Trong tuần trước phiên xử sơ thẩm dự kiến vào ngày 27/3 này tại Hải Phòng, tập đoàn đóng tàu nhà nước mắc nợ hàng tỷ đô la Vinashin tung ra đợt 'triển khai công tác Đảng' cho năm 2012.
'Cố ý làm trái'
Một cựu lãnh đạo, ông Phạm Thanh Bình, từng lãnh đạo tập đoàn tàu thủy Vinashin sẽ ra trước tòa trong phiên xử sơ thẩm ngày 27/3.
Luật sư Chu Đông, người nhận bào chữa cho ông Phạm Thanh Bình, nói với BBC từ Hải Phòng rằng ông đã gặp thân chủ của mình sáng ngày thứ Hai 26/3.
Ông Đông cũng cho hay ông đang "chuẩn bị tinh thần để bào chữa tốt nhất" cho thân chủ của mình và xác nhận vụ án đang thu hút ít nhiều các cơ quan truyền thông Việt Nam đến Hải Phòng để đưa tin.
Vụ xử liên quan năm dự án đã bị điều tra với tổng thiệt hại được nói là hơn 910 tỉ đồng.
Tập đoàn Vinashin cho đến năm ngoái đã rơi vào tình trạng gần như phá sản với số nợ hơn 4 tỉ đôla và cũng đang bị kiện tại London.
Báo chí Việt Nam trích văn bản của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam nói ông Phạm Thanh Bình, 58 tuổi, cùng một số đồng phạm đã "lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước".
Hai người khác, Hồ Ngọc Tùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy) và Giang Kim Đạt (nguyên trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương Vinashin) đã bỏ trốn.
Truyền thông nhà nước tường thuật các bị cáo đã sai phạm trong việc "cố tình mua tàu Hoa Sen khi Thủ tướng không cho phép, bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang không xin ý kiến tập đoàn, đầu tư dự án tàu Bình Định Star gây thua lỗ, đầu tư hai nhà máy điện Sông Hồng (Nam Định) và diesel Cái Lân (Quảng Ninh)".
Vẫn theo cáo trạng, dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen gần thiệt hại gần 470 tỉ đồng, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng thiệt hại hơn 316 tỉ đồng, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân thiệt hại hơn 66,5 tỉ đồng.
Ông Phạm Thanh Bình, cùng tám người khác, bị truy tố tháng 11 năm ngoái.
Nhưng đánh giá công tác Đảng năm qua, Đảng bộ Vinashin vẫn được Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn công nhận là "Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Văn bản của tạp chí Vinashin về sự kiện này cũng nói năm 2012 là năm thứ ba Vinahsin thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn.
Hồi năm 2011, Tập đoàn Vinashin "tiếp tục sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự các ban chuyên môn, theo đó công tác kiện toàn tổ chức các chi bộ Đảng cũng có sự thay đổi".
Nay một loạt nhiệm vụ kinh tế chuyên môn được nêu ra và Đảng bộ tại Tập đoàn có vốn nhà nước 100% này đã và đang thực hiện, theo trang web của Vinashin.
Các hoạt động này gồm có:"Rà soát, lập dự toán, giải ngân vốn cho các tàu hoàn thiện năm 2011, tháo gỡ vương mắc trong quá trình nhập khẩu vật tư thiết bị, lập kế hoạch tiến độ thi công đối với từng sản phẩm,"
Ngoài ra Vinashin cũng "tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phân công tổ, nhóm theo dõi thực hiện từng sản phẩm..."
Đặc biệt, tập đoàn này "phát động thi đua 120 ngày đêm hoàn thành 60 tàu... góp phần hoàn thành và bàn giao 74 tàu năm 2011, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động".
Trong bài viết trên Tạp chí Vinashin cụm từ "tháo gỡ kịp thời" các vướng mắc trong sản xuất và kinh doanh được nhắc lại nhiều lần, cho thấy tình hình tại Tập đoàn khổng lồ này vẫn chưa hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét