Pages

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Doanh nghiệp phá sản: Chuyện gì ra chuyện đó

Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể đã lên đến con số hàng chục ngàn cho nên chắc chắn trong thời gian tới chúng ta sẽ nghe thêm nhiều trường hợp công ty này, công ty nọ sắp phá sản. Một thái độ đúng đắn trong bối cảnh đó là gì?
Đầu tiên, cần nhớ một doanh nghiệp, dù sức khỏe tài chính có bình thường đến đâu, cũng có thể rơi vào tình trạng phá sản nếu phải đối diện với nhiều tin đồn tai hại, chủ nợ hoảng hốt đến đòi nợ hàng loạt. Tất cả phụ thuộc vào dòng tiền và khả năng quản lý dòng tiền của doanh nghiệp. Vì thế, một môi trường kinh doanh trong đó, chữ tín bị nghi ngờ, tin đồn, tin sai lệch tràn lan sẽ trói tay doanh nghiệp, triệt tiêu khả năng quản lý dòng tiền của họ.
Điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp, qua trò chuyện, là thái độ “chuyện gì ra chuyện đó”, “ai làm người ấy chịu” chứ không thể vơ đũa cả nắm, coi tất cả đều có vấn đề như hiện nay. Ngược lại, thái độ minh bạch, không lảng tránh của doanh nghiệp bị cho là đang rơi vào khó khăn sẽ thuyết phục thị trường tốt hơn hẳn các chiêu thức hào nhoáng bên ngoài.

Điều tích cực nổi lên có lẽ là không còn ai mặn mà với chuyện dùng xe siêu sang, xe đắt tiền làm công cụ xây dựng tên tuổi như trước nữa. Trước đó, có lẽ chiêu thức chạy xe sang để lòe mắt thiên hạ cũng có tác dụng nên mới có nhiều người bị lôi vào vòng nợ nần. Dù sao đây cũng là quá trình để mọi người dần dà nhận ra đâu là những tiêu chí tin cậy để dựa vào trước khi ký kết làm ăn với một ai đó: không phải là nhà cửa hay xe cộ mà là bảng cân đối kế toán rõ ràng, minh bạch.
Thứ nữa, chuyện chính quyền các cấp can thiệp vào một doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vừa có mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tính tích cực là một sự can thiệp như thế sẽ giúp làm rõ tình hình, đem lại sự minh bạch ai cũng đòi hỏi. Nhờ tình hình rõ ràng, có thể mọi người sẽ yên tâm hơn, dòng tiền của doanh nghiệp chu chuyển bình thường hơn và khả năng phục hồi, ra khỏi khó khăn của doanh nghiệp là cao hơn.
Vai trò của chính quyền cũng mang tính cần thiết nếu doanh nghiệp có hàng ngàn công nhân hay các khoản phải trả của doanh nghiệp liên quan đến hàng ngàn người. Tâm lý số đông khó lòng lường trước; nên sự hiện diện của các cấp có thẩm quyền dù sao cũng đem lại sự yên tâm cho nhiều người.
Tuy nhiên, tính tiêu cực đằng sau sự can thiệp như thế cũng rất lớn. Dễ thấy nhất là không một cấp chính quyền nào đủ lực, đủ người để can thiệp vào mọi trường hợp sắp phá sản hay rơi vào tình huống mất khả năng trả nợ. Chúng ta cũng đã mất cả chục năm trời sau mở cửa để xóa bỏ thói quen “hình sự hóa” các quan hệ dân sự; một khi chính quyền nhảy vào can thiệp, vụ việc dễ bị hình sự hóa hay ít nhất cũng bị “hành chính hóa”. Sự can thiệp của chính quyền dễ dẫn đến sự ỷ lại của những người trong cuộc; mọi giao dịch cứ tiến hành bất kể rủi ro, không lượng giá rủi ro bởi họ cứ tin chắc sẽ có sự can thiệp của Nhà nước mỗi khi có chuyện. Nên nhớ khá nhiều trường hợp nợ nần là do các bên tham gia giao dịch bị lóa mắt vì kỳ vọng lãi cao, nay phải để họ chịu một phần trách nhiệm cho quyết định của họ.
Con đường giải quyết bằng tòa án là con đường tốt nhất bởi luật pháp đã dự liệu những tình huống như thế. Vấn đề là xây dựng và giám sát sao cho hệ thống tư pháp đủ năng lực đảm trách vai trò phán xử công minh, có trách nhiệm, đủ hiểu biết.
Môi trường kinh doanh hiện nay càng đòi hỏi phải nhanh chóng sửa đổi Luật Phá sản để luật không chỉ là công cụ cho giới chủ nợ đòi lại tài sản mà còn là chiếc phao cuối cùng cho doanh nghiệp gặp khó khăn vì dòng tiền bị nghẽn để luật bảo vệ và cho họ cơ hội làm lại từ đầu.
(theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Không có nhận xét nào: