Nguyễn Hùng
BBC Tiếng Việt
Trong những ngày xét xử phúc thẩm ông Dương Chí Dũng và 'đồng phạm', người ta không thấy tin tức gì về vụ xử khi vào trang nhà của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Đây cũng không phải là điều gì khó hiểu khi Vinalines đang muốn quên đi những vụ việc do các lãnh đạo cũ gây ra trong quá trình "vươn ra biển lớn".
Nhưng di chứng vẫn có thể thấy đâu đó ngay cả trong sự hiện diện ảo của công ty trên Internet .
Một ô quảng cáo phía bên tay phải sẽ dẫn người ta tới 'Bấmđường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tham nhũng' vốn có vẻ chỉ hoạt động trong giờ hành chính.
Gọi tới số 84 949 791 688 sau giờ làm việc người ta sẽ chỉ nghe thấy trọn quảng cáo của một công ty điện thoại với khẩu hiệu "cùng nhau cuộc sống thêm ý nghĩa".
Đường dây được lập ra từ mùa hè năm ngoái này gợi ý cho người ta đôi điều về cố gắng chống tham nhũng của Vinalines nói riêng và Việt Nam nói chung nhân vụ việc liên quan tới ông Dương Chí Dũng.
Thứ nhất, người ta thậm chí không chọn một số điện thoại dễ nhớ giống như số 84 973 306 306 của Bộ Y tế, một bộ vốn cũng không được đánh giá cao.
Thứ hai, dường như đường dây không được trực 24/24 và cũng không có thông tin qua hộp thoại nào để người ta liên hệ khi không ai trực máy.
Thứ ba, Bấmtrang web không nói gì về chuyện thông tin sẽ được bảo mật ra sao, sẽ được chuyển tới đâu và việc bảo vệ danh tính của những người cung cấp thông tin như thế nào.
Nó có mọi chỉ dấu của một việc làm cho qua và thiếu quyết tâm của những người khó có thể nói là thiết tha với việc chống tham nhũng dù đây từng được coi là "giặc nội xâm".
Đồng đô la và sự bình đẳng
Và những gì người ta thấy qua quá trình xét xử ông Dương Chí Dũng cùng những người khác về tội tham ô và bỏ trốn cũng đưa ra những chỉ dấu tương tự.
Thứ nhất, mượn ý của George Orwell, nhà văn và nhà báo người Anh, mọi đồng đôla đều bình đẳng nhưng có những đồng đôla bình đẳng hơn những đồng đôla khác trong những vụ xét xử liên quan tới ông Dũng và người em, Dương Tự Trọng.
Ông Dũng bị buộc tội tham ô 10 tỷ đồng, một phần của khoản 1,6 triệu đôla nhưng trong phiên xử ông Trọng, vị cựu lãnh đạo Vinalines cũng lại đề cập tới 30 tỷ khác có trị giá chừng 1,5 triệu đôla.
Đó là khoản nửa triệu đôla mà ông khai tại tòa là đã đưa cho cố Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ để nhờ ông Ngọ giúp đỡ nhằm thoát khỏi các bê bối liên quan tới Vinalines.
Và khoản 20 tỷ ông Dũng nói ông đưa hộ cho một người khác và để chạy cho một vụ việc khác nhưng người nhận cũng là ông Ngọ.
Cho tới nay khoản 30 tỷ này cũng như những khoản hàng chục ngàn đôla mà ông Dũng khai đưa cho một vài quan chức công an khác đều không được công khai điều tra.
Thứ hai, vẫn mượn ý của Orwell, mọi lời khai đều bình đẳng nhưng có những lời khai bình đẳng hơn những lời khai khác.
Ông Dũng bị kết án tử hình tại phiên sơ thẩm chủ yếu dựa vào lời khai của một cựu thuộc cấp nhưng một số lời khai của ông về những nhân vật ở Bộ Công an đã gần như bị bỏ qua, ít nhất cho tới thời điểm này.
Ông Dũng khai đã nhận của bà Lan (chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, TP.HCM) 20 tỷ đồng để chuyển cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an.
Theo ông Dũng, người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệp. Các nguồn tin nói đây là ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp, trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Trong phiên xử ông Trọng hồi đầu năm nay, ông Dũng khai:
"Anh Tiệp có nói là "Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa.""
Lời khai của ông Dương Chí Dũng hồi tháng Hai
"Việc 20 tỷ tôi đưa cho anh Ngọ là tiền của chị Lan, chứ không phải của tôi. Mà chị Lan chuyển qua một người. Khi chị Lan điện thoại cho tôi, chị Lan bảo là: "Sẽ có một người ở Hà Nội chuyển cho anh, người đó thì anh đừng trao đổi về số tiền này để đưa cho ai làm gì. Đấy, chị còn dặn vậy. Và cái anh Tiệp là người đưa cho tôi. Thì là có 2 người biết việc, chứ không phải một mình tôi.
"Anh Tiệp có nói là "Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ. Và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa".
"Thì sau đó ít ngày, sau một thời gian tôi không nhớ bao nhiêu ngày, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Và ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang rất tình cờ tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo lại với anh Quang là "Anh Ngọ có giới thiệu công ty như thế..."
"Anh Quang bảo chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả."
Ngoài ra ông Dũng cũng khai đã đưa tổng cộng 30.000 đôla cho hai sỹ quan công an của Cục C48.
Chưa có bất kỳ tuyên bố nào về chuyện lời khai của ông Dũng có được điều tra không và kết quả điều tra ra sao.
Cuộc chiến hay trận đánh?
Một số nhân vật bị khai tên đã bác bỏ chuyện họ nhận hối lộ.
Nhưng không thể có kết luận rõ ràng nào nếu không có cuộc điều tra và xét xử hoàn toàn độc lập.
Người ta đều nhớ khi Tổng thống Bill Clinton Hoa Kỳ bị dính vào bê bối tình dục với cô thực tập sinh Monica Lewinsky khi ông còn tại nhiệm, người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ nói rằng ông "không có quan hệ tình dục nào" với cô cả.
Nhưng kết quả điều tra của công tố viên đặc biệt lại chứng minh điều ngược lại và ông đã bị Quốc hội luận tội.
Thật khó tưởng tượng một nhân vật tầm cỡ như Bill Clinton ở Việt Nam có thể trở thành mục tiêu của bất kỳ cuộc điều tra độc lập nào và bị Quốc hội luận tội sau đó.
Và khi những đồng đôla đen khác nhau còn được đối xử khác nhau ở Việt Nam thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ chỉ còn là những trận đánh rời rạc và có giới hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét