thực hiện nghiêm chủ trương không biếu quà cấp trên bằng một câu nói thật sự ấn tượng “Tất cả chúng ta ngồi đây đều là lãnh đạo hết, vì thế đừng ai đi biếu quà cho người khác và cũng đừng để ai đến biếu quà cho mình“.

Đây là lời phát biểu chính thống tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của TP Hà Nội, nên có thể hiểu là một mệnh lệnh của cấp trên với tất cả cấp dưới, nghĩa là tất cả cấp dưới sẽ phải nghiêm túc thực hiện, chứ không lẽ “trên bảo dưới lại không nghe”? Hơn nữa, ông Phạm Quang Nghị không chỉ là Bí thư Hà Nội, ông còn là một trong số mười mấy ủy viên Bộ Chính trị, nên lời nhắc nhở của ông càng có sức nặng hơn. Cũng cần phải hiểu rộng hơn, đây là sự tái khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ từ nhiều năm qua.

Bởi đây không phải lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao công khai yêu cầu không biếu xén và không nhận quà Tết. Thử tìm lại ngẫu nhiên trên báo chí, sẽ thấy ít nhất từ đầu năm 2009, cũng chính Bí thư Hà Nội khi đi thăm hỏi, chúc Tết các hộ nghèo, gia đình chính sách, cũng đã yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành, không được tặng quà Tết cho lãnh đạo TP, mà nên dành thời gian thăm hỏi, tặng quà Tết cho các khu dân cư, gia đình nghèo, khó khăn và các gia đình chính sách.

Xa hơn nữa, từ đầu năm 2007, Thủ tướng đã ký ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Đinh Hợi, trong đó yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư không tổ chức đi chúc Tết, tặng hoa lãnh đạo các cấp.

Cái chuyện quà Tết, dù chẳng nói ra nhưng lâu nay xã hội đã ngầm hiểu với nhau, Tết là dịp để “cảm ơn, chạy chọt, xin xỏ”… Một phong tục tốt đẹp của dân tộc từ lâu rồi đã bị con cháu lợi dụng để mưu cầu tư lợi. Thế mới có cảnh, cứ gần Tết là dân thường được phen trố mắt thấy xe con nườm nượp ra vào nhà một sếp này, sếp nọ. Cách đây mấy năm, dư luận được phen ngã ngửa khi ông Chủ tịch tỉnh Cao Bằng đem sung công hơn 1 tỷ đồng quà Tết để làm từ thiện…Rồi ông phó Chủ tịch một thành phố lớn nọ, công khai quà biếu Tết đâu như 4 tỷ đồng. Những con số khổng lồ so với vật giá thời ấy. Mà đấy là những đồng chí dám công khai, còn các “anh hùng núp” thì chắc là không biết đằng nào mà lần.

Bởi vậy, chủ trương quyết liệt của Chính phủ và phát biểu mới đây của Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị, trước hết là dân cứ hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Mừng, nhưng rồi lại lấy làm lạ: Vì sao Chính phủ đã có chỉ thị từ 4 năm trước, mà lãnh đạo Hà Nội vẫn cứ phải nhắc đi nhắc lại yêu cầu này? Hay bởi chỉ thị của Chính phủ chỉ có “hiệu lực” đến lãnh đạo tỉnh, thành phố thôi, chứ không vươn dài xuống cấp dưới? Cũng có thể suy đoán tới khả năng, hoặc một số lãnh đạo các cấp không làm theo chỉ thị của Chính phủ, hoặc Bí thư Hà Nội cẩn thận nên nhắc trước, tránh tình trạng “phép vua thua lệ làng”.

Bởi mới đầu năm ngoái, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại khẳng định Chính phủ chỉ cấm những hình thức biếu quà có tính chất tiêu cực, lạm dụng công quỹ, chứ không hạn chế tặng quà theo truyền thống và phong tục. Nhưng thế nào là tặng quà theo truyền thống và phong tục thì rất tiếc, Bộ trưởng Phúc lại không nói rõ “giới hạn”. Và làm sao để giám sát chuyện quà tặng có theo truyền thống và phong tục không? May ra xã hội chỉ có thể quan sát được chuyện lãnh đạo nào có nhiều người đến biếu quà cáp hay không, chứ chịu chết không thể biết nội dung từng món quà ấy ra sao để đưa ra kết luận đúng truyền thống hay sai truyền thống, tích cực hay tiêu cực.

Phải chăng chính vì cái ranh giới quá khó phân định ấy mà người đứng đầu thành phố Hà Nội phải đưa ra yêu cầu nghiêm khắc hơn cho thủ đô, để làm gương cho cả nước? Chính phủ không hạn chế việc tặng quà theo truyền thống và phong tục, nhưng Hà Nội thì hạn chế hết. Không chỉ hạn chế việc tặng quà, mà còn hạn chế cả việc nhận quà. Bởi trong trường hợp chẳng may có một lãnh đạo cấp nào đó không “tuân lệnh” Bí thư, nhất định đến biếu quà Tết lãnh đạo cấp trên, thì lãnh đạo cấp trên cũng sẽ không nhận quà đâu. Bí thư chẳng đã dặn rất kỹ, mình không chỉ không đi biếu quà, mà cũng không được nhận quà đó là gì.

Có điều, mệnh lệnh xuất phát từ trái tim Bí thư Phạm Quang Nghị xem ra hơi khó thực hiện, nói chính xác hơn là có vẻ “làm khó” cấp dưới. Nhưng cái khó ló cái khôn, dân ta vốn giàu sáng tạo nên có thể chọn cách ứng xử vẹn cả đôi đường như sau: “không biếu quà Tết Bí thư Phạm Quang Nghị” đúng như lời Bí thư đã chỉ đạo, còn lại thì thực hiện theo ý của Bộ trưởng “không hạn chế tặng quà theo truyền thống và phong tục”. Đố ai bắt bẻ vào đâu được nhé.

Chỉ có chút băn khoăn xin được gửi đến Bí thư, nếu có gì không phải thì xin Bí thư bỏ qua. Lời nhắc nhở của Bí thư chỉ có hiệu lực với lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường, sở ban ngành,… nói như lời của chính ông là “Tất cả chúng ta ngồi đây đều là lãnh đạo hết,…“. Còn với các đối tượng khác thì sao? Chẳng hạn với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố? Xin Bí thư nói rõ hơn, để nếu như Tết này người dân có thấy ai đó đến biếu quà Tết cho lãnh đạo các cấp của Hà Nội, thì có thể biết phải “loại trừ” những đối tượng nào? Còn nếu lời nhắc nhở ấy có hiệu lực với mọi đối tượng, thì cũng xin Bí thư nói rõ, để toàn dân Hà Nội được tỏ tường. Bởi nếu người đứng đầu của thành phố đã không nhận quà Tết từ bất cứ “cấp dưới” theo nghĩa nào, thì các cấp dưới đó cũng sẽ theo gương Bí thư, không yêu cầu các cấp dưới hơn phải tặng quà cho mình. Nghĩa là Tết này, toàn dân Hà Nội sẽ được thanh thản, không ai phải lo đi biếu quà cấp trên, dù chỉ là quà theo truyền thống.

K. L.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-07-trang-page

Không có nhận xét nào: