Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Phát ngôn và hành động: Tham, Thuyết và…trẻ


Kỳ Duyên – Tham nhũng, sự chọn lựa người lãnh đạo như thế nào để dẫn dắt Đất nước đi qua những thách thức cam go, hội nhập và phát triển…là những chia sẻ của Phát ngôn và hành động tuần này mong được gửi tới bạn đọc.
Tham

Có một vấn đề, xưa như Diễm nhưng khi bước ra khỏi bóng tối của những giao dịch hắc ám, nó gần như trở thành trung tâm của rất nhiều bàn luận trong xã hội, tốn rất nhiều bút mực của báo chí, và làm nhức nhối tâm can những con người mong muốn một xã hội sạch. Nó là ai mà có hấp lực chi phối đến vậy. Xin được trả lời: Đó là tham nhũng.

Nói cho công bằng, tính tham là bản năng của con người. Và xét ở góc độ xã hội, tính tham tỉ lệ thuận với đời người, nếu không có một yếu tố khác kiểm soát- giáo dục.

Chả thế, có không ít đứa trẻ bé tí đã rất tham ăn. Người viết bài này thuở nhỏ cũng là một ví dụ sinh động, nhất là khi được cha mẹ nuông chiều… Xin được thú nhận tính xấu.

Khi trưởng thành, con người có tính tham rất có thể trở thành kẻ tham lam (trong các mối quan hệ dân sự ở cơ quan, xã hội). Vì thế mà trong đời sống, có những câu nhận xét ấm ức sau lưng về một cá nhân nào đó: “Sao mà cái lão A, mụ B…tham thế. Húp cả cặn!”

Nhưng từ tham lam đến tham nhũng đã là một sự biến đổi về chất. Nó đòi hỏi người đó, ít nhất cũng phải có chút quyền hành, vị thế nào đó với đối tượng bị tham nhũng.

Cái tính tham, từ bản năng, đến bản chất người, là một quá trình “xã hội hóa” rất mạnh. Con người càng có vị thế, quyền hành, bản chất này càng có đất phát triển. Cách đây ít lâu, trên ViệtNamNet, có bài viết “Đồng tiền có…chân“. Đồng tiền ở đây là đồng tiền tham nhũng.

Nếu trước đây hàng chục năm, khi nói đến chuyện tham nhũng, người ta còn thì thầm, to nhỏ, lo sợ… hệt những kẻ “buôn bạc giả” nói về những vị buôn bạc thật. Thì nay tham nhũng đã là hành vi được Quốc hội thừa nhận là vấn nạn. Nếu trước đây, tham nhũng chỉ luẩn quẩn trong nước, thì nay, tham nhũng có chân có thể xuyên quốc gia. Tham nhũng mạnh mẽ, và có nền đến mức cũng trên ViêtNamNét mới đây, có bài viết: Khi tham nhũng trở thành một thứ “văn hóa”. Tham nhũng khác xưa rồi, phản ứng xã hội cũng khác xưa theo.

Điều đó, không chỉ thể hiện rõ bước tiến của sinh hoạt dân chủ một xã hội, mà nó cũng nói một điều đau xót, tham nhũng cũng có bước tiến mạnh không kém. Nó không còn là nỗi đau của riêng ai. Nó là nỗi bất hạnh gây nên nỗi bất ổn cho một xã hội.

Đáng buồn, nếu trước đây, tham nhũng được coi là hành vi chuyên biệt, đặc thù, dành riêng cho các cán bộ có chức quyền, thì nay, tham nhũng là hành vi phổ biến, mang tính đại chúng, phổ cập tới tận tất cả chúng ta. Trước đó, báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần đã phải kêu lên: “Chống tham nhũng phải từ người dân“, và ViệtNamNet: “Khi người dân tham nhũng”. Đồng tiền có chân đã không chỉ vào nhà quan, còn vào cả nhà dân, thì khi đó, quốc gia chỉ có thể đi…lẹt đẹt.

Chống tham nhũng phải từ chính mỗi cá nhân

Tham nhũng xảy ra, thông thường nó là lỗi của một người có chức, có quyền hành cụ thể. Nhưng khi tham nhũng xảy ra ở bất cứ ngành nào, kể cà ngành được coi là mô phạm nhất như giáo dục, hay nhân ái nhất như y tế, ở bất cứ công dân nào, quyền hành bé nhất như giáo viên chủ nhiệm lớp (cho điểm học sinh), hay cô y tá (tiêm thuốc cho bệnh nhân), thì đó thuộc về lỗi của cơ chế quản lý xã hội đã không kiểm soát hoặc không chế ngự nổi.

Giáo dục và xử lý con người tham nhũng chỉ là một việc. Việc lớn hơn, mang tính quyết định hơn, là cần sửa chữa những khuyết tật của cơ chế quản lý xã hội!

Người viết bài này bỗng ngậm ngùi khi nhớ đến những giọt nước mắt tủi thân, bất lực của những người dân, cán bộ, cựu chiến binh từng hăng hái một cách ngây thơ, cầm dao định mổ xẻ tham nhũng. Họ không giấu được nước mắt của sự cay đắng, sự thất bại, cho dù họ được khen thưởng, được biểu dương, bởi nghĩa khí làm người, và lòng yêu nước.

Việc phẫu thuật của họ, tuy rất đáng kính trọng và được cổ vũ, nhưng cũng sẽ giống như chuồn chuồn đạp nước. Giống như ngành giáo dục có hẳn một chương trình giáo dục học sinh chống tham nhũng. Còn cô giáo, vừa cầm tiền đút lót của cha mẹ học sinh, vừa giảng giải cho học sinh về thói xấu của hành vi tham nhũng.

Chống tham nhũng là hành động tích cực đáng được ủng hộ. Nhưng có một cơ chế quản lý và một nền tảng luật pháp minh bạch, công khai, mới mong chống tham nhũng có hiệu quả.

Những ngày này, cả nước quan tâm nhiều đến một sự kiện lịch sử: Đại hội Đảng XI. Quyết liệt chống tham nhũng là một ý nguyện lớn của lòng dân, thể hiện trên nhiều tờ báo ngay ở phiên khai mạc.

Cũng tại phiên khai mạc ĐH sáng 12/1/2011, trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban CH TƯ Đảng khóa X, ông Trương Tấn Sang,Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng, đã thừa nhận: “Vẫn chưa ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội“. Lòng dân đã rõ. Còn ý Đảng ra sao?

Năm mới 2011 đã đi những bước đầu tiên. Hi vọng từ Đại hội XI, công cuộc chống tham nhũng của đất nước ta sẽ có những đột phá như mong đợi của toàn xã hội.

Thuyết

Nôm na, nghĩa của chữ thuyết là: Nói, giảng, bài nói, học thuyết. Còn ở bài này, Thuyết là tên của Nghị sĩ Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, người vừa được VietNamNet và nhiều trang mạng cá nhân bình chọn là nhân vật của năm 2010.

Ông là giảng viên về ngôn ngữ- chuyên phải nói về chữ nghĩa. Đến khi làm nghị sĩ, cũng lại phải… nói. Khác chăng, chữ nghĩa ở giảng đường, là chữ nghĩa về học thuật. Chữ nghĩa ở nghị trường là chữ nghĩa gắn với vận mệnh quốc gia. Ở giảng đường, ông là thầy. Ở nghị trường, ông là trò, vừa làm, vừa học, vừa hỏi, để hiểu các vấn đề thực tiễn của quốc kế dân sinh.

Đến câu nói thật thà của 1 cử tri ở tỉnh miền núi Lạng Sơn khi gặp ông: “Lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy một đại biểu Quốc hội bằng xương bằng thịt” cũng cho ông thấm thía một điều gì đó về bổn phận người đại biểu nhân dân. Chữ nghĩa nào, ở giảng đường hay nghị trường đều phải có chữ Tâm- cái chữ tâm của dạy người và cái chữ tâm với con người.

Nói giữa nghị trường cũng không giống nói giữa giảng đường. Ở giảng đường, đối tượng nghe chỉ hàng trăm sinh viên, và ngôn ngữ là chuyên môn sâu của ông. Còn ở nghị trường, đối tượng mục sở thị là Chính phủ, là hàng trăm nghị sĩ, và quan trọng nhất, là hơn 80 triệu người dân, những cử tri gửi gắm nguyện vọng, và cả kỳ vọng của họ vào các nghị sĩ, trong đó có ông.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết

Nếu như ở nghị trường năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được chọn là người trả lời không né tránh những câu hỏi gai góc nhất, thì Nghị sĩ Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cũng được chọn là người có những câu hỏi sắc sảo nhất, đi thẳng vào những vấn đề gay cấn mà cử tri chờ đợi, quan tâm.

Cái áp lực “trên đe- Chính phủ, dưới búa- cử tri” với một nghị sĩ quả không nhỏ. Có lẽ vì vậy mà trong nghị trường, có cả ông nghị, hôm trước nói thẳng, hôm sau nói cong, hôm trước nói ngược, hôm sau nói xuôi, khiến người dân sái cổ vì không hiểu đâu là chính kiến thực của một ông nghị. “Trung ngôn nghịch nhĩ”, lời nói thẳng vốn không thuận tai. Nhưng vận mệnh quốc gia, những tháng năm này, và lúc nào cũng vậy, rất cần trung ngôn. Chính phủ biết lắng nghe trung ngôn, con đường đi của dân tộc chắc chắn sẽ thuận buồm xuôi gió.

Tôi không biết Nghị sĩ Nguyễn Minh Thuyết đã nghĩ gì vào những ngày trước phiên chất vấn, trước những vấn đề kinh tế và phát triển, trọng đại và cam go. Nhất là những ngày đó, cụ bà thân sinh ra ông thập tử nhất sinh, và cụ ông thân sinh ra vợ ông lại mất. Rồi cả 2 người đều về với tổ tiên. Nhưng ở nghị trường đó, ông đã là người “trung ngôn”, không né tránh.

Nhờ thái độ thẳng thắn đối mặt với những vấn đề đặt ra trước vận mệnh quốc gia của những người như Nghị sĩ Thuyết, và nhiều nghị sĩ khác, như Vũ Hoàng Hà (Bình Định), Danh Út (Kiên Giang), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Phạm Thị Loan (TP. Hà Nội), Vũ Quang Hải (Hưng Yên) v.v… mà nghị trường cuối năm 2010, được đánh giá là nghị trường sinh hoạt dân chủ. Người nói có người lắng nghe, tạo nên sinh khí của nghị trường, và được đánh giá là nghị trường thành công nhất từ trước đến nay.

Trẻ

Trong tuần này, sự kiện trọng đại nổi bật trên trang nhất các báo, nổi bật nhất trong lịch sử đất nước năm 2011 không thể khác là Đại hội Đảng XI.

Nhưng trước đó hàng tháng, trên các quán nước vỉa hè đường phố, trong công sở, “Đại hội Đảng” đã liên tục diễn ra tự phát, chỉ với một trọng tâm- bàn về nhân sự. Nhân sự của các “đại hội” kiểu này thay đổi hàng ngày. Lúc ông X, lúc ông Y…

Điều đó, cho thấy một điều: Sự quan tâm và kỳ vọng của người dân, cán bộ đến thế nào vào người cầm lái đất nước. Trong nhiều điều bàn về nhân sự, có một điều, các “đại biểu tự phát” đều quan tâm: Tuổi tác- “Ông này quá ngưỡng rồi. Ông kia còn được một khóa…” v ..v ..và v…v…

Không hẹn mà gặp, trên báo Tuổi Trẻ có bài phỏng vấn nguyên Phó TT Vũ Khoan “Phải tạo điều kiện cho lớp trẻ“, và báo Tiền Phong có bài phỏng vấn ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn “Tiếp tục giương cao ngọn cờ đổi mới”. Cả 2 bài phỏng vấn, nội dung đều đề cập tới 1 chủ đề: Bồi dưỡng và đào tạo người trẻ.

Trẻ là một khái niệm, một phạm trù đầy ưu thế, và đối lập khi so sánh với già. Nếu như già là cũ kỹ, là yếu ớt, là sức ỳ, là trì trệ, là ngắn ngủi…Thì trẻ là tươi mới, là khỏe khoắn, là sức bật, là năng động, là dài lâu…

Già là hoàng hôn, trẻ là bình minh. Già là xế chiều, trẻ là ló rạng. Già là ánh đêm, trẻ là ánh ngày…

Tuy nhiên, không phải lúc nào, trẻ cũng được khen hoặc chiếm ưu thế.

Khi bị sếp phê: “Cậu (cô) này còn trẻ người, non dạ lắm!” thì liều liệu nhá. Còn lâu mới lọt mắt xanh của sếp.

Thời bao cấp, bình về đội ngũ kế cận lãnh đạo, có hẳn một bài vè đau khổ về sự lỡ tàu, mà tài nhất, ai đọc cũng đều thấy có mình trong cái sự lỡ tàu. Trong đó, có cái lỡ tàu vì tuổi còn trẻ: “Khi cần đàn bà, mình là đàn ông. Khi cần đàn ông, mình là đàn bà. Khi cần người già, mình còn rất trẻ. Khi cần người trẻ, mình đã về già…”. Lỡ tàu vì tình đã khổ. Lỡ tàu kế cận còn khổ xiết bao (???)

Một vị sếp sở ngành giáo dục, khi ngà ngà say, đã vui miệng kể cho người viết bài này, bí kíp của ông vì sao yên vị được lâu: “Anh đưa một loạt đứa trẻ vào quy hoạch, để chúng oánh nhau. Chúng mải oánh nhau, nên anh cứ thế mà hưởng!”.

Đó là chuyện dân gian. Có cái bi và cũng có cái hài

Còn chuyện cuộc đời, thì đâu thể bi hay hài. Vì đó là vận mệnh dân tộc Việt trước ngưỡng cửa- phát triển hay tụt hậu, nắm bắt thời cơ hay lại bỏ lỡ? Một dân tộc trong quá khứ chịu quá nhiều đau khổ. Trong hiện tại nhiều cam go. Và tương lai sẽ ra sao?

Dẫn dắt dân tộc Việt đi lên, bên cạnh tay lái chính, phải có tay lái phụ. Bên cạnh người đương chức, phải có người kế cận. Nhưng dù chính hay phụ, dù đương chức hay kế cận, thì một tiêu chí nhất thiết cần phải có, mới hy vọng thay đổi được số phận dân tộc chúng ta từ đói nghèo, lạc hậu sang giầu mạnh, văn minh. Đó là tư duy trẻ của người cầm lái!

Nhìn ra nước láng giềng, có những nhà lãnh đạo- tay lái, tuổi đã 80. Nhưng chính sách, chủ trương của họ đề xuất đã dẫn dắt cả dân tộc vươn mình khiến thế giới trầm trồ, thán phục. Ai dám bảo người già đó già cỗi?

Và ở nước ta: Với công cuộc đổi mới từ 1986, đã lần lượt có những nhà lãnh đạo như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, và Võ Văn Kiệt, mà tư duy của các vị càng về sau, càng thấy rõ, là sự trẻ hóa khi họ đã tóc bạc, da mồi. Nhờ đổi mới, mà đất nước mới phát triển, và nay bước vào con đường hội nhập.

Con đường hội nhập thế giới hiện đại tuy mở ra, mà đầy thách thức, vì xã hội chúng ta đang phải đối diện với vấn nạn tham nhũng, với mô hình quản lý kinh tế còn nhiều khuyết tật, với giáo dục khủng hoảng, với văn hóa, nền tảng đạo lý có phần băng hoại…Tư duy người lái có trẻ, bản lĩnh có khỏe, mới mong hành trình của dân tộc hợp quy luật và không bất ổn.

Bỗng nhớ tới câu chuyện dân gian “Phi công trẻ lái máy bay bà già”. Nhưng đây không phải là hình ảnh hài hước để con người ta cười thư giãn giữa khi mệt nhọc. Mà nó là câu chuyện nghiêm túc của đất nước có bề dày 4000 năm văn hiến. Ai sẽ là tay lái (tư duy) trẻ, đủ trí, đủ tầm, đủ tâm để dẫn dắt đất nước cất cánh, trên đường băng Hội nhập?

Và có lẽ, đó cũng là chờ mong của nhân dân, của cả xã hội gửi tới ĐH Đảng XI lần này!

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-14-phat-ngon-va-hanh-dong-tham-thuyet-va-tre

Không có nhận xét nào: