Tổng thống Nga Dmitry Medvedev kêu gọi Mỹ và phương Tây không nên bỏ lỡ cơ hội đạt được thỏa thuận với Mátxcơva về Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD), coi đây là phép thử sự sẵn sàng của Mỹ và NATO trong việc xây dựng quan hệ đối tác với Nga.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế mang tên "An ninh Cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương: Hoang đường hay thực tế?" ngày 23/3 tại Mátxcơva, Tổng thống Medvedev nhấn mạnh sự phối hợp hành động giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không thể được cải thiện nếu như không giải quyết vấn đề phòng thủ tên lửa.
“Lập trường của Nga về NMD của Mỹ ở châu Âu là nhất quán. Mátxcơva yêu cầu các đối tác phương Tây cam kết rằng hệ thống phòng thủ này không nhằm chống lại Nga và phải được đảm bảo bằng pháp lý”, ông khẳng định.
Cũng theo Tổng thống Medvedev, Mỹ và NATO nên có các phương án phòng thủ tên lửa thay thế không gây nguy hiểm đến sự cân bằng hạt nhân với Mátxcơva.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng các bên cần nhanh chóng đạt được thỏa thuận mà các bên cùng chấp nhận được, đồng thời kêu gọi loại bỏ tất cả những lỗ hổng cho phép các nước có thể “qua mặt” Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đặc biệt trong việc sử dụng vũ lực.
“Những tuyên bố đe dọa sử dụng vũ lực chống lại một nước nào đó, ví dụ như Syria hay Iran, là điều hết sức nguy hiểm và không thể chấp nhận được”, Tổng thống Medvedev nói.
Nguyên nhân bất đồng
Bất đồng giữa Nga và phương Tây về NMD của Mỹ ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, do hai bên có quan điểm rất khác nhau về chức năng của hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Mỹ và đồng minh khẳng định hệ thống lá chắn tên lửa NMD chỉ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa tên lửa tiềm tàng từ các nước như Iran hay Triều Tiên, chứ không phải nhằm vào hệ thống tên lửa của Nga.
NATO thì cho biết khối này sẵn sàng hợp tác với Nga về NMD, song lại bác bỏ đề xuất của Mátxcơva về việc cùng vận hành hệ thống lá chắn mà nếu được triển khai sẽ được đưa tới những khu vực “sát nách” Nga. .
Do vậy, Mátxcơva lo ngại hệ thống NMD cuối cùng sẽ phát triển đủ mạnh để đánh chặn cả các tên lửa của Nga và làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của nước này.
Trước đó, Nga cũng đã nhiều lần yêu cầu Mỹ và NATO đưa ra bảo đảm pháp lý rằng hệ thống phòng thủ NMD sẽ không nhằm chống lại Nga, nhưng đề nghị này không được chấp nhận. Đề xuất thảo luận về một hệ thống NMD mới cũng đã bị phương Tây phớt lờ.
“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận các ý tưởng khác về NMD song đáng tiếc là phương Tây không đưa ra được ý tưởng khác nào”, ông Medvedev cho biết thêm.
Đối sách của Nga
Để đối phó với Mỹ và phương Tây trong vấn đề NMD, Nga tuyên bố sẽ đẩy mạnh tái trang bị vũ khí hiện đại cho các lực lượng vũ trang để tới năm 2017-2018 có đủ tiềm lực giáng trả hệ thống này.
Phát biểu tại phiên họp với ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga trước đó ba ngày cũng tại thủ đô Mátxcơva, Tổng thống Medvedev khẳng định điện Kremli không loại trừ khả năng tiếp tục đối thoại với Washington và NATO, song Nga cũng phải chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống có sự thay đổi.
“Nếu đề nghị của Mỹ và NATO về NMD đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia của Liên bang Nga, Mátxcơva sẽ có những hành động đáp trả thích đáng”, ông Medvedev tuyên bố.
Tổng thống Medvedev cũng yêu cầu Chính phủ và Bộ Quốc phòng từ nay đến năm 2018 phải nhanh chóng triển khai các trạm rađa và các giàn tên lửa Iskander tại Kaliningrad, tăng cường trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược cùng các loại vũ khí hiện đại khác cho quân đội, đặc biệt là hải quân Nga.
Ngoài ra, ông cũng bảo lưu quyền từ bỏ nghĩa vụ giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí, cũng như quyền rút khỏi Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới) trong trường hợp xảy ra đối đầu trong vấn đề NMD.
Sức mạnh quân sự Nga
Phát biểu với Tổng thống Medvedev tại phiên họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov thông báo binh chủng tên lửa chiến lược Nga đã hoàn thành kế hoạch tái trang bị các loại tên lửa đạn đạo hiện đại nhất cho 10 trung đoàn.
“Đã có 10 trung đoàn được trang bị hai loại tên lửa đạn đạo Topol-M và Yars, nâng tỷ lệ tên lửa hiện đại trang bị cho lực lượng hạt nhân chiến lược mặt đất từ 13% lên 25%”, Bộ trưởng Serdyukov cho biết.
Dàn phóng tên lửa đạn đạo Topol-M của Nga.
Cũng theo Bộ trưởng Serdyukov, binh chủng phòng không Nga vừa đưa vào trực chiến 3 trung đoàn tên lửa phòng không S-400, cùng hơn 30 phi đội máy bay chiến đấu gồm Su-34, Su-35S, Mi-28N, Ka-52 và Ka-226.
Ngoài ra, binh chủng này cũng đã khánh thành 7 căn cứ không quân hiện đại, sửa chữa và nâng cấp 28 sân bay, đưa vào thử nghiệm trạm rađa mới tại Irkutsk nhằm nâng cao năng lực cảnh báo mọi cuộc tấn công tên lửa nhằm vào lãnh thổ Nga.
Vũ Anh
Theo Reuters, AFP, AP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét