Thủ tướng Hungary Orban Victor. Chính phủ của ông muốn lập uỷ ban Ký ức Quốc gia để thanh toán vĩnh viễn quá khứ Cộng sản của nước này.
Reuters
Chính phủ Hungary vừa quyết định lập một ủy ban mang tên Ký ức Quốc gia để làm sáng tỏ và xử lý mọi vấn đề có liên quan tới quá khứ cộng sản ở quốc gia này. Với đề xuất nói trên, đảng FIDESZ cầm quyền muốn khép lại cuộc tranh luận rất gay gắt xung quanh vấn đề có bạch hóa hay không những hồ sơ mật vụ, chỉ điểm thời cộng sản.Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình:
Làm sáng tỏ quá khứ cộng sản
Sự ra đời của Ủy ban Ký ức Quốc gia có xuất phát điểm từ một quyết định của liên minh cầm quyền, khi liên minh này đã đưa việc quy trách nhiệm và trừng phạt các cựu lãnh đạo cộng sản vào một đạo luật mang tên Ðạo luật về những điều khoản chuyển tiếp của Hiến pháp.
Ðược thể hiện trong 126 trang, những điều khoản chuyển tiếp này đã được đưa vào bản Hiến pháp mới của Hungary, có hiệu lực từ đầu năm nay, và như đạo luật diễn đạt, nó “mở ra khả năng thực thi công lý” trong những vấn đề còn tồn đọng của quá khứ cộng sản tại Hungary.
Một cách cụ thể, Ủy ban Ký ức Quốc gia có nhiều nhiệm vụ, trong số đó, có việc “vạch mặt chỉ tên” những cựu lãnh đạo cộng sản và xác định trách nhiệm của từng người. Ủy ban sẽ khảo sát xem những người đó có được tham gia vào đời sống, sinh hoạt xã hội hay không, cũng như, xác định mức lương bổng hưu trí của họ.
Ủy ban cũng sẽ đưa ra đề xuất về việc bạch hóa các hồ sơ chỉ điểm, và khảo sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức bạo lực dưới chế độ cũ (công an, mật vụ, v.v…). Số phận của những tài sản thuộc sở hữu Ðảng Cộng sản trước đây cũng sẽ được định đoạt.
Với nhiệm vụ “gìn giữ ở tầm quốc gia những ký ức liên quan tới thể chế độc tài cộng sản”, Ủy ban sẽ không phải một định chế tạm thời, mà theo hình dung của phe cầm quyền, nó có nhiệm vụ giải quyết cho đến cùng tất cả những vấn đề có liên quan tới nền độc tài cộng sản một thời ở Hungary.
Trưởng nhóm dân biểu FIDESZ Lázár János cho biết, từ nay đến trung tuần tháng 5 tới, chính phủ Hungary sẽ khởi thảo dự thảo luật có liên quan tới việc thành lập một ủy ban như thế, và cho đến giữa tháng 7, Quốc hội Hungary sẽ thông qua dự luật này. Sau đó, Ủy ban có thể nhanh chóng đưa ra các đề xuất trong từng vấn đề.
Trước mắt, chưa rõ Ủy ban sẽ gồm bao nhiêu thành viên, được hoạt dộng với nguồn kinh phí bao nhiêu - cần chờ đợi khung luật pháp cho câu hỏi này. Trên nguyên tắc, thành viên ủy ban phải là những người độc lập với các yếu tố đảng phái, theo ông Lázár János.
Như vậy, một cách tổng quát, Ủy ban Ký ức Quốc gia sẽ làm sáng tỏ cơ chế hoạt dộng của thể chế cộng sản cũ, và các kết quả điều tra sẽ được công bố trong các tờ trình toàn diện. Ủy ban cũng sẽ được sự ủng hộ chính trị tuyệt đối của phe cầm quyền.
Trả lời câu hỏi Tổng thống đương nhiệm Schmitt Pál - từng giữ cương vị Phó Thủ tướng trong thời gian 1983-1986 – có bị loại trừ khỏi đời sống xã hội hay không, ông Lázár cho biết Ủy ban cũng sẽ đưa ra câu trả lời cho những trường hợp cụ thể này.
Nỗ lực trực diện và trong sạch hóa quá khứ cộng sản
Về mặt hình thức, có thể đặt động thái mới nhất của nội các Hungary trong dòng những cố gắng trong sạch hóa những vấn đề của quá khứ cộng sản, diễn ra từ hơn 20 năm nay sau khi nước này thay đổi thể chế chính trị vào năm 1990.
Có thể kể đến ở đây việc đã từ rất lâu, một điều khoản thuộc Bộ luật Hình sự Hungary trừng phạt sự phát tán, truyền bá hoặc sử dụng công khai biểu tượng của các thể chế độc tài toàn trị (trong đó có chính thể cộng sản) - chẳng hạn các biểu tượng ngôi sao đỏ năm cánh hay búa liềm.
Trước đó, vào mùa hè năm 2010, Bộ luật Hình sự mới của Hungary được sửa đổi theo hướng có thể phạt tù giam tối đa 3 năm đối với những ai công khai phủ nhận, tỏ ra nghi ngờ hoặc cho rằng tội ác diệt chủng của các thể chế độc tài toàn trị - tức quốc xã và cộng sản - là “không đáng kể”.
Vào ngày cuối của năm ngoái, một đạo luật đã được phê chuẩn cho phép trừng phạt những tội ác được thực hiện dưới chế độ cộng sản, cũng như những tội ác chống sự nhân bản, vì những tội ác đó được coi là không bao giờ hết thời hiệu. Mới đây, cựu Bộ trưởng Nội vụ Biszku Béla ở tuổi 90 cũng bị truy tố trên cơ sở đạo luật này.
Không chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, một số cựu lãnh đạo bị coi là có vai trò quan trọng trong thể chế cũ còn có khả năng bị cắt giảm lương hưu đến mức tối thiểu. Thông qua một loại thuế mới - gọi bằng cái tên “thuế đền bù” – nhằm vào họ, nhà nước sẽ thu được một khoản doanh thu dùng để trợ giúp các nạn nhân của cuộc cách mạng 1956 cũng như gia đình, thân nhân họ.
Như thế, một câu hỏi được đặt ra là tại sao Hungary lại cần đến việc thành lập một ủy ban mới, trong khi việc xử lý của hầu hết những vấn đề của quá khứ đã được đưa vào luật?
Hồ sơ chỉ điểm, vấn đề nhức nhối
Trong khi các nước cựu cộng sản trong EU đã ra những đạo luật cho phép công bố một phần (với những hạn chế nhất định) danh sách các cựu mật vụ, cựu chỉ điểm của thể chế cũ thì, cho tới nay, Hungary là nước duy nhất vẫn chưa có được quan điểm rõ ràng trong việc công khai hóa những hồ sơ chỉ điểm đó.
Mặc dù, công luận nước này đã nhiều lần “dậy sóng” trong hơn hai thập niên qua mỗi lần báo chí thông tin rò rỉ, cho biết nhiều nhân sĩ, nghệ sĩ uy tín, nhiều nhân vật xã hội và tôn giáo khả kính từng có thời gian cộng tác với cơ quan mật vụ chính trị.
Tại Hungary, trong thời gian 1944-1990, các hồ sơ mật ghi nhận tên tuổi, bí danh, các số liệu cá nhân và hồ sơ tuyển dụng của hơn 50 ngàn nhân viên mật vụ, có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, báo cáo về những cá nhân hoặc tập thể mà họ được giao. Tất cả những thông tin có liên quan đến đội ngũ chỉ điểm này được mật hóa cho đến năm 2060 và chứa trong 18 cuộn băng từ.
Tháng 4-2010, nội các Xã hội của Thủ tướng Bajnai Gordon đã cắt cử một ủy ban dân sự mang tên Ủy ban Kenedi để xử lý các thông tin đó trong thời hạn 1 năm, nhằm phân loại một cách khoa học và đưa ra đề xuất giải mật. Ông Bajnai Gordon khẳng định rằng, với việc tiếp cận các thông tin về hệ thống chỉ điểm, người dân Hungary sẽ được đáp ứng nhu cầu nhìn nhận một cách sòng phẳng lịch sử, quá khứ của đất nước họ, và chính họ.
Tuy nhiên, ngay sau khi Ủy ban Kenedi được thành lập, nội các Xã hội đại bại trước đảng cánh hữu khiến công việc của Ủy ban bị vô hiệu hóa. Năm tháng trước khi sự ủy nhiệm kết thúc, đầu hè năm ngoái, Ủy ban Kenedi đã bị giải tán với lý do nội các mới của Thủ tướng Orbán Viktor sẽ công bố mọi hồ sơ chỉ điểm và do đó, không cần đến công việc phân loại, đề xuất giải mật đối với từng nhóm hồ sơ.
Thậm chí, chính phủ mới còn khởi thảo một dự luật với nội dung đặt quyền tự quyết của cá nhân đối với những dữ liệu được thu thập về họ lên vị trí tối thượng. Nếu được phê chuẩn, luật này sẽ cho phép tất cả những hồ sơ nói trên được trao vào tay cá nhân bị theo dõi, những người này có toàn quyền với hồ sơ của họ: có thể công bố, cho thân nhân, hàng xóm xem, hoặc giả cất kỹ trong tủ hay tiêu hủy đi.
Cuối năm ngoái, dưới áp lực và sự phản đối gay gắt của ông luận và giới nghiên cứu sử trong và ngoài nước, nội các FIDESZ buộc phải rút lại dự luật bị coi là "hoàn toàn điên rồ, phi lý", "ngu dốt" và “chưa từng có ở đâu trên thế giới” này. Tuy nhiên, đến khi đó, chính phủ mới đã thành công trong việc ngăn chặn việc xử lý, phân loại các hồ sơ mật để tiến đến giải mật chúng.
Lần gần nhất, vấn đề bạch hóa các hồ sơ chỉ điểm được đưa ra vào tháng 2 vừa qua, khi đảng đối lập LMP đề xuất để bất cứ công dân nào cũng có thể tiếp cận công khai những văn bản mật nói trên. Cho dù được phe đối lập ủng hộ, các dân biểu liên minh cầm quyền trong Quốc hội bác bác bỏ đề nghị trên vào ngày 20-2, khiến xã hội Hungary một lần nữa rất bị chia rẽ trong vấn đề này.
Giải pháp dung hòa
Ngay sau khi Quốc hội Hungary bác đề xuất của đảng LMP (và được phe đối lập ủng hộ), truyền thông Hungary đã loan tin chính trong nhóm dân biểu đảng cầm quyền FIDESZ cũng có nhiều ý kiến dị biệt liên quan tới việc giải mật hồ sơ chỉ điểm. Chủ tịch Quốc hội Kövér László cho rằng đây là vấn đề đã quá nhàm, một chủ đề chỉ sinh ra những cuộc tranh luận giả tạo vì tất cả mọi câu hỏi có liên quan đều được luật định Hungary quy định.
Ngược lại, theo trưởng nhóm dân biểu FIDESZ Lázár János, vấn đề mật vụ, chỉ điểm là một “vết thương đã mưng mủ” của nền dân chủ Hungary: ông bày tỏ quan điểm ngoại trừ những báo cáo ảnh hưởng tới quân sự và an ninh quốc gia, tất cả mọi hồ sơ còn lại cần được bạch hóa.
Như vậy, việc quyết định thành lập Ủy ban Ký ức Quốc gia vào đầu hè năm nay có thể coi như một thủ thuật khiến đảng cầm quyền FIDESZ có thể trút trách nhiệm của mình sang một cơ quan nhà nước, mà vẫn có thể điều khiển trong hậu trường. FIDESZ rửa được tai tiếng trước các đảng đối lập, rằng, trên tư cách một đảng cấp tiến đã tham gia thay đổi thể chế mà lại không ủng hộ việc bạch hóa quá khứ.
Liệu Ủy ban kể trên có thực hiện được chức năng của mình, là khép lại hoàn toàn ký ức và quá khứ cộng sản tại Hungary hay không? Sử gia Ungváry Krisztián, một trong những nhà nghiên cứu có thẩm quyền nhất trong vấn đề này, cho rằng việc thành lập một ủy ban như thế nghe ra thì rất tốt đẹp, nhưng bản chất của vấn đề là ở chỗ khác.
Theo ông, cần sửa luật để có thể xác định được rằng, như thế nào thì có thể bị coi là chỉ điểm trong hệ thống tuyển dụng của cơ quan mật vụ thời cộng sản, vì theo luật định hiện tại thì không ai là như thế. Chỉ với khởi điểm như thế, mới có thể giải mật những hồ sơ chỉ điểm, và các nhà nghiên cứu sử - cũng như mọi cư dân có nhu cầu - mới có thể tiếp cận đầy đủ với ký ức cộng sản, để thanh toán chúng một lần, dứt khoát và mãi mãi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét