Pages

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Chính phủ phải ‘quyết liệt’ với thách thức kinh tế

Ông Đặng Thành Tâm bắt tay tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama tại hội nghị quốc tế năm 2010.

Lạm phát hai con số, tỷ giá hối đoái biến động, tiền đồng mất giá, thâm thủng ngân sách ở mức cao, công ty quốc doanh khất nợ nước ngoài là những thách thức lớn trong điều hành kinh tế tại Việt Nam năm 2010.

Lối thoát cho các vấn đề kinh tế trong nước là chính phủ phải ‘quyết liệt’ giảm nhập siêu và giảm mạnh lượng tín dụng dành cho công ty quốc doanh, ông Đặng Thành Tâm Tổng giám đốc Tập đoàn Saigon Invest Group nói.

Với cổ phần lớn trong Tập đoàn Kinh Bắc, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Ngân hàng Nam Việt, Công ty Khoáng sản Bình Định, báo trong nước ‘xếp hạng’ ông Đặng Thành Tâm là một trong những người giàu nhất Việt Nam, với tài sản gần 10.000 tỷ đồng.

Trả lời BBC trong tuần khi Đại hội Đảng XI họp, nhà kinh doanh đa ngành cho rằng đầu tư vào dịch vụ tài chính, chứng khoán, trong năm qua ít đi trông thấy do tỷ giá giữa tiền đồng và đôla Mỹ thay đổi liên tục.

“Quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài về đồng tiền mất giá, lợi nhuận khi chuyển ra nước ngoài ít đi là hoàn toàn chính xác, nhà nước cần xem xét sớm.

“Vì khi kiếm được lời xong người ta phải đổi ra đồng đôla với tỷ giá thấp hơn nữa, như vậy người ta thiệt thòi.

“Đó là lo lắng chính đáng nên nhà nước phải làm sao để xóa bỏ nhập siêu thôi. Nếu vẫn còn nhập siêu, cán cân thanh toán vẫn thâm hụt, thì không có cách nào đồng tiền giữ giá được cả.”

Đặng Thành Tâm
Ông Tâm cho rằng cán cân thanh toán mất cân đối là nguyên nhân chính dẫn đến nhập siêu.

“Nhập khẩu nhiều quá, xuất khẩu ít hơn, mỗi năm thâm hụt tới mười mấy tỷ đô la Mỹ.

“Ngay cả khi có thêm ngoại tệ từ đầu tư nước ngoài, rồi ODA, kiều hối, nhà nước vẫn bị thâm hụt một khoản tiền, cho nên mất cán cân thanh toán ngoại hối.

Kích cầu và thâm thủng

Nguyên nhân thâm thủng nhân sách ‘khá cao’ theo ông Tâm là hai năm qua Việt Nam thực hiện chính sách kích cầu, trong khi tiếp tục ‘mạnh tay’ trong đầu tư để có chỉ số GDP cao.

“Khi mất cán cân thanh toán, đương nhiên là người ta phải đánh trượt giá đồng tiền để cân bằng trở lại.”

Chính sách tài khóa quá mở rộng, vung tay cho các khoản đầu tư quá lớn cũng góp phần làm cho đồng tiền Việt Nam mất giá, CEO Đặng Thành Tâm thừa nhận.

“Hiện nay Việt Nam đang có vấn đề là thâm hụt ngân sách hơi lớn,

“Hàng năm thâm hụt tới 7 hoặc 8% GDP là con số rất lớn. Nếu đúng chuẩn nhà nước phải kéo về con số khoảng 5% thôi,

“Hai năm vừa rồi do áp dụng chính sách kích cầu, cạnh đó nhà nước còn phải tăng cường đầu tư để giữ được nhịp độ tăng trưởng,

“Vì vậy thâm hụt ngân sách hơi cao, tôi hiểu là kế hoạch 5 năm sắp tới chính phủ sẽ kéo về, làm sao ở mức 5%,

“Dòng tiền ra nhiều, xã hội có quá nhiều tiền đương nhiên nó gây ra lạm phát. Tôi tin là nhà nước sẽ thực hiện chính sách siết chặt tiền tệ một cách rất căng thẳng.

Theo ông Tâm, kế hoạch tín dụng và tổng cung tiền cho 2011 sẽ giảm 25% so với 2010.

Công ty quốc doanh



Lạm phát hai con số, tỷ giá hối đoái biến động là thách thức lớn trong điều hành kinh tế năm 2010.


Dòng tiền ít đi trong khi vẫn nhắm đến tăng trưởng, ông Tâm cho rằng chính phủ đang mổ xẻ rất kỹ các khoản vốn dành cho nghiệp nhà nước. Và sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa công ty quốc doanh.

“Đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp quốc doanh không hiệu quả. Tám đồng bỏ ra mới được 1 đồng GDP, trong khi khối tư nhân chỉ cần bỏ ra 3 đồng rưỡi, khối FDI đầu tư bốn đồng rưỡi thu được một đồng GDP.

“Những năm sau này dù lượng tiền cho xã hội giảm đi nhưng nếu chính phủ quyết liệt nâng cao hiệu quả đầu tư vào công ty nhà nước, thì vẫn sẽ giảm được lượng cung tiền.

“Nhưng vẫn đảm bảo được đầu ra tốt hơn, mà lại giảm được lạm phát, giúp sản xuất kinh doanh phát triển.

“Cách thức nâng cao hiệu quả đầu tư vào khối quốc doanh là phải đẩy mạnh cổ phần hóa. Công ty trong nước như chúng tôi, hoặc nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể tham gia mua cổ phần của công ty quốc doanh.”

Không có nhận xét nào: