Câu chuyện “anh Vươn” Nguyễn Văn
Tưởng Quảng Nam đau nhói lòng.
Trương Duy Nhất
Lại thêm một Đoàn Văn Vươn khác. Không có súng để bắn vào chính quyền. Cũng không có những trận đánh dân “đẹp đến mức có thể viết thành sách”. Nguyễn Văn Tưởng cầm dao xông lên đâm cán bộ giải tỏa thu hồi đất rồi uống thuộc độc tự tử.
Những bi kịch này vì đâu? Vì đâu người nông dân cùng quẫn đến bước đường cùng để buộc họ phải giương súng bắn vào chính quyền, phải vung dao đâm cán bộ rồi tự kết liễu cuộc đời bằng một liều thuốc độc?
Lại nghe đâu đó người dân uất ức khiêng cả quan tài xông vào trụ sở ủy ban…
Ngày một nhiều hơn những đoàn dân “đòi đất” từ các vùng quê kéo về Hà Nội. Qui hoạch, chỉnh trang, thu hồi, giải tỏa đền bù thế nào để đến nỗi dân tình phải xuống đường với băng rôn “cướp đất”?
Có gì đó thật bất an.
* * *
Đập sông Tranh nứt. Giá như…
Tôi không dám nghĩ đến điều kinh hoàng đó. Một con đập khổng lồ với hơn 1 triệu khối bê tông, dài 650 m, cao 96 m sừng sững vời vợi như chạm trời chợt thấy… mong manh!
Nếu đổ ập xuống sẽ ra sao? Quả bom hơn 730 triệu khối nước sẽ vùi nát và cuốn phăng bao nhiêu làng mạc, bao nhiêu con người? Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập đã phải hốt hoảng thốt lên rằng: Nếu xảy ra sự cố gì từ những vết rò rỉ này, thì đó thực sự là thảm họa vô cùng to lớn, thảm họa chứ không phải tai họa!
Nhìn những tốp công nhân bé tẹo như đàn kiến treo mình trên vách đập để khoan đục, nhét từng miếng… giẻ rách bịt các kẽ nứt mà kinh sợ!
Tôi không thể ngờ và tin nổi người ta lại chọn phương cách an dân bằng những miếng giẻ như vậy. Những miếng giẻ rách an dân phản cảm và bất an!
* * *
Xe cháy hàng loạt. Cứ vài ngày lại nghe một vụ cháy. Dai dẳng mấy tháng trời. Thủ tướng, chính phủ và đủ thứ bộ ngành hô hào điều tra nghiên cứu (nghe nói vậy) vẫn không tìm ra nguyên nhân vì sao?
Cả thủ đô nháo nhào, xáo trộn vì chủ trương bắt đổi giờ làm giờ học của một ông Bộ trưởng giao thông. Xã hội xáo trộn, hoang mang, bất ổn vì đủ thứ loại phí chất chồng đánh vào nồi cơm dân chúng.
Trong khi lạm phát vẫn như con ngựa bất kham. Đời sống dân tình đong bữa. Thu nhập thực tế của dân thấp hơn 9-10 năm về trước. Kinh tế tuột dốc như một “cỗ xe hỏng phanh”. Hàng loạt chủ trương chính sách của chính phủ bị dân chúng la ó, phản đối.
Vì sao?
Hình như chính phủ đang có vấn đề? Hàng loạt các chủ trương chính sách ngày càng có vẻ xa, ngược, đối chọi với lợi ích dân chúng.
Đảng thì lại đang “trọng bệnh”!
Không biết ai đó nhìn đâu thấy phấn khởi, thấy hồ hởi, thấy niềm tin, thấy vĩ đại, thấy… muôn năm. Còn với tôi: một cảm giác thật bất an.
Theo danluan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét